Thủ đoạn bẩn của công an nhắm vào nhà báo Đoàn Bảo Châu

Tiếp theo thông báo về nguy cơ có thể bị bắt của nhà báo Đoàn Bảo Châu, mà thoibao.de đã loan tin, ngày 31/12, trên Facebook Chau Doan, nhà báo cho biết về “Động Thái Kì Quặc!” của công an.

Thoibao.de giới thiệu bài viết đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Cậu công an phường nói với vợ tôi rằng, tôi là người đứng đầu một tổ chức gọi là Nhà nước Vĩnh Long. Ở đây chỉ có 2 trường hợp:

Điệp viên của chính quyền Việt Nam bịa tin để kiếm lương. Các vị nên sa thải điệp viên này. Lần đầu tiên tôi nghe được cái tên này và tôi cũng hỏi vài người thạo tin, chưa ai nghe thấy cái tên Nhà nước Vĩnh Long bao giờ.

Đây là một thủ đoạn bẩn của chính quyền Việt Nam nhằm dọn đường cho một việc làm sai trái tiếp theo, là đặt điều, bịa ra một thứ tội tôi không bao giờ làm, từ đấy có cớ để làm những bước tiếp theo.

Như đã nói từ status đầu, đối với tôi thì các vị nên tư duy khác, làm khác, đừng dùng trò bẩn hay tiểu xảo với tôi. Tôi là người có thế nào, nói thế, không hơn không kém. Tôi đã im lặng chờ, hy vọng các vị nhận thấy bản chất sự việc không có gì, rồi về nhà, nhưng các vị càng ngày càng quá quắt khiến tôi đành phải lên tiếng, phơi bày toàn bộ sự việc trước công luận.

Cậu an ninh khi thẩm vấn đã đe dọa là tôi phải giữ kín sự việc. Ngay lúc ấy, tôi đã thấy buồn cười. Khi một người gặp nguy hiểm, người ấy nên câm lặng để cường quyền ăn thịt mình, hay người ấy kêu cứu sự quan tâm của công luận?

Hay những tờ giấy triệu tập, lệnh cấm xuất cảnh này là tài liệu mật của quốc gia?

Tôi đã giữ thái độ thân thiện với tất cả các loại cán bộ an ninh, khi làm việc với tôi từ năm 2000. Với đặc thù công việc là một phóng viên cộng tác cho báo chí nước ngoài, tôi phải cà phê bất đắc dĩ với A35, A37, A25, PA25… (tên giờ đã khác và tôi không có ý định cập nhật những cái tên ấy trong đầu làm gì, cuộc đời có nhiều thứ đáng nhớ hơn). Tôi thậm chí đã bỏ bài viết, xóa một vài câu nhạy cảm khi được yêu cầu, và chính bởi thái độ ấy, tôi nghĩ, tôi sẽ không bao giờ bị vướng vào vòng lao lý, nhưng tôi đã nhầm.

Ở Việt Nam, có trường hợp nào có Giấy Triệu Tập, Lệnh Cấm Xuất Cảnh, Kiến Nghị Khởi Tố, mà thoát được tù tội không? Các luật sư bổ sung kiến thức giúp tôi!

Tôi phải lánh nạn, để chờ xem sự việc ra sao. Một mặt, các vị bảo người nhà tôi thuyết phục tôi về; một mặt dọa, nếu ra khỏi Hà Nội là bị bắt ngay; một mặt bảo trường hợp của tôi chưa đến mức bị bắt; mặt khác, theo vợ tôi gần 200 km về quê, sáng sớm sục vào nhà nghỉ kiểm tra; cả một đội nằm gần nhà anh vợ tôi rình vài ngày; theo dõi con tôi, cố tình có thái độ đe dọa chứ không phải có thái độ theo dõi kín đáo, theo nó khắp nơi, nó đang học năm cuối đại học mà tới tận trường cấp 3 để hỏi chuyện cô giáo cũ, gọi điện hẹn bạn cũ của nó…

Vậy, tôi nên tin ở lời nói, hay nên cẩn trọng với hành động thực tế của các vị? Tôi may mắn là có thời gian ngay lúc này để viết về sự việc, còn bao nhiêu người bị bắt mà không có cơ hội cho công luận biết sự việc thực sự là gì?

Ở đất nước này có bao nhiêu người chịu oan? Người bị mất đất, bức xúc mà có hành động quá khích là vào tù. Nhưng đơn kiện, đơn kêu cứu không có giá trị. Hàng ngày có bao nhiêu người từ các tỉnh gào khóc ở Hà Nội để cầu xin công lý? Có gia đình cả bố và con gái cùng phải lõa thể để kêu khóc, lôi kéo sự chú ý khi có một đoàn đại biểu đi qua. Ở đất nước này, có bao nhiêu nước mắt của dân oan, bao nhiêu thân phận tàn héo trong tù, trong đói nghèo và bất công?

Vậy, một người như tôi sẽ phải giả vờ đui mù, câm điếc và cùng hùa với nền báo chí cách mạng, để ca ngợi sự vĩ đại của chính quyền sao?

Nếu cứ tiếp tục như vậy, thì các vị sẽ biến dân tộc này thành dạng người gì?

 

Ý Nhi – thoibao.de