Ngày 17/12, RFA Tiếng Việt loan tin “Facebook siết chặt kiểm duyệt bài đăng chỉ trích Chính phủ ở Việt Nam, tăng gấp rưỡi trong 6 tháng đầu năm”.
RFA cho biết, ngày 12/12, ông Hoàng Hùng – một người gốc Việt ở Cộng hoà Séc, đăng bài viết trên Facebook với tựa đề “Quan chức Việt Nam quấy rối tình dục ở New Zealand?”
Một ngày sau, ông nhận được thông báo của Facebook nói rằng, bài viết không được hiển thị ở Việt Nam, vì “Chúng tôi nhận được yêu cầu từ Bộ Công an Việt Nam, đề nghị hạn chế khả năng tiếp cận bài viết của bạn”.
Ông Hùng nói với RFA rằng, việc chặn bài viết xuất hiện ở Việt Nam không chỉ xảy ra một lần, và việc này ảnh hưởng đến quyền tự do thông tin của người dân trong nước:
“Việc chặn này ảnh hưởng đến người trong nước. Tất cả những thông tin nào mà chính quyền cho rằng không có lợi hoặc bất lợi cho chính quyền thì họ sẽ chặn.”
RFA dẫn báo cáo minh bạch của Meta (Công ty mẹ của Facebook) trong nửa đầu năm 2024 cho biết, mạng xã hội Facebook đã hạn chế quyền truy cập đối với người dùng tại Việt Nam, với hơn 3.200 mục, theo báo cáo từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin Truyền thông, và Bộ Công an, vì bị cáo buộc vi phạm luật pháp địa phương về việc cung cấp thông tin xuyên tạc, vu khống, hoặc xúc phạm danh tiếng của một tổ chức, hoặc danh dự và nhân phẩm của một cá nhân, theo Điều 5.1, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
RFA cũng cho biết, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực vào đầu năm 2019, Meta chỉ hạn chế 198 bài viết. Con số này tăng lên hơn 3 nghìn bài năm 2020; hơn 4,8 ngàn năm 2023; và chỉ nửa đầu năm nay đạt con số 3,28 ngàn.
RFA dẫn quan điểm của Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, người từng bị Facebook xóa nhiều bài viết, vì những lý do theo ông là “rất vô lý”, cho rằng, Facebook đang xâm phạm một cách tùy tiện và bừa bãi vào quyền tự do ngôn luận của người dùng tại Hoa Kỳ.
“Tôi nghĩ rằng, Chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm quyền hành pháp và lập pháp, phải cần biết điều này, để sớm có biện pháp bảo vệ các quyền tự do đang nghiễm nhiên bị xâm phạm”, ông nêu ý kiến.
Phóng viên RFA đã gửi email cho Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam, cũng như 2 công ty Meta, với đề nghị bình luận về cáo buộc vi phạm quyền tự do biểu đạt, tự do thông tin khi chặn và xóa bài viết, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bên cạnh đó, theo RFA, một ông lớn công nghệ khác của Mỹ là Google, cũng xóa video, hạn chế tiếp cận các video từ người dùng Việt Nam có nội dung chỉ trích Chính phủ.
Từ năm 2011 đến giữa năm 2024, Chính phủ đã gửi tổng cộng 2.776 yêu cầu gỡ bỏ 83.129 video/bài viết trên các nền tảng của Google (bao gồm Youtube, Google Map, Google Play Apps, Blogger).
Theo Luật khoa Tạp Chí, từ năm 2018, Facebook hợp tác với chính quyền Việt Nam để hạn chế, ngăn chặn tiếp cận nội dung, chứ chưa đến mức cung cấp thông tin người dùng.
Luật khoa Tạp chí đề cập đến phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, ngày 5/9/2018, theo đó, bà Sheryl Sandberg – Giám đốc hoạt động của Facebook – đã cho biết, Facebook không có máy chủ ở Việt Nam và “không bao giờ cung cấp thông tin cho Chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị”.
Facebook kiểm duyệt nội dung với 2 tiêu chí: Vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Họ cũng chấp nhận yêu cầu kiểm duyệt thông qua 2 cơ chế yêu cầu pháp lý: Yêu cầu thông tin người dùng và yêu cầu hạn chế/ ngăn chặn tiếp cận nội dung. Yêu cầu hạn chế tiếp cận nội dung tùy thuộc vào luật địa phương của mỗi nước. Vì vậy, nội dung bị ngăn chặn chỉ giới hạn với người dùng trong quốc gia mà Facebook nhận yêu cầu, chứ không áp dụng toàn cầu.
Ý Nhi – thoibao.de