Đã có nhiều ý kiến khác nhau đánh giá về việc Tổng Bí thư Tô Lâm tiến hành xử lý hàng loạt các nhân sự cấp cao, kể cả những nhân vật “Tứ trụ” dưới thời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mới nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với các ông Vương Đình Huệ, và Nguyễn Xuân Phúc. Nhiều ý kiến cho rằng, ông Tô Lâm muốn khẳng định việc kỷ luật các nhân vật chủ chốt trước đây, là quyết định đúng đắn, và không liên quan đến việc triệt hạ đối thủ để tiếm quyền và soán ngôi.
Theo giới quan sát, có nhiều bằng chứng cho thấy, công cuộc “đốt lò” trước đây đã bị cố Tổng Bí thư Trọng lợi dụng, để thanh trừng các đối thủ trong nội bộ Đảng, hơn là thực sự chống tham nhũng.
Việc thất bại trong sắp xếp nhân sự cấp cao của cố Tổng Bí thư Trọng cũng vậy. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều quan chức cấp cao, kể cả ủy viên Bộ Chính trị và các “Tứ trụ” đã bị kỷ luật hoặc truy tố. Điều này đã cho thấy chất lượng và hiệu quả của công tác nhân sự, cũng như quy trình lựa chọn cán bộ cấp cao có vấn đề rất lớn.
Công tác tổ chức bộ máy của Bộ Y Tế là một ví dụ điển hình, về công tác lựa chọn nhân sự hết sức tùy tiện của cố Tổng Bí thư Trọng.
Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, đã có 3 Bộ trưởng Bộ Y tế bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị bắt giam. Đó là các ông, bà:
- Nguyễn Thị Kim Tiến (nhiệm kỳ 2011 – 2019), đã bị miễn nhiệm do liên quan tới bê bối thuốc ung thư giả của VN Pharma.
- Ông Vũ Đức Đam – người được chỉ định thay cho bà Tiến trên cương vị Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế (nhiệm kỳ từ tháng 11/2019 -7/2020). Đến năm 2022, ông Đam bị cho thôi chức Phó thủ tướng liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu.
- Ông Nguyễn Thanh Long là người kế nhiệm ông Đam (nhiệm kỳ 2020 – 6/2022), bị khởi tố bắt giam do tội “nhận hối lộ”, với số tiền 2,25 triệu USD trong Đại án kit test Việt Á.
Đáng chú ý, theo tin đồn đoán, đương kim Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cũng có khả năng cao sẽ mất chức trong thời gian sắp tới. Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận về các sai phạm tại Bộ Y tế, trong việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công.
Theo đó, Bộ Y tế đã có vi phạm trong việc áp dụng các quy định đã bị bãi bỏ, hoặc yêu cầu không đúng quy định pháp luật, gây phiền hà và nhiều hệ quả nghiêm trọng. Từ đó, đã tạo ra tình trạng khan hiếm thuốc và thiết bị y tế, gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe của người dân.
Được biết, đương kim Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan được cho là một tay chân thân tín của cố Tổng Bí thư Trọng. Trước đó, năm 2018, bà Đào Hồng Lan được ông Trọng điều sang làm Phó Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, đến năm 2020 thì lên làm Bí thư tỉnh này. Năm 2022, bà Lan đã được cố Tổng Bí thư Trọng giao chức Bộ trưởng Y tế thay cho Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.
Đáng chú ý, bà Đào Hồng Lan hoàn toàn không có kiến thức chuyên môn về y tế. Về học vấn, bà Lan tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh và Thạc sĩ Quản lý Kinh tế tại đại học Kinh tế Quốc dân.
Đào Hồng Lan còn là đệ tử và có mối quan hệ thân cận với bị án Nguyễn Nhân Chiến – cựu Bí thư Bắc Ninh. Ông Chiến là người vừa bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù do nhận hối lộ từ Công ty Cổ phần Tiến Bộ AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Xin nhắc lại, khi nói về công tác lựa chọn nhân sự chủ chốt cho Đại hội Đảng 13, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định cần phải có “con mắt tinh đời!”.
Trà My – Thoibao.de