Sau khi ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có không ít người hy vọng sẽ có công cuộc cải cách, và tin tưởng rằng ông Tô Lâm sẽ là người tạo ra bước ngoặt lịch sử.
Tuy nhiên chỉ mới tròn 3 tháng, những suy nghĩ vừa kể được cho là hoàn toàn không có căn cứ, vì cán cân quyền lực ở chính trường đến nay đã thay đổi gần như 180 độ.
Việc ông Lương Cường ngồi vào ghế Chủ tịch nước đã cho thấy sự suy giảm đáng kể quyền lực của ông Tô Lâm. Đồng thời, đã chính thức chấm dứt những nỗ lực thâu tóm quyền lực “tuyệt đối” của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong lúc ông Tô Lâm nỗ lực bằng mọi cách để nhất thể hóa 2 chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.
Theo giới phân tích, công cuộc cải cách của Tổng Bí thư Tô Lâm đang đối diện với cả tiềm năng và thách thức rất lớn. Trong quá trình cải cách, việc đấu tranh chống tham nhũng và tinh gọn bộ máy nhà nước là những ưu tiên hàng đầu, với mục đích nhằm duy trì niềm tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với mong muốn tạo ra những sự thay đổi mang tính bước ngoặt, để tạo ra những dấu ấn riêng của mình như một Gorbachev của Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dũng cảm đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm nhất của các nhà nước hậu cộng sản, khi nêu vấn đề “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” là vấn đề thể chế.
Theo giới chuyên gia, việc Đảng Cộng sản Việt Nam có cải cách thể chế chính trị hay không là một vấn đề phức tạp, và hết sức nhạy cảm.
Trong các văn kiện, phát biểu chính thức của các Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đều nhấn mạnh, cam kết duy trì hệ tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa, và tiếp tục giữ vững chế độ chính trị một đảng lãnh đạo.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này gặp phải nhiều khó khăn với nhiều lý do khác nhau, mà việc xung đột, mâu thuẫn giữa các cá nhân và phe phái trong đảng là vấn đề mấu chốt. Ngoài ra, ông Tô Lâm cũng gặp phải sự thách thức trong việc làm sao tiến hành cải cách, mà không ảnh hưởng đến sự ổn định của chế độ.
Đây cũng là lý do, một bộ phận lớn các lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản Việt Nam – một lực lượng được cho là các nhân sự trung thành với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn kiên định với học thuyết Marx – Lenin và những vấn đề mà Chủ nghĩa Xã hội, đã ra sức bảo vệ.
Tuy nhiên, thực chất của vấn đề được cho là, sự cải cách của Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra, đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, cũng như quyền lực của thế lực chính trị này.
Đây là điều hơn ai hết, ông Tô Lâm cũng đã hiểu quá rõ. Đây là điều nhạy cảm với các nhà nước độc đảng như ở Việt Nam. Việc cải cách thể chế, do đó, sẽ đi ngược với việc duy trì sự toàn trị của Đảng Cộng sản. Điều sẽ khiến việc đổi mới, và cải cách của Tổng Bí thư Tô Lâm đang chứa đựng các nguy cơ tiềm ẩn.
Tuy nhiên ít ai biết rằng, đòi hỏi cải cách thể chế của ông Tô Lâm đưa ra, không phải là việc xóa bỏ đường lối hay thể chế chính trị Xã hội Chủ nghĩa, mà là thay đổi nguyên tắc căn bản nhất của chế độ độc đảng toàn trị, đó là, “tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách”.
Có nghĩa là, ông Tô Lâm muốn thay đổi theo mô hình nhất thể hóa như ở Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình, hay như Putin ở Cộng hòa Liên bang Nga hiện nay. Nhưng ông Tô Lâm không đủ can đảm để nói thẳng ra.
Đó là lý do, công luận thấy rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm đang ở trong thế bí, nên mỗi ngày nói một chuyện, nhưng cũng chỉ vòng vo Tam Quốc như mấy ông Tàu bán thuốc dạo mà thôi.
Trà My – Thoibao.de