Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm được cho là có công rất lớn trong việc trợ giúp cố Tổng Bí thư Trọng trong công cuộc “đốt lò”. Tuy nhiên các quan điểm, chủ trương, và kể cả hành động của ông Tô Lâm gần như trái ngược với ông Trọng.
Đây là lý do, ông Tô Lâm đã không được ông Trọng tin tưởng và lựa chọn trong danh sách nhân sự kế cận cho ghế Tổng Bí thư. Ông Tô Lâm đã ý thức rất rõ điều này. Khi sức khỏe của Tổng Bí thư Trọng có vấn đề, lập tức ông Tô Lâm và phe cánh đã tiến hành “cuộc đảo chính không tiếng súng”, với mục đích tiếm quyền lãnh đạo trong Đảng.
Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đột ngột” qua đời khá bất ngờ, cũng như việc Chủ tịch nước Tô Lâm được Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ định làm nhân vật kế cận, “tạm” điều hành Đảng cũng có nhiều điều khuất tất.
Theo quy định của Đảng, vị trí thường trực Ban Bí thư được coi là Phó Tổng Bí thư của Đảng, sẽ thay thế ngay lập tức cho Tổng Bí thư khi ông Trọng vắng mặt kéo dài. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đã khiến cho Đại tướng Lương Cường bất bình, và kéo theo một bộ phận tướng lĩnh có biểu hiện phản đối.
Trong lễ quốc tang của cố Tổng Bí thư Trọng, đã có nhiều biểu hiện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa Lương Cường và Tô Lâm. Nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó đã chia rẽ sâu sắc hơn. Mối quan hệ giữa ông Tô Lâm với một bộ phận tướng lĩnh quân đội, cộng với một số đông lãnh đạo cấp cao trong Đảng, vốn là “di sản” nhân sự của ông Trọng không ủng hộ Tô Lâm cũng đã nhanh chóng hình thành.
Hình ảnh ông Tô Lâm với vẻ mặt đầy lo âu vào thời điểm hết sức “bấp bênh” hôm 20/5, khi Quốc hội chuẩn bị bầu ông Lâm làm Chủ tịch nước. Trong lúc đó, ghế Bộ trưởng Bộ Công an chưa có phương án xác định rõ ràng ai sẽ ngồi vào.
Tuy nhiên, Tô Lâm đã không hổ danh là một ông trùm an ninh, mật vụ vào hàng bậc nhất của Việt Nam. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, với những nước cờ táo bạo, ngày 3/8, Chủ tịch nước Tô Lâm đã giành được ghế Tổng Bí thư.
Trước, trong và sau Hội nghị Trung ương 10, khóa 13, vào trung tuần tháng 9/2024, sự chống trả từ di sản “nhân sự” của Tổng Trọng đối với ông Tô Lâm đã tỏ ra công khai và bài bản hơn, với sự chống lưng của Bắc Kinh.
Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, đáng chú ý là công cuộc chống tham nhũng và những nhân sự được đánh giá là hết sức tồi tệ. Kết quả, đã có rất nhiều quan chức cấp cao, kể cả các “Tứ trụ”, Ủy viên Bộ Chính trị, đã bị kỷ luật hoặc truy tố, cùng một số lượng không nhỏ các quan chức “cộm cán” đã bỏ trốn.
Ngày 30/10, Ban Nội chính Trung ương cho biết, các cơ quan chức năng đã vận động đầu thú và truy bắt được 9 người bỏ trốn ra nước ngoài trong các vụ án tham nhũng trong năm 2024. Theo Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan quyết liệt vận động đầu thú, truy bắt, dẫn độ những người bỏ trốn ra nước ngoài về Việt Nam.
Mới nhất, bà chủ tiệm vàng Phúc Hằng ở Hà Nội, đã bị Cảnh sát Hy Lạp bắt giữ tại phi trường Athens ngày 28/10, theo lệnh truy nã của Bộ Công an Việt Nam, với cáo buộc buôn lậu số lượng lớn vàng từ Campuchia về Việt Nam là một ví dụ cho chiến dịch này.
Đây cũng chính là lý do, Bộ Công an Việt Nam truy nã gắt gao bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bằng mọi giá.
Theo giới quan sát, bị án Nhàn AIC là chìa khóa mang tính then chốt, để Tổng Bí thư Tô Lâm có đủ điều kiện xử lý triệt để tận gốc một số lượng không nhỏ các quan chức “chưa bị lộ”.
Đây là những quan chức lãnh đạo cấp cao thuộc di sản nhân sự do ông Trọng để lại, và cũng là các quan chức lãnh đạo Việt Nam đã và đang chống lại Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de