Ngày 17/2, Facebook cá nhân Dương Quốc Chính có bài bình luận: “Câu nói của ông Tô Lâm sai hay em Tifosi sai?”.
Theo đó, tác giả phân tích, trang Tifosi đã chứng minh câu nói của ông Tô Lâm: “50-60 năm trước người Singapore mong ước được sang Chợ Rẫy chữa bệnh”, bằng cách đưa GDP đầu người của Singapore so với Việt Nam Cộng hoà là gấp 6 lần, và nêu các thành tích về y tế của Singapore, để chứng minh rằng y tế của Singapore là phát triển hơn y tế của Việt Nam Cộng hoà, từ đó suy ra ông Tô Lâm chém bậy.
Về logic, phương pháp chứng minh đó khá là chuẩn, nếu chỉ thoạt nhìn và với nền tảng kiến thức lịch sử ở tầm lơ mơ.
Tuy nhiên, tác giả phản biện lại rằng:
Chúng ta nên biết rằng nền kinh tế Việt Nam Cộng hoà và Singapore là rất khác nhau. Việt Nam Cộng hoà phát triển kiểu “đầu to”, tức là rất lệch, đô thành Sài Gòn phát triển vượt bậc so với các địa phương khác, kể cả so với Đà Nẵng hay Huế, Cần Thơ. Còn Singapore bản chất chỉ là 1 thành phố, tương đương Sài Gòn, nên phát triển đồng đều hơn. Nên nếu so sánh GDP đầu người thì phải so Singapore với Sài Gòn thì hợp lý hơn.
Còn nếu so với Việt Nam Cộng hoà thì sẽ bị chia sẻ với các địa phương nghèo đói khác. Nên cách so sánh GDP bình quân đầu người Sing với Việt Nam Cộng hoà, là không nói lên sự tương quan phát triển y tế ở Sài Gòn và Singapore.
Tác giả Dương Quốc Chính trích đoạn văn từ cuốn “Khi đồng minh tháo chạy” của Nguyễn Tiến Hưng – nguyên là Tổng trưởng Bộ Kế hoạch của Việt Nam Cộng hoà. Tác giả cho rằng số liệu và kiến thức về kinh tế là rất chuẩn:
“Trước năm 1954, miền Nam không có đại học. Muốn học cử nhân phải ra Hà nội. Tới 1973, Đại học Sài Gòn đã đứng vào hàng quốc tế. Vài thí dụ: bác sĩ xuất thân từ Đại học Y khoa đủ sức phục vụ cho đoàn quân 1,2 triệu, mà không cần đến bác sĩ nước ngoài. Sau này họ di tản sang Mỹ, chỉ cần 1, 2 năm đào tạo lại, và học thêm tiếng Anh là hành nghề được ngay.
Luật gia tốt nghiệp từ khuôn viên “cây dài bóng mát, con đường Duy Tân”, đã làm việc cho các hãng Mỹ ngay ở Sài Gòn, và được thán phục. Khi họ đi du học thì thấy luật pháp Mỹ quá rõ ràng, học lại còn dễ nữa”.
Tác giả lưu ý thêm 1 điều là Việt Nam Cộng hoà lúc đó là chiến trường nên đương nhiên có rất nhiều người bị thương, vì thế mà các bệnh viện phải hoạt động hết công suất. Như trên có viết là bác sĩ đủ sức phục vụ đoàn quân 1,2 triệu không cần bác sĩ nước ngoài. Có thể có 1 số ca rất nặng thì chuyển ra nước ngoài chữa thôi.
Chất lượng y tế ngoài cơ sở vật chất ra thì cần cả con người nữa. Mà đất nước đang có chiến tranh liên miên thì đội ngũ y tế có lợi thế là được thực hành tốt hơn các nước hòa bình.
Ngoài ra, vì bệnh viện Việt Nam Cộng hòa còn chạy chữa cho rất đông người nước ngoài, như Mỹ và đồng minh, nên chất lượng y tế cũng bắt buộc phải nâng tầm quốc tế, vì không phải ca nào cũng chuyển ra nước ngoài được.
Nên nhớ là người phương Tây ở Việt Nam Cộng hòa thời đó, có lẽ đông hơn ở Singapore nhiều lần, do ăn theo 500 ngàn quân Mỹ và đồng minh ngoại quốc.
Từ các ý trên có thể suy ra rằng, cho dù GDP đầu người của Singapore cao gấp 6 lần Việt Nam Cộng hoà, thì không chắc rằng Sing đã phát triển hơn Sài Gòn, và chất lượng y tế Singapore phát triển hơn y tế Sài Gòn nói chung và Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng.
Thực ra câu nói của ông Tô Lâm cũng chỉ là dạng thậm xưng, có ý muốn nói rằng Việt Nam đã từng có thời gian phát triển ngang tầm khu vực, và nói kiểu chung chung vậy thôi. Nên nếu muốn phủ định 100% thì khó, hoặc khẳng định 100% cũng khó. Nên đọc thì phải hiểu ở cái nghĩa rộng kia chứ không nên hiểu máy móc từng từ, từng chữ.
Minh Vũ – thoibao.de