Kinh tế Trung Quốc suy sụp chưa từng thấy

https://www.youtube.com/watch?v=qZetReNHAMo

Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới co cụm 6,8% trong quý 1- kết thúc vào tháng Ba, so với cùng kỳ năm ngoái giữa lúc các hãng xưởng, văn phòng và trung tâm mua sắm đóng cửa để khống chế dịch, theo các số liệu chính thức công bố hôm thứ Sáu 17/4.

Tiêu thụ nội địa giảm mạnh và hoạt động của các nhà máy èo ọt hơn trông đợi.

Trung Quốc, nơi đại dịch xuất phát từ tháng 12 năm ngoái, là nền kinh tế lớn đầu tiên bắt đầu hồi phục sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc tuyên bố đã kiểm soát được virus Covid-19.

Thiệt hại tài chính mà virus corona hiện gây ra cho kinh tế Trung Quốc sẽ là mối lo ngại rất lớn đối với các quốc gia khác.

Trung Quốc là một cường quốc kinh tế với tư cách là người tiêu dùng đồng thời là nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ chính.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chứng kiến nền kinh tế của mình bị suy giảm trong ba tháng đầu năm kể từ khi bắt đầu ghi số liệu hàng quý vào năm 1992.

Sự suy giảm GDP từ tháng Giêng đến tháng Ba sẽ chuyển thành tổn thất thu nhập vĩnh viễn, được thể hiện trong các vụ phá sản của các công ty nhỏ và người lao động mất việc làm,” Yue Su tại nhóm nghiên cứu the Economist Intelligence Unit, nói.

Các nhà máy đã được phép mở cửa lại vào tháng trước, nhưng các rạp hát và các doanh nghiệp khác từng mướn hàng triệu công nhân viên, vẫn đóng cửa.

Các dấu hiệu cho thấy là qua đợt tăng ban đầu ngay sau khi các biện pháp kiểm soát chấm dứt, các hoạt động phục hồi đã chậm lại đáng kể, theo báo cáo của ông Julian Evans-Pritchard thuộc Công ty Capital Economics.

Ảnh: nhân viên công vụ đang tháo dỡ những hàng rào cách ly ở Vũ Hán ngày 8-4-2020   

Trung Quốc sẽ phải vượt qua một chặng đường rất dài trước khi có thể hồi phục,” ông nói.

Theo bà Iris Pang của tập đoàn tư vấn tài chính ING thì lần trước kinh tế TQ co cụm tới mức tương đương như thế này là năm 1967, thời kỳ của cuộc “Cách mạng văn hóa”. Lúc đó kinh tế TQ giảm 5,8%.   

Năm ngoái, Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở mức 6,4% trong quý đầu tiên, giai đoạn mà nước này bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 9% mỗi năm, mặc dù các chuyên gia thường xuyên đặt câu hỏi về tính chính xác của các dữ liệu này.

Nền kinh tế của Trung Quốc đã bị đình trệ trong ba tháng đầu năm khi nước này đưa ra các biện pháp phong tỏa và xét nghiệm quy mô lớn để ngăn chặn sự lây lan của virus vào cuối tháng Giêng.

Kết quả là, các nhà kinh tế đã dự đoán con số ảm đạm, nhưng dữ liệu chính thức còn tệ hơn dự kiến.

Lao động phổ thông ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh

Sự suy giảm lớn cho thấy tác động sâu sắc của dịch virus corna và phản ứng hà khắc của chính phủ đối với sự việc này, đã ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nó xóa sổ tăng trưởng kinh tế 6% của Trung Quốc được ghi nhận vào cuối năm ngoái.

Ảnh: một nhà hàng ở Vũ Hán mở bán lại với nhiều rất khó khăn sau 11 tuần đóng cửa

Bắc Kinh cho hay một kế hoạch kích thích kinh tế sâu rộng đang diễn ra khi họ cố gắng ổn định nền kinh tế và phục hồi. Đầu tuần này, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nhân dân, cho hay rằng nước này sẽ “mở rộng nhu cầu trong nước“.

Nhưng sự chậm lại trong phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu là một vấn đề quan trọng vì xuất khẩu vẫn đóng vai trò chính trong nền kinh tế Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, sẽ không có một sự phục hồi nhanh chóng.

Hôm thứ Năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tránh được suy thoái nhưng chỉ tăng 1,2% trong năm nay. Số liệu việc làm được công bố gần đây cho thấy con số thất nghiệp chính thức do chính phủ công bố đã tăng mạnh, số lượng lao động trong các công ty liên quan đến thương mại xuất khẩu giảm nhiều nhất.

Trung Quốc đã tiết lộ một loạt các biện pháp hỗ trợ tài chính để giảm bớt tác động của sự suy giảm, nhưng không cùng quy mô như các nền kinh tế lớn khác.

Louis Kuijs, nhà phân tích của Oxford Economics, cho biết: “Chúng tôi không mong đợi sự kích thích tăng trưởng ở quy mô lớn, vì điều này vẫn không phổ biến ở Bắc Kinh. Thay vào đó, chúng tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ chấp nhận tăng trưởng thấp trong năm nay, dựa trên triển vọng tốt đẹp hơn cho năm 2021“.

Kể từ tháng Ba, Trung Quốc đã bắt đầu cho phép các nhà máy tiếp tục sản xuất và các doanh nghiệp mở cửa trở lại, nhưng đây là một quá trình dần dần để trở lại mức trước khi bị phong tỏa.

Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các nhà máy và xưởng sản xuất của mình để tăng trưởng kinh tế và được mệnh danh là “nhà máy của thế giới“.

Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại và người tiêu dùng sản phẩm của mình.

Thị trường chứng khoán trong khu vực cho thấy phản ứng đa chiều với dữ liệu kinh tế của Trung Quốc, với chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,9%.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng 2,5% vào thứ Sáu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ kế hoạch nới lỏng các lệnh phong tỏa.

Các dự báo trước đó cho rằng kinh tế TQ sẽ sớm hồi phục, có thể trong tháng này, tuy nhiên kỳ vọng kinh tế sẽ bung trở lại theo hình chữ V là điều không thực tế, dựa trên các số liệu không mấy khích lệ về xuất khẩu, bán lẻ và các dữ kiện khác,

Thay vào đó các nhà kinh tế dự báo một quá trình hồi phục gian nan và chậm chạp trước khi kinh tế có thể tăng trưởng trở lại.

Đây sẽ là một thách thức chính trị cho đảng cộng sản đang cầm quyền ở TQ, vốn duy trì quyền lực dựa trên các thành quả kinh tế.

Đảng CSTQ kêu gọi các công ty duy trì lực lượng lao động, tránh sa thải công nhân viên trong thời gian phong tỏa. Nhưng một số công ty đã thất bại, làm tăng lo âu trong công chúng.

Theo đài NPR, Quốc vụ viện Trung Quốc hôm thứ Sáu nói 99% các hãng sản xuất đã bắt đầu làm việc trở lại, trong khi 84% các doanh nghiệp cỡ nhỏ và cỡ trung đã mở cửa hoạt động.

Nhưng số liệu đó không có nghĩa là hoạt động kinh tế đã hoàn toàn trở lại. Đa số các cơ sở mướn nhân viên văn phòng nói họ chỉ cho phép phân nửa số nhân viên làm việc vào bất cứ thời điểm nào.

Tại tỉnh Hồ Bắc và các khu vực nơi dịch bùng phát mới đây, các nhà hàng ăn chỉ có thể cung cấp thức ăn mang đi. Hơn 240.000 doanh nghiệp nhỏ đã bị khánh tận trong đại dịch.

Vòng xoáy suy thoái kinh tế thế giới sẽ xoay quanh tâm điểm là Trung Quốc?

Theo Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF), kinh tế thế giới năm 2019 tăng trưởng 2,9%, không tạo được cách biệt với ngưỡng 2,5% – ngưỡng báo hiệu của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Sự xuất hiện của Covid-19 đe dọa đẩy kinh tế toàn cầu vào ngưỡng suy thoái sâu hơn. Một khi viễn cảnh này xảy xa, Trung Quốc sẽ là nơi khởi đầu, tiến triển và cũng là điểm kết thúc.

Ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế mang tính gián tiếp, còn tình trạng thông tin thiếu minh bạch mới là tác nhân gây nên tâm trạng bất an và bối rối, châm ngòi cho cảm giác lo sợ và khuếch đại cú sốc kinh tế. Ảnh hưởng dịch bệnh không chỉ mang tính địa lý mà nó gắn kết với nền tảng kinh tế chính trị của quốc gia này. 

Nền kinh tế Trung Quốc ngày nay có quy mô lớn hơn nhiều so với 17 năm trước. IMF ước tính quốc gia tỉ dân đóng góp 20% đầu ra sản phẩm toàn cầu so với con số 8,5% của năm 2003.

Trung Quốc hiện đã trở thành cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Ngân hàng Thế giới, quốc gia này chiếm 35% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu (tính theo đô-la Mỹ) trong giai đoạn 2017-2019, gần gấp đôi tỷ lệ 18% của nước Mỹ và cao gấp bốn lần con số 7,9% của EU.

Vì vậy một khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng toàn cầu sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với đợt dịch bệnh trước.

Một vấn đề nữa là sản xuất kinh tế toàn cầu hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung toàn cầu mà Trung Quốc là trung tâm.

Tình trạng cách ly hàng chục triệu người và phong tỏa nhiều thành phố đã khiến phần lớn các nhà máy nơi đây phải đóng cửa gần hết tháng Hai. Nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, chẳng hạn như việc sản xuất iPhone của Apple hay xe hơi, cũng lâm vào tình trạng thiếu phụ tùng và linh kiện. 

Ảnh hưởng có quy mô lớn hơn nhiều người tưởng tượng. Thậm chí các quốc gia không được cho là cốt lõi của chuỗi cung toàn cầu cũng chịu tác động. Chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố sẽ cấm xuất khẩu biệt dược gốc vì đứt gãy trong sản xuất, nguyên nhân là bởi các nhà sản xuất thuốc tại đây phụ thuộc 70% thành phần hoạt chất từ Trung Quốc.

Mặt khác, nền kinh tế toàn cầu cũng đã suy giảm nhiều so với giai đoạn 2003, ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh sự gián đoạn sản xuất còn là sự suy giảm nhu cầu từ quốc gia tỉ dân. Các quốc gia xuất khẩu như Úc, các nước châu Phi, Mỹ Latin hay Trung Đông, trước dịch Covid-19 vốn đã vật lộn với khó khăn, nay phải đối mặt với giai đoạn khó khăn mới vì Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất với họ.  

Tình trạng đóng băng đột ngột của du lịch Trung Quốc đang tổn hại tới các hãng hàng không và các ngành dịch vụ du lịch bởi du khách Trung Quốc là nguồn cầu quan trọng của nhiều thị trường những năm gần đây. Chi tiêu nội địa Trung Quốc cũng giảm mạnh khi dân cư ở trong nhà và hạn chế đi lại. Với vai trò là quốc gia nhập khẩu lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ, mức tiêu thụ nội địa đi xuống của Trung Quốc đang kéo nhu cầu toàn cầu suy giảm rõ rệt.

Chính phủ Trung Quốc ngày nay tỏ ra không mặn mà gì với chính sách tài khoá. Thay vào đó, họ lên kế hoạch cho các biện pháp can thiệp khác như kéo dài thời hạn tín dụng và giảm thuế cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại do dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ tiền thuê cho các nhà bán lẻ…

Sự hồi phục của kinh tế toàn cầu hậu suy thoái sẽ xuất hiện theo từng giai đoạn, phần lớn sẽ đi theo bước tiến của Trung Quốc bởi đây là quốc gia đi trước thế giới trong việc trấn áp dịch Covid-19. Một khi sản xuất phục hồi, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ mua sắm trở lại trong quý II.2020 và đẩy cầu tăng cao.

Một khi các chuỗi cung Trung Quốc quay trở về guồng máy cũ, sản xuất tại châu Á cũng sẽ bắt đầu phục hồi.

Nếu Covid-19 sớm được kiểm soát tại các nước phát triển tại Bắc Mỹ và châu Âu trong quý II.2020, nguồn cầu gia tăng tại Trung Quốc cũng sẽ kích thích tăng trưởng cho các nền kinh tế này.

Ngoại trừ trường hợp các cú sốc lớn có thể tác động gián tiếp, chẳng hạn như sự sụp đổ của thị trường nợ doanh nghiệp hay khả năng vỡ bong bóng của một số tài sản, sự quay trở lại của Trung Quốc vẫn sẽ đưa tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên cao hơn mức suy thoái 2,5% trong nửa cuối năm, bất chấp các nước phát triển có phục hồi được hay không.

Bên cạnh đó, Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian dài, dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản ở Ba Đình đã làm cho các doanh nghiệp trong nước bị phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh, giờ đây, khi xảy ra đại dịch cùng tình trạng căng thẳng trên Biển Đông, thì thiệt hại càng lớn thêm bội phần.

Chỉ có cách, nhà cầm quyền ở Hà Nội ngay lập tức thay đổi thể chế để cương quyết “thoát Trung”, gia nhập thế giới Dân chủ và Tự do, điều đó sẽ đem lại một tương lai tốt hơn cho đất nước và dân tộc.

Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=-XNcRq7FmWM
Chính phủ hứa nghìn tỷ – dân nghèo sắp „ra ma“