Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định rằng Việt Nam “đã bắt đầu nếm đòn từ sự biến động khôn lường” của thị trường tài chính toàn cầu hiện nay vì đại dịch Cúm Vũ Hán và tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm xuống còn 4,9% cũng như “tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020”.
Giữa lúc các ca lây nhiễm đang gây khủng hoảng trên thế giới, World Bank nói rằng “Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi Cúm Vũ Hán” trong bối cảnh “hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu”.
“Trong mấy tháng đầu năm 2020, áp lực lạm phát vẫn tồn tại do giá lương thực và thực phẩm ở mức cao dịp cuối năm kết hợp với khả năng hàng hóa thiếu hụt do những biện pháp hạn chế thương mại nhằm ứng phó dịch Cúm Vũ Hán. Các ngành chế tạo chế biến, du lịch và vận tải suy giảm đột ngột trong hai tháng đầu năm 2020”, World Bank nhận định trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế có tựa đề “Đông Á và Thái Bình Dương thời Cúm Vũ Hán”, ra ngày 31/3.
“Việt Nam đã bắt đầu ‘nếm đòn’ từ sự biến động khôn lường của nền tài chính toàn cầu hiện nay, giá cổ phiếu tụt dốc, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên, và dòng vốn đầu tư suy giảm”.
Tổ chức tài chính quốc tế này nhận định thêm rằng “với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra”, nêu dẫn chứng về việc “trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng 8%, dòng vốn FDI đổ vào lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%”.
World Bank cho rằng dù viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi trong trung hạn, nhưng tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế “có thể giảm còn khoảng 4,9% năm 2020”.
Ngoài ra, “áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, phản ánh bất định về giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại”.
“Trong điều kiện nhiều hộ gia đình hiện nay sinh sống phụ thuộc vào lương, kể cả ở các vùng nông thôn, suy giảm trong các ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng, sản xuất và chế biến có thể tạm thời làm tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020”, World Bank nhận định.
“Nỗ lực củng cố tình hình tài khóa dự kiến sẽ tiếp diễn từ năm 2021 trở đi, qua đó tiếp tục làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Nền kinh tế sẽ lại bật lên sau đại dịch Cúm Vũ Hán toàn cầu”.
Không chỉ riêng Việt Nam, theo nhận định của World Bank, các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương khác cũng “đang phải đối mặt với nhiều tình huống bất lợi”.
“Khu vực vẫn đang hồi phục từ căng thẳng thương mại kéo dài, giờ phải chống chọi với dịch Cúm Vũ Hán diễn biến phức tạp, và có nguy cơ phải đối mặt với viễn cảnh suy thoái toàn cầu chưa có tiền lệ. Để vượt qua giai đoạn cam go này, các quốc gia cần có những hành động quyết liệt, hợp tác quốc tế sâu rộng và sự hỗ trợ lớn từ bên ngoài”, Ngân hàng Thế giới nhận định.
Bóng ma đại dịch Cúm Vũ Hán cũng đang bao trùm kinh tế Việt Nam.
Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của dịch Cúm Vũ Hán tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu dịch Cúm Vũ Hán kéo dài 6 tháng, thì 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.
Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng… Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì là hàng không, du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ…
Dịch Cúm Vũ Hán còn khiến hoạt động sản xuất có thể trì trệ, thương mại bị hạn chế, nông nghiệp, bán lẻ và dòng vốn đầu tư quốc tế cũng “dính đòn”.
Ngành hàng không bị mất trắng trên 1 tỷ USD.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, diễn biến phức tạp của dịch có thể tác động làm ảnh hưởng doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng năm 2020.
Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến doanh thu giảm 12.500 tỷ đồng, Jetstar Pacific dự kiến giảm thu nhập khoảng 732,8 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, doanh thu của ngành đã bị sụt giảm tới 25.000 tỷ đồng.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, dịch Cúm Vũ Hán ‘thổi bay’ tích luỹ của hãng 4-5 năm qua. “Dịch bùng phát tại Hàn Quốc, Italy khiến tình hình căng thẳng hơn, khách bỏ chỗ nhiều. Tích lũy của 4-5 năm vừa qua quay về con số 0”, ông Thành nói.
Trước tình hình đó, Vietnam Airlines cho biết phải đàm phán với lao động người nước ngoài để họ nghỉ không lương trong một thời gian. “Trước mắt, phi công nước ngoài nghỉ không lương 3 tuần. Phi công người Việt cũng được bố trí nghỉ 10 ngày đến 2 tuần. Cùng với đó, lương lãnh đạo bị giảm 40%”, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết.
Do nhu cầu đi du lịch giảm, hãng bay trẻ song phát triển “thần tốc” gần đây nhờ hậu thuẫn tài chính mãnh mẽ bởi FLC Group là Bamboo Airways cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố Covid-19.
“Nhiều đường bay Bamboo Airways bị giảm số chuyến hoặc dừng tạm thời vì Covid-19”, đại diện hãng cho biết.
Trong khi đó, việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…khiến Vietjet chịu ảnh hưởng nặng nề. Dù không công bố số liệu cụ thể, song với thị trường Trung Quốc, Vietjet bị ảnh hưởng nặng hơn Vietnam Airlines.
Cùng với hàng không, du lịch nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Cúm Vũ Hán. Chia sẻ tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các tập đoàn kinh tế tư nhân vào sáng 12/3, đại diện Sun Group cho biết, dịch vụ vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu nhưng 2 tháng đầu năm nay giảm tới 2 triệu lượt khách và có thể sau nửa đầu năm, số khách giảm lên tới 7 triệu. Tính riêng mảng này, Sun Group dự kiến giảm doanh thu 2.000 tỷ đồng.
Trong thông báo gửi đối tác mới đây, Công ty cổ phần Vinpearl cho biết sẽ đóng cửa tạm thời gần một tháng đối với hai khách sạn ở Nha Trang là Vinpearl Discovery 1 Nha Trang và Vinpearl Condotel Empire Nha Trang đến ngày 31/3/2020.
Hai khách sạn khác tại khu vực miền Trung sẽ đóng cửa tạm thời là Vinpearl Resort & Spa Hội An và Vinpearl Resort & Spa Đà Nẵng. Vinpearl chưa xác định ngày nào sẽ mở cửa trở lại mà thời hạn đóng cửa được xác định là “cho đến khi có thông báo mới”.
Tương tự là ba khách sạn ở Phú Quốc, bao gồm Vinpearl Resort & Golf Phú Quốc, Vinpearl Discovery 3 Phú Quốc và Vinpearl Luxury Phú Quốc. Đại diện Vinpearl cho biết sẽ duy tu, bảo trì nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng trong thời gian đóng cửa tạm thời.
Tình trạng này cũng không mấy sáng sủa ở các tập đoàn có lĩnh vực dịch vụ, khách sạn lưu trú, du lịch khác như BRG, FLC… Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lê Hoài Chung, ngành du lịch của Việt Nam dự kiến trong 3 tháng tới chịu thiệt hại trong khoảng từ 6 – 7 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng “kiệt sức” do khách du lịch giảm kỷ lục.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết dịch Covid-19 khiến lượng khách du lịch tới các điểm tham quan giảm khoảng 60%, hệ thống cơ sở lưu trú giảm khoảng 50%, có những ngày thấp điểm chỉ đạt công suất 30%.
“Hà Nội có gần 3.500 cơ sở lưu trú với gần 61.000 buồng. Nhưng với tình hình khó khăn chung, các cơ sở lưu trú này đều đang gặp thách thức trong kinh doanh. Nhiều khách sạn phải cắt giảm nhân sự, giảm lương của nhân viên, thậm chí có nơi phải đóng cửa để bảo toàn vốn, tránh thiệt hại thêm nặng”, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho hay.
Dệt may và da giày được đánh giá là hai lĩnh vực chịu tác động trực tiếp trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu bị đình trệ. Theo tính toán, nếu chậm nguyên liệu trong nửa tháng, riêng ngành dệt may sẽ thiệt hại từ 1,5 – 2 tỷ USD.
Tương tự, do linh kiện của ngành phụ thuộc lớn vào 2 thị trường là Trung Quốc và Hàn Quốc. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử như điện thoại, TV cũng đang “thấm đòn” cùng dịch bệnh.
Bên cạnh đó, lĩnh vực bán lẻ và dòng vốn đầu tư quốc tế cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Theo đó, dịch bệnh sẽ tác động đến tâm lý của người dân, nảy sinh xu hướng phòng thủ, tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, làm ảnh hưởng đến sức mua, khiến tiêu dùng cá nhân sẽ giảm trong ngắn hạn.
Trong khi lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, 2 tháng đầu năm, vốn thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,45 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy chỉ trong 2 tháng đầu năm có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Bộ Kế hoạch và đầu tư đã giảm mức dự báo GDP từ 6,8% xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II- mức thấp nhất trong 7 năm gần đây.
Đại dịch cúm Vũ hán dự kiến còn kéo dài trên toàn cầu, Việt Nam cũng là một đất nước tiếp tục chịu sự ảnh hưởng trực tiếp và càng nặng nề hơn khi quá gần Trung Quốc – nơi khởi nguồn của căn bệnh nguy hiểm này. Kinh tế Việt Nam cũng vì thế mà sẽ tiếp tục bị tàn phá, người lao động mất việc và bất ổn Chính trị cũng gia tăng trong thời gian tới.
Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)