Cuộc tranh luận về nguồn gốc của dịch viêm phổi Vũ Hán ngày càng trở nên nóng bỏng khi một nhà khoa học Pháp, giải Nobel Y học 2008, Giáo sư Luc Montagnier, cho rằng siêu vi corona chủng mới, tên khoa học SARS-CoV-2, là do người chế tạo, trong đó có phần gen của virus HIV/AIDS.
Giáo sư Luc Montagnier, một trong ba nhà khoa học tìm ra siêu vi HIV, lý giải: SARS-CoV-2 phải do một chuyên gia cừ khôi về sinh hóa phân tử chế tạo ra.
Nhà khoa học người Pháp khẳng định phải giỏi lắm mới có thể cấy ghép một đoạn gen của HIV.
Giả thuyết này được Giáo sư Luc Montagnier đưa ra lần đầu tiên trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên trang web chuyên về y học Pourquoi Docteur ngày 16/4 và sau đó là trong buổi trả lời trên kênh truyền hình Pháp Cnews.
Theo Giáo sư Luc Montagnier, ông và đồng sự của mình, là một nhà toán học đã nghiên cứu các đoạn gen được giải mã của virus SARS-CoV-2 và phát hiện trong đó có một đoạn gen mã hoá thông tin (ARN) của virus HIV.
Do đó, Giáo sư này cho rằng virus SARS-CoV-2 không phải có nguồn gốc tự nhiên, và cũng không phải xuất phát ban đầu từ chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán như thông tin ban đầu.
Giả thuyết được Giáo sư Luc Montagnier đưa ra là các nhà sinh học phân tử tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã cấy đoạn gen của virus HIV vào virus corona, với mục đích mà theo ông là có thể để tạo ra một loại vaccine ngăn ngừa bệnh AIDS và do một sự cố công nghiệp, virus này đã bị phát tán ra ngoài.
Giáo sư Luc Montagnier, 88 tuổi, là một nhà virus học nổi tiếng người Pháp, nhiều năm là lãnh đạo Viện Pasteur Paris và từng giành giải Nobel Y học năm 2008 nhờ khám phá về virus HIV gây ra bệnh AIDS mà ông tiến hành từ những năm 80 cùng đồng sự là Françoise Barré-Sinoussi.
Giả thuyết của Giáo sư Montagnier về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đang được lan truyền rộng rãi trong dư luận các nước phương Tây và nhận được những phản ứng trái chiều.
Nhà nghiên cứu virus của Viện Pasteur Paris, Étienne Simon-Lorière tuyên bố trên hãng thông tấn Pháp, AFP rằng “giả thuyết này không có chút ý nghĩa nào” vì những đoạn gen mà Giáo sư Luc Montagnier nói đến “chỉ là các chi tiết nhỏ, được tìm thấy ở các loại virus khác cùng họ với SARS-CoV-2, tức là các virus corona trong tự nhiên. Đó chỉ là các mẩu gen giống như hàng loạt các đoạn gen trong vật chất di truyền của vi khuẩn, virus và cây cối”.
Ông Étienne Simon-Lorière nhận định: “Nó giống như việc có một chữ trong quyển sách này giống một chữ trong quyển sách khác, liệu khi đó có thể nói sách này sao chép sách kia không? Đúng là vô cùng lệch lạc”.
Gaetan Bargio, chuyên gia di truyền học, Đại học Australia, bác bỏ giả thuyết của đồng nghiệp Luc Montagnier như sau, theo trích dẫn của Le Monde ngày 17/06/2020: siêu vi corona chủng mới và HIV có quá ít điểm tương đồng, nên khó có thể kết luận có chuyện “đổi gen“, theo nghĩa là do người cố ý chế tạo.
Trong các bài phỏng vấn, Giáo sư Montagnier cũng nhắc đến chi tiết là có một nhóm nghiên cứu Ấn Độ đã giải mã bộ gen hoàn chỉnh của virus SARS-CoV-2, trong đó có đoạn gen của virus HIV, nhưng không thể công bố do bị sức ép. Nhưng Giáo sư Luc Montagnier không nói đích danh đó là nhóm nghiên cứu nào.
Mục “Những người giải mã” (Les Décodeurs) chuyên chống tin giả của báo Le Monde của Pháp, đã có bài phân tích về thông tin này.
Theo đó, một nhóm nghiên cứu đến từ hai trường đại học lớn ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã xuất bản một bài trên trang BioRxiv, đề cập đến “sự giống nhau kỳ lạ, rất khó ngẫu nhiên” trong các đoạn amino axit trong protein của virus SARS-CoV-2 với virus HIV-1, thủ phạm chính gây bệnh AIDS.
Nhưng bài báo đó sớm bị nhóm tác giả gỡ bỏ khi giới khoa học phản biện rằng các đoạn amino axit đó là quá bình thường ở nhiều loại virus.
Trang BioRxiv sau đó cũng đã phải đăng thông báo rằng tất cả các bài nghiên cứu đăng trên trang chưa được thẩm định, và đây chỉ là các báo cáo sơ lược, chưa phải kết luận, cũng không được xem như thông tin đã kiểm chứng.
Thực ra, nguồn gốc của các giả thuyết rằng virus SARS-CoV-2 là sản phẩm được tái tạo từ virus corona và virus HIV, lại được nói nhiều vì một bài phỏng vấn một bác sỹ của Bệnh viện trường Đại học Trung Nam ở Vũ Hán hôm 29/2.
Khi đó, trả lời tờ Global Times, bác sỹ Peng Zhiyong, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu, mô tả các tác động của virus SARS-CoV-2 lên cơ thể người bệnh như là “kết hợp giữa bệnh SARS (2003) và bệnh AIDS”, vì nhìn từ khía cạnh bệnh lý thì có viêm phổi (giống SARS), có suy giảm hệ miễn dịch (giống AIDS), suy giảm bạch cầu.
Nhưng đây chỉ đơn thuần là nói về triệu chứng bệnh. Chi tiết này được Tạp chí Y học The Lancet khẳng định lại, khi cho thấy 85% bệnh nhân Covid-19 trong các khoa hồi sức cấp cứu ở Vũ Hán bị suy giảm bạch cầu.
Về phía Pháp, nước này đã bác bỏ nghi ngờ virus gây viêm phổi Vũ Hán đã thoát ra từ phòng thí nghiệm do Pháp cung cấp cho Trung Quốc.
Theo hãng tin Le Monde và Reuters, một nguồn tin từ điện Elysée khẳng định Pháp không có “yếu tố cụ thể” cho phép nghi ngờ có quan hệ nhân quả giữa phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán và siêu vi SARS-CoV-2, đang gây thảm họa y tế toàn cầu.
P4 là mức độ an toàn cao nhất của loại phòng thí nghiệm và nghiên cứu siêu vi.
Phòng thí nghiệm P4 do Pháp cung cấp cho Trung Quốc và đặt tại Vũ Hán, theo một thỏa thuận vào năm 2004, một năm sau khi dịch viêm phổi cấp tính SARS, cũng phát xuất từ Hoa lục, lan ra 29 nước, lây bệnh cho 8000 người và làm hơn 700 nạn nhân tử vong.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như một số hãng truyền thông Mỹ đã lan truyền các đồn đoán rằng virus SARS-CoV-2 là “vũ khí” của Trung Quốc, lọt ra từ một phòng thí nghiệm cấp P4 ở Vũ Hán và đe doạ sẽ tiến hành điều tra.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là khi thế giới kiềm tỏa được virus corona thì quan hệ giữa Pháp nói riêng, phương Tây nói chung với Bắc Kinh sẽ có nhiều biến động.
Trả lời phỏng vấn của RFI tiếng Việt, nhà Trung Quốc học Stéphane Corcuff giảng dạy tại trường Khoa học Chính trị Lyon cho biết: “… tôi không mấy lạc quan về mối quan hệ giữa Paris với Bắc Kinh trong tương lai. Trung Quốc là một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp. Có điều, khi cần lên tiếng thì Paris thường nấp dưới bóng của Liên Hiệp Châu Âu. Trung Quốc là một thách thức trong giai đoạn hậu Covid-19. Điều quan trọng là ngay từ bây giờ chúng ta phải xác định về mối quan hệ trong tương lai với Bắc Kinh, tức là đòi Trung Quốc phải đối mặt với quá khứ, phải giải thích về những gì đã xảy ra trong những tháng vừa qua từ khi virus corona bùng phát, về những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng y tế tại quốc gia này và cách Bắc Kinh giải quyết dịch bệnh. Quốc tế cần xác định được rằng liệu có bị Trung Quốc lừa dối hay không và phương Tây cần phải làm những gì để có được một mối quan hệ lành mạnh hơn, ổn định hơn, bền vững hơi với quốc gia này.”
Về bang giao giữa Pháp với Trung Quốc, vị giáo sư nhận định: “Tôi thực sự lo ngại về quyết tâm, về khả năng thực sự của Pháp khi cần nói với Trung Quốc những gì cần thiết. Đó là Bắc Kinh phải ngừng ru ngủ chúng ta, ngừng xem Paris như một đối tác thuộc hàng thứ yếu chỉ để mua vào hàng rẻ Trung Quốc. Bắc Kinh cần hiểu rằng đã đến lúc phải tôn trọng nước Pháp, tôn trọng nếp sống của một đất nước dân chủ. Pháp cần nhắc nhở để Bắc Kinh không thể can thiệp vào công việc nội bộ của Pháp. Đây là một nguyên tắc hàng đầu luôn được ngành ngoại giao Trung Quốc nhắc đến. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh không được chi phối các quyết định của Paris về biển Hoa Đông, Biển Đông, về châu Phi hay trong các chương trình hợp tác quốc tế. Không có lý do gì để Trung Quốc áp đặt hành trình các chuyến bay từ Pháp tới Đài Loan, hay bắt các hãng hàng không quốc tế trong đó có Pháp phải gọi Đài Bắc là Đài Bắc Trung Hoa. Tất cả những yếu tố đó thuộc về chủ quyền của nước Pháp không một ai được phép can thiệp.”
Vậy Paris có thể làm được những gì để giữ khoảng cách với Bắc Kinh cả về mặt ngoại giao lẫn kinh tế khi biết rằng, hiện nay Trung Quốc là nguồn cung cấp khẩu trang cần thiết nhất trong cuộc chiến chống viêm phổi Vũ Hán?
Giáo sư người Pháp cho rằng: “Trong những điều kiện bình thường, đúng là không dễ để tách rời khỏi Trung Quốc bởi có rất nhiều thỏa thuận ràng buộc đôi bên và hơn thế nữa về mặt lý tưởng, Pháp vốn có lập trường thân Hoa lục. Có điều với năm tháng, Pháp đã « mở cửa cho cáo vào nhà » và giờ đây đã đến lúc chúng ta phải thận trọng hơn với Trung Quốc. Covid-19 đang làm thay đổi tình thế. Bắc Kinh đang nỗ lực tuyên truyền để mọi người quên đi rằng virus corona xuất phát từ Vũ Hán, và chúng ta thấy là chiến dịch tuyên truyền đó không có hiệu quả. Quốc tế cần nắm lấy thời khắc lịch sử này để lấy cân bằng lại bang giao với Trung Quốc. Cái may của chúng ta ở đây là ngay cả đến giờ phút này Bắc Kinh vẫn muốn lừa gạt thiên hạ, tôi muốn nói đến hình ảnh những lô hàng kém chất lượng Trung Quốc bán cho châu Âu trong lúc mà châu Âu đang phải ráo riết đối mặt với đại dịch. Trong khi đó Đài Loan hay Hàn Quốc cũng là những nhà cung cấp khẩu trang và trang thiết bị y tế có uy tín. Tôi cho rằng Covid-19 là một điểm khởi đầu mới đem lại một tầm nhìn mới về quan hệ quốc tế.”
Vị giáo sư cùng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc đòi Trung Quốc phải « bồi thường » về những thiệt hại virus corona gây nên. Ông lý giải như sau: “Đành rằng khủng hoảng đã xuất phát từ Trung Quốc nhưng đừng quên rằng người dân Trung Quốc đã trả cái giá đắt, cho dù chúng ta đều biết số người thiệt mạng thật sự cao hơn các báo cáo chính thức của Bắc Kinh rất nhiều. Bất luận số người chết là bao nhiêu tại Trung Quốc, dân Trung Quốc cũng là những nạn nhân đầu tiên của virus corona. Thứ nữa, kiện cáo hay đòi Trung Quốc bồi thường về tài chính là điều vô ích bởi thứ nhất là kinh tế của Trung Quốc và thế giới lệ thuộc vào lẫn nhau, thứ hai là không có một định chế pháp lý quốc tế nào có thẩm quyền để đòi phạt Trung Quốc cả. Lao vào tranh cãi đó là đi lầm đường và cũng đừng quên rằng, Trung Quốc có tính thù dai và tới nay Bắc Kinh chưa từng bỏ qua quá khứ (trong khi đó thì những nước cựu thù như Pháp với Việt Nam hay Việt Nam với Mỹ đã sang trang quá khứ để hợp tác vì một tương lai chung). Dồn Bắc Kinh vào chân tường chẳng giải quyết được việc gì.”
Dù siêu vi corona có thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không thì Trung Quốc vẫn là tác nhân để đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra thảm họa toàn cầu vì đã bưng bít thông tin, che giấu sự thật khi dịch bệnh khởi phát, không cung cấp số liệu chuẩn xác để thế giới nhận định đúng tình hình và đưa ra phương án đối phó phù hợp.
Và dù không thể hay không nên kiện và bắt Trung Quốc bồi thường thiệt hại mà đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã gây ra cho toàn thế giới thì Trung Quốc cũng đang và sẽ ‘gánh’ đủ những ‘phản ứng’ của các nước trong quan hệ với Trung Quốc.
Mọi trao đổi về kinh tế, kỹ thuật hay chính trị, ngoại giao với Trung Quốc sẽ được chính phủ các nước đánh giá, nhìn nhận và đưa ra những quyết định thay đổi sau khi đại dịch được kiềm chế.
Thế giới hậu đại dịch sẽ chứng kiến những đổi thay lớn lao trong cách hành xử với Trung Quốc và ngay cả Việt Nam, dù có hơi muộn nhưng cũng bắt đầu nhận ra điều này.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)