SAU SÁP NHẬP, KẺ KHÓC – NGƯỜI CƯỜI

Sau ngày 01/07/2025, Việt Nam bắt đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp, bao gồm cấp tỉnh/ thành phố và cấp xã/ phường. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong cải cách nền hành chính nhầm tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước cấp cơ sở và tiết kiệm ngân sách. 

Tuyên giáo rao giảng công cuộc này là: “vừa chạy vừa xếp hàng”. Cải cách là tốt, nếu nó đem lại lợi ích cho nhân dân. Nhưng thật chất có phải vậy?

Sau sáp nhập, một số địa phương bỗng dưng “biến mất” khỏi bản đồ hành chính, làm mất bản sắc văn hoá, lịch sử. Nhiều di tích, lễ hội, tên gọi bị lu mờ làm người dân địa phương bất mãn vì mất bản sắc, mất quê quán, nguồn gốc. Nhiều loại giấy tờ phải đi làm lại, cập nhật thông tin, gây tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức khi khoảng cách địa lý của các trụ sở hành chính mới thường xa các đơn vị cũ hơn, đặc biệt là những nơi có địa hình khó khăn, hiểm trở.

Mặc dù báo Đảng rêu rao công cuộc trên ngoài tinh gọn và cải cách còn là tiết kiệm ngân sách nhưng thực tế thì khác. Một loạt các vấn đề liên quan về ngân sách kéo theo như: chi phí phát sinh khi phải xây dựng lại hoặc mở rộng thêm nhiều công trình, cơ sở hạ tầng ở các trụ sở, trung tâm hành chính mới. Cập nhật lại các phần mềm quản lý nhà nước, thúc đẩy đồng bộ hoá,… cũng gây tốn kém tài lực, nhân lực không ít. 

Ngoài ra, việc dôi dư cán bộ cấp huyện/ quận/ thành phố thuộc tỉnh cũ cũng là một vấn đề rắc rối khi bố trí không hết việc mà cho nghỉ thì không xong, vì Đảng sợ mất ổn định nội bộ. Vậy nên, những cán bộ bị cho nghỉ hoặc “tình nguyện về hưu sớm” thường ở các cấp xã/ phường/ thị trấn vì “xa” với lãnh đạo nên không có ưu thế cạnh tranh, chung chi, chạy chọt hay mối “quan hệ lợi ích cá nhân” để giữ ghế.

Mặt khác, trong những ngày qua việc tổ chức đưa đón cán bộ đi làm ở trụ sở mới cũng gây ra nhiều phiền toái khi họ phải bắt đầu đi từ 3-4 giờ sáng. Chỉ tính riêng ở Tp: HCM mới, mỗi ngày phải tổ chức vận chuyển 300-500 lượt cán bộ từ Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cũ đến và đi, cộng với những lượt đi lại nội bộ của các ngành nghiệp vụ như: ngân hàng, chi cục thuế,… Họ khổ sở như vậy là vì cái ghế vừa mới “chạy” được từ lãnh đạo cấp trên. Nhưng thử hỏi, biện pháp này sẽ áp dụng được bao lâu và ngân quỹ nào đủ chi cho một giải pháp quá tốn kém như thế? 

Cuối cùng, công cuộc này chưa biết sẽ đi về đâu nhưng trước mắt nhân dân vẫn là người khổ nhất. Bên cạnh đó, còn có những kẻ phải khóc ròng vì không “chạy” được ghế phải nghỉ việc hoặc bị ép về hưu non. Còn những kẻ “chạy” được ghế thì phải lo mà bám víu lấy quyền lực vì lỡ chung chi rồi phải “đớp” lại cho bằng hết. Có lẽ, những người cười duy nhất trong chuyện này chỉ có tầng lớp chóp bu, phe cánh của Tô Lâm mà thôi, vừa đập tan phe đối lập trong trung ương Đảng, vừa xoá sổ được các thế lực cát cứ tại địa phương, lại được cái danh “là người cấp tiến”. Một mũi tên bắn chục con nhạn. 

Đúng là: “kẻ khóc, người cười” sau sáp nhập.

Nguyên Khôi