Tháng 4.1975 được ghi vào sách sử như “ngày đất nước sạch bóng quân thù”. Nhưng 50 năm sau cái gọi là hòa bình ấy, vẫn còn quá nhiều người phải sống như đang trong một cuộc chiến – cuộc chiến giành quyền công dân.
Tại sao đến hôm nay, người dân vẫn không có quyền chọn lãnh đạo? Tại sao một đất nước “thống nhất” lại chưa từng có một lá phiếu thực sự tự do? Những người quyết định vận mệnh quốc gia được chọn bởi ai – nếu không phải bởi chính nhân dân?
Vì sao nhà báo, nhà hoạt động bị giam chỉ vì nói thật? Người viết ra sự thật bị kết tội “tuyên truyền chống phá”, người phản biện bị gọi là “thế lực thù địch”. Thay vì đối thoại, chính quyền chọn bỏ tù. Thay vì cải cách, họ chọn trấn áp.
Phải chăng chiến tranh chỉ kết thúc trên bản đồ, nhưng chưa bao giờ chấm dứt trong tư duy cai trị? Khi chế độ vẫn xem người dân là đối tượng cần kiểm soát thay vì chủ thể của đất nước – đó không phải hòa bình. Khi lòng yêu nước bị kiểm duyệt, khi khát vọng dân chủ bị bẻ cong thành “diễn biến hòa bình”, thì đó là “hòa bình có điều kiện”: Chỉ tồn tại nếu bạn im lặng.
50 năm qua, Việt Nam không thiếu cầu, thiếu đường, thiếu nhà cao tầng. Nhưng chúng ta thiếu trầm trọng một điều: tiếng nói dân chủ của người dân. Một đất nước thật sự thống nhất không thể chỉ dựa vào biên giới và biểu ngữ. Nó phải được xây trên nền móng của sự thật, sự công bằng và sự tham gia thực chất của người dân vào đời sống chính trị.
Đã đến lúc không chỉ thống nhất lãnh thổ – mà phải thống nhất lòng người. Mà điều đó chỉ có thể xảy ra khi sự sợ hãi bị thay thế bằng lòng tin, và quyền lực được trả về cho nơi nó thuộc về: nhân dân.
Văn Ba