Khi chính sách tinh giản bắt đầu được thực hiện, bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lại tung ra một “liều thuốc giải”. Bà muốn số ban ngành sau khi sáp nhập nhiều hơn trước, muốn “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Nếu chính sách của bà Trà được thực thi, thì chính sách của ông Tô Lâm bị vô hiệu hoá.
Sau “phát súng lệnh” của quan bà gốc Nghệ An, đến lượt một quan ông gốc Nghệ An là Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội, cùng với bà Bí thư Thành uỷ Bùi Thị Minh Hoài, tiếp tục tung ra một chính sách khác, nhằm cản đường ông Tô Lâm.
Cụ thể, mới đây, chính quyền Hà Nội đã đề xuất giữ lại 5 sở và 1 cơ quan tương đương, gồm: Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ, và Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Đáng chú ý, vì Trung ương có chủ trương sáp nhập Bộ Xây dựng vào Bộ Giao thông Vận tải, nên cấp tỉnh/ thành phố cần phải sáp nhập các sở tương ứng, để tiện việc quản lý theo chiều dọc, đồng thời đáp ứng tiêu chí tinh giản. Như vậy, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch Kiến trúc, cần sáp nhập lại thành một. Ấy vậy mà, thành phố Hà Nội lấy lý do “đặc thù”, để không chịu sáp nhập.
Nếu Hà Nội có thể viện lý do “đặc thù”, thì tại sao, thành phố Hồ Chí Minh lại không viện lý do ấy? Bởi cả Hà Nội và Sài Gòn đều là trung tâm kinh tế chính trị lớn cả nước. Giả sử, 2 đơn vị hành chính lớn ấy viện lý do được, thì các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương khác cũng có thể viện lý do tương tự. Một chính sách mà triển khai không nhất quán từ Trung ương đến địa phương, thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, có thể gây “rối”, “nghẽn” hệ thống.
Cách tổ chức bộ máy của chính quyền Cộng sản tương tự với nhà nước Phong kiến tập quyền, tức là, quyền lực tập trung về Trung ương, còn địa phương chỉ thừa hành. Hay nói đúng hơn, tính “tự trị” của chính quyền địa phương ở Việt Nam là không có.
Viện lý do “đặc thù” là mầm mống của ý đồ “tự trị”. Đáng chú ý, ghế bí thư thành ủy và ghế chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương, lại không được quyền tự trị, mà do Trung ương bổ nhiệm. Cả bà Hoài và ông Thanh đều không phải là người Hà Nội. Như vậy, trong thể chế chính trị mà địa phương không được quyền “tự trị”, thì việc quan chức đứng đầu đòi “tự trị” cho địa phương mình, là có ý gì? Có phải, họ đang muốn bất tuân Trung ương, hay nói đúng hơn là muốn bất tuân với chính sách của Tổng Bí thư Tô Lâm?
Bà Hoài là 1 trong 3 người đã “đào thoát” khỏi Ban Bí thư, sau khi ông Tô Lâm ngồi lên ghế quyền lực nhất. Hai người còn lại là ông Lương Cường và ông Nguyễn Hòa Bình. Còn ông Trần Sỹ Thanh là người Nghệ An, cũng đang muốn cạnh tranh suất vào Bộ Chính trị với đàn em của ông Tô Lâm. Nhóm Nghệ An lại đang có mối “thâm thù” sâu nặng với ông Tô Lâm, khi ông huy động tổng lực Bộ Công an để nhắm vào những nhân vật đứng đầu của nhóm này.
Viện lý do để không sáp nhập, chính là hình thức chống đối. Nếu thành công, Hà Nội sẽ trở thành tấm gương cho các địa phương khác noi theo. Khi ấy, chính sách tinh giảm của Tô Lâm xem như thất bại.
Ông Tô Lâm dùng bạo lực công an để cai trị Đảng, thì ngay trong Đảng cũng hình thành các thế lực chống lại ông. Chính sách nói trên chỉ mới ở giai đoạn quảng bá, mà đã xuất hiện lác đác sự chống đối. Xem ra, chính sách này sẽ không dễ dàng thực hiện suôn sẻ.
Ít nhất, nhóm Nghệ An có 2 nhân vật ra mặt chống Tô Lâm. Và vẫn còn các nhóm như Hà Tĩnh, Hà Nội vv… nếu những nhóm này đều theo gương Nghệ An, thì Tô Lâm sẽ rất vất vả. Không dễ để hành động.
Trần Chương – Thoibao.de