Từ một nhà nước với chế độ độc tài phát xít, gây ra cuộc Chiến thanh Thế giới thứ Hai thảm khốc và bị đánh bại, đất nước bị tàn phá nặng nề, nước Đức đã „Tự diễn biến“ và „Tự chuyển hóa“ để phục hồi và phát triển, ngày nay trở thành một quốc gia hàng đầu ở châu Âu, mạnh về kinh tế, vững vàng về chính trị, tự do và dân chủ trong thể chế, chặt chẽ về luật pháp.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, Hội nghị Potsdam với sự tham gia của bốn nước đồng minh là Liên Xô, Anh, Pháp và Mỹ đã chia nước Đức làm 4 phần, đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền quân quản 4 nước đồng minh. Năm 1949, ba nước đồng minh phương Tây là Mỹ, Anh, Pháp đã thỏa thuận cho phép thành lập một nhà nước Đức mới theo mô hình phương Tây ở ba khu vực mà họ kiểm soát. Ngày 8/5/1949, đúng 4 năm sau khi quân đội phát xít Đức đầu hàng quân đồng minh, 65 thành viên của Hội đồng nghị viện Đức, trong đó có 61 nam và 4 nữ đã nhóm họp ở Bonn để biểu quyết thông qua một hiến pháp tạm thời để thành lập một quốc gia mới, đó là Cộng hòa Liên bang Đức với 53 phiếu thuận và 12 phiếu chống. Rút ra bài học từ sai lầm của Cộng hòa Weimar đã để cho Adolf Hitler có thể tập trung quyền lực trong tay và gây tội ác to lớn trong thời kỳ Quốc xã, Hiến pháp tạm thời được gọi là Đạo luật cơ bản đã tăng cường quyền lực của Quốc hội và quyền lực của thủ tướng do Quốc hội bầu lên do với quyền lực mang tính biểu tượng của tổng thống liên bang, nhấn mạnh cơ cấu liên bang của nhà nước và quy định về „biểu quyết bất tín nhiệm xây dựng“, theo đó chỉ có thể lật đổ một thủ tướng, nếu đồng thời bầu ra một người kế nhiệm. Ngoài ra, một Tòa án hiến pháp được thành lập nhằm bảo vệ Đạo luật cơ bản. Đạo luật cơ bản cũng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp để thực thi và giám sát việc thực thi hiến pháp và pháp luật. Sau khi được các nước đồng minh phương Tây và 10 trong 11 nghị viện bang (ngoại trừ bang Bayern) thông qua, Đạo luật cơ bản có hiệu lực từ ngày 23/5/1949 và ngày này được coi là Ngày quốc khánh CHLB Đức (Tây Đức cũ).
Ở miền Đông, nước Cộng hòa Dân chủ Đức cũng được thành lập ngày 7/10/1949 theo mô hình Liên Xô.
Sau 12 năm dưới chế độ Quốc xã và chiến tranh, rất ít gia đình Đức không có người đi lính cho Hitler, hoặc thậm chí có người tham gia Đảng Công nhân Đức Quốc xã (NSDAP), đảng duy nhất được phép hoạt động dưới thời Quốc xã. Nhưng như một chính khách Đức khi đó từng nói, nước Đức phải xây dựng xã hội mới với những người hiện có. Vì vậy, ngoại trừ những tên tội phạm chiến tranh bị Tòa án quốc tế Nürnberg xét xử và những tên phạm tội ác khác, những người lính quân dịch không bị phân biệt đối xử. Việc ban hành luật pháp và việc thực thi luật pháp chặt chẽ ở CHLB Đức đã bảo đảm cho nhà nước và xã hội Đức vượt qua những thách thức trong mấy chục năm qua.
Những thập kỷ sau khi ra đời, Đạo luật cơ bản của CHLB Đức đã được nhiều nước học tập, coi đó là hình mẫu dân chủ để xây dựng hiến pháp mới của mình sau những chính quyền chuyên chế, trong những năm 70, Đạo luật cơ bản được lấy làm hình mẫu cho hiến pháp mới ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, sau đó là ở Nam Mỹ và ở châu Á. Sau cuộc Cách mạng Nhung năm 1989, những nước Đông Âu như Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng dựa trên Đạo luật cơ bản của Đức để xây dựng hiến pháp mới của mình.
Năm 1990, sau khi CHDC Đức tự giải thể và 5 bang mới được thành lập gia nhập CHLB Đức theo điều 23 của Đạo luật cơ bản thì Đạo luật cơ bản không còn mang tính tạm thời nữa mà trở thành một hiến pháp thực sự, nhưng tên gọi Đạo luật cơ bản vẫn được duy trì không thay đổi.
Trong Quốc hội khóa đầu tiên từ 1949 tới 1953 đã có 8 chính đảng được bầu vào Quốc hội với tổng cộng 402 ghế. Liên minh cầm quyền đầu tiên được thành lập giữa CDU/CSU, FDP và DP (Đảng Đức) và ông Konrad Adenauer được lầm Thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức. Trong Quốc hội khóa đầu này, SPD là đảng mạnh thứ nhì với 131 ghế và Đảng Cộng sản Đức (KPD) cũng giành được 15 ghế trong quốc hội.
Trong những khóa sau, số lượng các đảng vượt qua ngưỡng 5% để vào Quốc hội ngày càng ít đi. Thêm vào đó, ngày 17/8/1956, Đảng Cộng sản Đức (KPD) đã bị cấm hoạt động, buộc phải giải thể, cấm thành lập các tổ chức thay thế và hàng nghìn đảng viên bị đưa ra tòa vì những tội được cho là thù địch với hiến pháp. Trước đó, năm 1952, Đảng Đế chế XHCN (SRP), một đảng Quốc xã mới cũng đã bị cấm hoạt động.
Kể từ Quốc hội khóa 4 (1961-1965) cho tới Quốc hội khóa 9 (1980-1983) chỉ còn 3 đảng là liên tục có chân trong Quốc hội đó là CDU/CSU, SPD và FDP. Với tương quan này, FDP đã trở nên có một vai trò quan trọng, mặc dù chỉ là một đảng nhỏ, vì đảng này liên minh với đảng nào, CDU/CSU hay SPD là đảng đó được cầm quyền và có quyền cử người làm thủ tướng. Điều này được thể hiện rõ nhất trong Quốc hội khóa 9, khi SPD chỉ là đảng mạnh thứ nhì với 228 ghế, nhưng vẫn liên minh được với FDP có 54 ghế để thành lập liên minh cầm quyền, trong khi CDU/CSU mạnh nhất với 237 ghế lại phải ở vị trí đối lập. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền này cũng không tồn tại được hết nhiệm kỳ vì mâu thuẫn trong nội bộ SPD liên quan tới việc NATO quyết định triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu, cũng như mâu thuẫn trong liên minh cầm quyền liên quan tới ngân sách. Tháng 10/1982, FDP đã „móc ngoặc“ với CDU/CSU để bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Helmut Schmidt của SPD, nguyên là đối tác trong liên minh cầm quyền và bầu ông Helmut Kohl lên làm thủ tướng mới của liên minh cầm quyền giữa CDU/CSU và FDP.
Từ Quốc hội khóa 10 (1983-1987) đã xuất hiện một đảng mới là Đảng Xanh và từ Quốc hội khóa 12 (1990-1994), sau khi nước Đức thống nhất lại có thêm một đảng mới trong Quốc hội là Đảng của CNXH Dân chủ (PDS), đảng kế thừa của Đảng XHCNTN Đức (SED) ở CHDC Đức trước đây. Như vậy, từ thời điểm 1990 đã có 5 chính đảng trong Quốc hội.
Cũng cần nói thêm rằng, đầu những năm 90, khi xã hội Đức chưa ổn định trở lại sau khi CHDC Đức tan rã và người tị nạn vào Đức nhiều thì trào lưu kỳ thị chủng tộc gia tăng dẫn tới Đảng Cộng hòa (Rep), một đảng cực hữu, mạnh lên, tuy nhiên đảng này cũng chỉ giành được ghế ở một số nghị viện bang, chứ chưa giành được ghế trong Quốc hội liên bang. Sau đó, khi tình hình ổn định trở lại thì đảng Rep cũng mất đi ảnh hưởng và hiện nay hầu như không còn vai trò gì.
Tình hình hiện nay cũng có những nét giống như đầu những năm 90, khi chiến tranh ở châu Phi đã làm dòng người tị nạn đổ vào Đức ồ ạt, điển hình là năm 2015 lên tới trên 1 triệu người. Có lẽ vì vậy mà Quốc hội khóa 19 được bầu lên tháng 9/2017 đã xuất hiện một nhân tố mới đó là đảng Sự lựa chọn khác vì nước Đức (AfD), một đảng cực hữu. Đây là một đảng mới được thành lập, nhưng đã bất ngờ vọt lên giành vị trí thứ 3, sau khi đông đảo người tị nạn chạy vào Đức.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 19 này có tới 42 đảng phái tham gia tranh cử, nhưng chỉ có 6 đảng vượt qua ngưỡng 5 % để có đại diện trong Quốc hội.
Sau gần nửa năm kể từ ngày bầu cử, ngày 14/3/2018, Chính phủ mới của CHLB Đức đã được thành lập và đi vào hoạt động với nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư của bà Angela Merkel. Thủ tướng Merkel tuyên bố, chính phủ mới sẽ nhanh chóng giải quyết những thách thức, mang lại niềm tin cho cử tri và sẽ sớm loại AfD ra khỏi Quốc hội.
Nên nhớ rằng, bà Angela Merkel là nữ thủ tướng đầu tiên và là người Đông Đức đầu tiên lên nắm vị trí quan trọng nhất ở nước Đức thống nhất vào năm 2005, chỉ 15 năm sau ngày CHDC Đức tan rã và được sáp nhập vào CHLB Đức. Chỉ trong một chính thể tự do và dân chủ, có luật pháp chặt chẽ, một người tài giỏi như bà Merkel, mặc dù ở „Bên thua cuộc“ theo cách nói ở Việt Nam, mới có thể được bầu vào vị trí quan trọng này.
Trong xã hội, không có gì là bất biến, bao giờ cũng có những vấn đề mới nảy sinh, trong đó có thách thức và cơ hội, nhưng với hệ thống luật pháp đầy đủ, cơ chế thực thi luật nghiêm minh, các chính đảng giám sát lẫn nhau, nhà nước Đức luôn có những chuyển biến phù hợp để đáp ứng với những thách thức mới và đưa xã hội tiến lên. Người ta có thể tin rằng nước Đức sẽ khắc phục được vấn đề người tị nạn và đưa xã hội ổn định trở lại, khi đó thì các đảng cực hữu sẽ không còn chỗ đứng trên nghị trường.
Vũ Văn – Thoibao.de
>> Trịnh Xuân Thanh phải ngủ trong Gara ô tô ở Brno đêm 25.7.2017 trước khi giao cho Tô Lâm ?
>> Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Đức phát lệnh truy nã Trung tướng Đường Minh Hưng
>> Vợ của Trịnh Xuân Thanh xuất hiện, khai báo tại Tòa án Đức về vụ bắt cóc người chồng ở Berlin
>> Vũ Đình Duy đã khai gì tại Tòa án Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?