Không xử lý nổi Bảy Phúc, “tử huyệt” của Tô Tổng sẽ bị lộ?

Có thể nói, nhân vật “Tứ trụ” về hưu có khả năng xộ khám cao nhất, là ông Nguyễn Xuân Phúc.

Quan chức Cộng sản nào cũng ăn bạo, nhưng Nguyễn Xuân Phúc dính vào các tội ác với nhân dân nặng hơn. Những nguồn tin nội bộ xác định, vụ án Việt Á có liên quan tới bà Trần Thị Nguyệt Thu – vợ ông Phúc. Hiện nay, 80% cổ phần của Công ty Việt Á thuộc về ai, vẫn là một bí ẩn. Có lẽ, 80% này đã được thỏa thuận ngầm, để không bị truy tố chăng?

Ông Phúc được xác định là có nhiều tội, nhưng lại ít có vành đai bảo vệ, như ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau khi về hưu, ông Dũng vẫn còn “khạc ra lửa”, khiến rất nhiều nhân vật đương chức phải đến “lễ bái”. Còn ông Phúc, lúc này, ngay cả thường dân cũng chẳng cần chào hỏi khi gặp mặt. Uy không còn, và quyền lực ngầm cũng chẳng còn là bao, cho nên, Nguyễn Xuân Phúc là cái tên mà ông Tô Lâm dễ dàng cho lên “đoạn đầu đài” nhất, phá bỏ thứ luật bất thành văn, tồn tại bao năm qua – đó là, “Tứ trụ” đương nhiên được miễn truy tố.

Nếu xử lý ông Phúc, thì ông Tô Lâm được gì và mất gì?

Trước hết, nói về cái được, chính là được cái uy trước Đảng. Việc phá vỡ thứ luật bất thành văn nói trên, sẽ là lời “tuyên chiến” đanh thép, gửi tới các “Tứ trụ” về hưu, đặc biệt là với những vị thích chơi trò giật dây. Thông điệp mà ông Tô Lâm gửi đi là: “các cụ đã hạ cánh thì ngồi im, nếu không muốn bị xộ khám”. Đặc biệt, thông điệp này cũng có tính răn đe mạnh mẽ đối với ông Vương Đình Huệ – một cựu “Tứ trụ” có nhiều dây mơ rễ má, rất phức tạp.

Còn cái mất đối với ông Tô Lâm, là sẽ “thất thu” đối với những khoản tiền mà ông cựu Chủ tịch nước có thể chi ra, để mua lấy sự an toàn. Bao năm làm quan, từ Trung ương đến địa phương, ắt hẳn ông Phúc có tài sản không nhỏ.

Một nguồn tin cho thoibao.de biết, ông Phúc đã chi rất nhiều, nên nếu giờ mà trở mặt, bắt ông bỏ tù, thì cũng khó. Nếu đây là sự thật, thì xem như, miệng ông Tổng Bí thư bị gắn “quai”, nên sợ “há miệng”.

Ông Tô Lâm luôn tính toán kỹ, ủ mưu rất giỏi, nên mới ra tay bất ngờ và thắng lợi giành lấy ghế Tổng Bí thư. Tuy nhiên, trong trường hợp ông Phúc, ông Tô Lâm lại dùng “hạ sách”, chứ không phải là “thượng sách”.

Vì sao ?

Đầu tiên, việc kiếm tiền với ông Tô Lâm đã không còn là chuyện cấp thiết nữa. Bởi với bao nhiêu năm làm Bộ trưởng Bộ Công an – một Bộ có ngân sách trăm nghìn tỷ mỗi năm – ắt ông kiếm tiền không ít. Ngoài ra, quyền bổ nhiệm và thuyên chuyển các giám đốc và phó giám đốc công an tỉnh, đã biến ông thành “nhà cái”, thu gom rất nhiều tiền chạy thuyên chuyển (nói thẳng ra là tiền mua chức) của thuộc hạ. Vậy nên, cầm thêm tiền của Bảy Phúc cũng chẳng được lợi ích gì về chính trị.

Ngược lại, lợi ích chính trị khi ông Tô Lâm tóm ông Phúc là rất lớn. Nếu Tô Lâm thực hiện điều này, thì xem như, từ cao đến thấp trong Đảng không còn dám chống đối ông. Cho ông Phúc xộ khám, thì sẽ được những lợi ích chính trị, mà không thể dùng tiền để mua.

Còn nếu không xử lý nổi Nguyễn Xuân Phúc, thì không ít người sẽ phát sinh tâm lý xem thường quyền uy và sức mạnh của Tổng Bí thư. Với ý đồ áp dụng chính sách Công an trị trong Đảng, để cho tâm lý xem thường “vua” lây lan, thì rất nguy hiểm. Lúc đó, cả uy và quyền của ông Tô Lâm đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thời ông Tô Lâm làm Bộ trưởng Công an, chưa thấy ai dám chống lại ông. Ấy vậy mà, khi ông lên Tổng Bí thư, đã lác đác đó đây có người chống đối, mặc dù chỉ chống đối nhẹ nhàng bằng cách làm chính sách vô hiệu chính sách của ông.

Nếu không có hành động đủ mạnh, đủ sức răn đe, thì rất có thể, trong tương lai gần, một phong trào chống Tô Lâm sẽ phát triển mạnh.

 

Thái Hà – Thoibao.de