Tổng Bí thư muốn xử lý kỷ luật triệt để dọn đường thao túng quyền lực?

Ngày 3/12, RFA Tiếng Việt có bài: “Tổng Bí thư Tô Lâm: Không chỉ dừng lại ở xử lý kỷ luật ông Vương Đình Huệ!”.

RFA cho hay, theo Tổng bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị thời gian qua đã xử lý kỷ luật cảnh cáo cán bộ chủ chốt của Đảng, nhưng sẽ không dừng lại ở đó.

Ông Tô Lâm cùng với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự Hội nghị tiếp xúc cử tri vào sáng 3/12, với tư cách Đại biểu Quốc hội, tuy nhiên, các báo khi tường thuật chỉ nhắc đến phát biểu của ông với tư cách Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

RFA trích dẫn báo Lao Động, dẫn nguyên văn phát biểu của ông Tô Lâm:

“Cũng là lần đầu tiên Bộ Chính trị xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ chủ chốt của Đảng. Không có gì dừng lại mà phải tiếp tục”. 

Tuy ông Tô Lâm không nhắc trực tiếp đến nhân vật nào, nhưng cựu Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ là người bị kỷ luật cảnh cáo gần đây nhất, trong khi ông Võ Văn Thưởng bị Bộ Chính trị nêu tên, nhưng không kỷ luật do đang điều trị bệnh.

RFA lưu ý, sau tiền lệ một trong các Tứ trụ bị xử lý kỷ luật sau khi đã rời chức vụ, mạng xã hội đặc biệt nhắc tên cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cấp trên của cựu Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng – người bị bắt và truy tố vì những sai phạm trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh.

Mặc dù, ông Phúc trong phát biểu trước khi rời chức vụ hồi tháng 2/2023 khẳng định “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á”. 

Ông Tô Lâm cho biết, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vẫn đang được tiến hành quyết liệt, triệt để không có vùng cấm, không có ngoại lệ để “công chức, viên chức phải thực sự là công bộc của dân”. 

Đặc biệt sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định đưa thêm nội dung chống lãng phí vào nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngày 23/11, tác giả Doãn An Nhiên khi nhận định về chủ trương cải cách của Tổng Bí thư Tô Lâm, đã cho rằng, “Kỷ nguyên mới”“chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước…”,“tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thống nhất khẳng định”, và “cần được đưa vào Văn kiện Đại hội 14…”. Tân Tổng bí thư Tô Lâm là người khởi xướng cuộc cải cách, để bước vào “kỷ nguyên mới”, và Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị xúc tiến cải cách thể chế “từ bên trên”.

Theo tác giả An Nhiên, cả thực tế và nguyên lý đều chỉ ra hầu hết các chế độ tập quyền toàn trị bởi độc Đảng Cộng sản có thay đổi “bất thường”, như sụp đổ hay cải tổ lớn, thường diễn ra “từ bên trên”, đỉnh tháp quyền lực, trong đó người đứng đầu Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Chế độ không thể thay đổi từ bên dưới, tình trạng trì trệ của hệ thống chính trị ngày càng nghiêm trọng, cản trở tăng trưởng kinh tế, nhưng cải cách thể chế “từ bên trên” liền được bắt đầu khi ông Tô Lâm “tiếp quản” cương vị người đứng đầu Đảng, ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng 13.

Tác giả An Nhiên đánh giá, việc ông Tô Lâm nắm quyền tối cao, từ cách thức đến xuất thân của chế độ đảng trị, đã tạo ra sự khác biệt với các thế hệ tiền nhiệm. Liệu đây có là biểu hiện của xu hướng thay đổi chung của các nhà độc tài “thế hệ mới”, thành cái gọi là những “nhà độc tài xoay chuyển”?

Các nhà độc tài của thế kỷ 20 thường biểu hiện 2 mặt, một mặt, lý tưởng buộc họ rèn luyện tinh thần cách mạng, mặt khác lại theo đuổi quyền lực “tuyệt đối” để có thể cai trị suốt đời và được sùng bái… Nghĩa là, việc trở thành nhà “lãnh đạo cách mạng” là thử thách, nhưng một khi đã giành được thì sự tha hoá là khó tránh khỏi.

 

Xuân Hưng – thoibao.de