Ngày 3/12, VOA Tiếng Việt loan tin “Hơn một nửa các hãng Hàn Quốc ở Việt Nam bị rò rỉ công nghệ trong năm 2024”.
VOA dẫn thông tin được Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET) công bố, hôm thứ Hai 2/12, cho thấy, hơn một nửa số công ty Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam, đã bị nhân viên đánh cắp công nghệ trong năm nay, 2024, theo tin của các kênh truyền thông Hàn Quốc, như Yonhap, The Korea Times và Korea JoongAng Daily.
Theo VOA, Viện nghiên cứu này, được nhà nước cấp ngân quỹ, đã khảo sát 335 công ty Hàn Quốc, có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10 vừa qua, để tìm hiểu về môi trường kinh doanh của thị trường ở Việt Nam, Yonhap, The Korea Times và Korea JoongAng Daily cho biết.
Theo khảo sát của Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, gần 55% các công ty chia sẻ rằng, họ “đã bị rò rỉ công nghệ và bị đe dọa” bởi nhân viên nước ngoài và Hàn Quốc, các công ty đối thủ và những bên khác tại Việt Nam.
VOA cho biết, tỷ lệ này tăng mạnh so với mức 34,6%, là kết quả khảo sát hồi năm ngoái ở Việt Nam – đất nước là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc, các bản tin của Yonhap, The Korea Times và Korea JoongAng Daily viết.
Trong số những người đánh cắp công nghệ và đưa ra lời đe dọa, nhân viên nước ngoài chiếm 28,3%; tiếp theo là các hãng đối tác và các hãng đối thủ ở mức 22,1%; và nhân viên người Hàn Quốc với 20,4%.
VOA cũng cho biết, tính theo ngành, hầu hết các công ty ô tô và linh kiện, cùng với 42,9% các hãng hóa dầu, nói rằng, nhân viên nước ngoài có dính dáng đến rò rỉ công nghệ.
Ngược lại, 40% các công ty bán dẫn cho hay nhân viên người Hàn Quốc đã đánh cắp công nghệ của họ và tống tiền họ.
Hơn 50% các hãng chỉ ra rằng, việc thiếu an ninh trong quản lý nhân sự và tài liệu, là nguyên nhân chính gây ra rò rỉ công nghệ.
Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc nói rằng, các công ty cần tăng cường các biện pháp an ninh của chính họ, và Chính phủ cần cung cấp hỗ trợ có hệ thống, chẳng hạn như hướng dẫn bảo vệ công nghệ, dịch vụ tư vấn về hệ thống an ninh, và sách hướng dẫn hỗ trợ các công ty trong trường hợp xảy ra tranh chấp pháp lý quốc tế, theo tin của Yonhap, The Korea Times và Korea JoongAng Daily.
Liên quan đến việc rò rỉ thông tin, ngày 3/9, trang An toàn Thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ Việt Nam, cho hay, có “17.000 lỗ hổng mới đe dọa an ninh mạng Việt Nam trong nửa đầu 2024”.
Theo đó, một báo cáo của Viettel, công bố ngày 26/8, cho thấy tình hình an ninh mạng đáng báo động, với sự xuất hiện của 17.000 lỗ hổng mới chỉ trong 6 tháng đầu năm, đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt.
Báo cáo này cung cấp thông tin về tình trạng lọt lộ dữ liệu, các lỗ hổng bảo mật, ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt, tấn công mã hoá dữ liệu tống tiền, và tấn công từ chối dịch vụ.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, số thông tin cá nhân bị đánh cắp tăng 50%; số trang giả mạo tổ chức, doanh nghiệp tăng 4 lần, làm gia tăng số vụ lừa đảo, gian lận tài chính.
Trong nửa đầu năm 2024, số lượng dữ liệu bị tấn công mã hóa gây ra tổng thiệt hại, ước tính hơn 10 triệu USD, nhắm vào các công ty tài chính, dịch vụ công, công nghệ thông tin và sản xuất.
Viettel khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp, rà soát các hệ thống dự phòng, đảm bảo dữ liệu phòng được tách biệt vật lý, và tách biệt logic với các hệ thống chính, có khả năng khôi phục khi hệ thống chính gặp các sự cố nghiêm trọng. Doanh nghiệp cũng cần rà soát, siết quyền truy cập và quản trị các máy chủ, và hệ thống kiểm soát quyền truy cập, bổ sung cơ chế xác thực đa nhân tố cho các hệ thống và tài khoản trọng yếu và thường xuyên cập nhật bản vá các ứng dụng bề mặt Internet.
Hoàng Anh – thoibao.de