Chủ nghĩa dân túy được hiểu nôm na là những phát ngôn, chính sách đáp ứng nhu cầu xã hội, để đạt được mục đích chính trị.
Dân túy không xấu, mà cũng không tốt, tốt hay xấu phụ thuộc vào ý đồ của người sử dụng. Đám đông dân chúng cũng có đầy đủ cảm xúc như một cá thể, có tiêu cực, tích cực, có sáng suốt, và cũng có sự thiển cận. Chỉ cần đánh vào đúng cảm xúc số đông, vào đúng thời điểm, thì sẽ được ủng hộ.
Chế độ Cộng sản ngày nay còn tệ hơn dân túy. Họ luôn tìm cách mị dân. Họ bịt mắt dân bằng giáo dục nhồi sọ và tuyên truyền dối trá, rồi từ đó, họ vẽ nên những mặt nạ theo ý muốn. Kẻ tội đồ thì họ lại vẽ cho mặt nạ anh hùng, kẻ gian ác thì họ vẽ mặt nạ vì dân, vv… Tuy nhiên, Cộng sản không có thói quen lấy lòng dân, mà chỉ lừa dân.
Hiện nay, Tô Lâm đang ở vị trí cao nhất trong Đảng, ông cần tìm kiếm sự tín nhiệm từ giới quan chức, giới lãnh đạo cấp cao. Ông đã có trong tay quyền lực, đã có trong tay Bộ Công an để bảo vệ quyền lực, nhưng sự căm ghét đối với ông trong nội bộ Đảng lại đang dâng cao. Nếu để tình trạng này âm thầm duy trì lâu dài, ghế của Tô Lâm cũng sẽ lung lay. Vì vậy, lấy lòng giới quan chức là điều cần thiết, cần cho sự vững vàng của ngôi báu mà Tô Lâm đang ngồi.
Hậu Nguyễn Phú Trọng là sự trỗi dậy của các “bô lão” từng bị ông Trọng hạ bệ. Đầu tiên là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, xuất hiện công khai bên cạnh Tô Lâm. Tiếp đến là cựu Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, được trao tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Tương tự, tiếp đến là một cựu Thường trực Ban Bí thư khác – ông Trần Quốc Vượng. Cả 2 vị cựu Thường trực Ban Bí thư này, đều được trao tặng huy hiệu về thâm niên tuổi đảng.
Các thành phần “bô lão” cũng khác nhau về sức ảnh hưởng. Ví dụ, một số nhà phân tích đánh giá rằng, hiện nay ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang có quyền lực ngầm mạnh nhất, so với các “Tứ trụ” đã về hưu; và có thể cũng là mạnh nhất, so với các uỷ viên Bộ Chính trị về hưu. Hơn nữa, ông Dũng có được một lượng đông đảo ủng hộ, đặc biệt là cánh miền Nam trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Có nguồn tin còn cho biết, ông Ba Dũng là người kết nối giữa ông Tô Lâm với các “tàn quân” miền Nam – những người đã mất phương hướng dưới thời ông Trọng. Thêm bạn bớt thù vẫn luôn là kế sách hay, dù thời nào vẫn thế.
Với các ông Đinh Thế Huynh và Trần Quốc Vượng, tuy không có sức ảnh hưởng mạnh như ông Ba Dũng, nhưng cũng có tiếng nói đáng kể với nhiều quan chức cấp cao miền Bắc. Thu phục được các “bô lão”, là để sử dụng uy tín của các “bô lão” này. Có thể, có những người không nghe theo ông Tô Lâm, nhưng lại nghe lời khuyên của các bô lão.
Như vậy, song song với chính sách Công an trị trong Đảng, là chính sách “quan túy” của Tô Lâm. Ông đang chứng tỏ rằng, ông hiểu rất rõ bản thân. Một tướng quân phiệt quen cách dùng “vũ khí” (là các hồ sơ đen), để đe dọa “đồng chí”, đã khiến ông làm mất lòng rất nhiều người trong Đảng. Nếu không thực hiện chiến thuật “quan túy”, để lấy lại phần nào cảm tình từ tầng lớp quyền lực, thì tương lai của Tô Lâm sẽ trở nên khó khăn hơn.
Đang là người chơi cờ trên bàn cờ chính trị, từ tướng võ biền chỉ biết dùng vũ lực, nay Tô Lâm đã trở nên đa mưu túc kế. Rất có thể, trong những nước cờ vừa khôn khéo vừa kín đáo, cũng có sự nhắc đòn của tầng lớp bô lão.
Ông Nguyễn Tấn Dũng vốn có nhãn quan chính trị rất tốt, là người biết tiên liệu trước nhiều nước cờ. Đặc biệt, ông cũng chơi trò “dân túy” trội hơn những nhân vật khác trên chính trường, thời ông còn làm Thủ tướng. Giờ đây, chỉ cần thay đối tượng từ dân sang quan, thì ông Ba Dũng sẽ giúp được Tô Lâm rất nhiều.
Hoàng Phúc – Thoibao.de