MỘT CUỘC “LÁNH MẶT” NHẸ NHÀNG NHƯNG ĐẦY Ý NGHĨA

Trong khi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đổ hàng trăm triệu đô-la để dàn dựng các chương trình “mừng đại thắng” dịp 30 Tháng Tư, thì không ít người dân lại chọn… rời khỏi đất nước để tận hưởng kỳ nghỉ ở những quốc gia láng giềng.

Theo số liệu từ nền tảng đặt phòng Agoda, lượng tìm kiếm khách sạn tại các điểm đến quốc tế của du khách Việt trong dịp nghỉ lễ từ ngày 24 Tháng Tư đến 4 Tháng Năm tăng vọt – từ mức 26% của năm ngoái lên đến 46% trong năm nay. Những cái tên quen thuộc tiếp tục thống trị: Bangkok, Singapore, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Hồng Kông… tất cả đều vượt xa những điểm du lịch trong nước. “Chúng tôi ghi nhận lượng khách đặt tour quốc tế tăng khoảng 20% so với cùng kỳ,” ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của BestPrice, chia sẻ. Trong khi đó, Vietluxtour cho biết 70% lượng tour họ bán trong dịp này là đi nước ngoài – một con số áp đảo.

Từ sau Tết Nguyên Đán, các công ty du lịch như Vietravel, Du Lịch Việt và nhiều đơn vị lữ hành khác đã ghi nhận xu hướng “xuất ngoại tránh lễ” bùng nổ. Những nhóm khách trẻ, đặc biệt trong độ tuổi 24–35, chiếm đến hơn một nửa tổng lượng khách đăng ký. Họ không tìm kiếm pháo hoa, xe diễu hành hay những khẩu hiệu sáo rỗng – mà chọn trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và tự do ở những thành phố náo nhiệt nhưng cởi mở hơn. Anh Hoàng Thiện, một cư dân Đà Nẵng, chia sẻ với báo chí: “Gia đình tôi đi Thái Lan hai lần mỗi năm. Không phải vì ghét lễ hội trong nước, mà vì bên đó rẻ, vui và thoải mái hơn nhiều.”

Các điểm đến như Tokyo hay Đài Bắc, dù đã hết mùa hoa anh đào, vẫn giữ sức hút mạnh mẽ. Ông Phạm Quốc Khánh, Phó Giám đốc Du Lịch Việt tại Hà Nội, nhận định: “Ẩm thực phong phú, mua sắm sôi động và các đường bay thẳng khiến Nhật Bản và Đài Loan trở thành điểm đến lý tưởng.”

Câu hỏi đặt ra là: tại sao một kỳ nghỉ được quảng bá là “đại lễ của dân tộc” lại khiến người dân bỏ đi nhiều đến thế? Phải chăng, giữa những buổi lễ diễu hành hoành tráng và màn tuyên truyền rập khuôn, người dân đã chọn cách bày tỏ quan điểm của mình – bằng vé máy bay?

Thay vì xuống phố cầm cờ cổ vũ, ngày càng nhiều người chọn lên phi cơ để… rời xa. Và nếu một đất nước tổ chức lễ kỷ niệm mà dân chúng không còn mặn mà, thì rõ ràng đó không còn là một “chiến thắng” – mà chỉ còn là một sân khấu trống vắng, đầy tiếng vọng của quá khứ.

Lão Thất