Mỹ ra tay trừng trị Trung Quốc trên mọi mặt trận

https://youtu.be/z4mtm8msZxs
Link Video: https://youtu.be/z4mtm8msZxs

Từ mặt trận kinh tế hay các tham vọng địa chính trị cho đến quan hệ ngoại giao, hoạt động tình báo của Trung Quốc đều gặp phải sự đối đầu gay gắt với Hoa Kỳ những ngày gần đây. Truyền thông Pháp còn dùng hình ảnh Mỹ “nã đại pháo vào Trung Quốc” để mô tả chiến dịch tấn công trực diện và toàn diện mà Washington nhắm vào Bắc Kinh thời gian qua.

Trên mặt trận kinh tế mà cuộc chiến chống lại Huawei là một biểu tượng tiêu biểu nhất, thắng lợi dường như đã nằm trong tay Mỹ khi Anh loại hoàn toàn Huawei ra khỏi mạng 5G nước này còn Pháp thì cũng đưa quyết định không có lợi cho tập đoàn viễn thông khổng lồ từ Trung Quốc.

Nước Anh, dưới áp lực của Mỹ, sau một thời gian do dự đã quyết định đi theo các nước còn lại trong nhóm Five Eyes (Anh, Úc, Canada, New Zealand, Mỹ), gạt hoàn toàn Huawei ra khỏi dự án phát triển mạng 5G, được cho là có một vai trò chiến lược cốt lõi cho các nền kinh tế trong tương lai.

Nước Pháp trong thế « đu dây » thì tuyên bố nhẹ nhàng hơn « không hoàn toàn cấm Huawei », nhưng không triển hạn giấy phép tạm thời từ 3-8 năm cho những hãng khai thác viễn thông nào đã sử dụng các trang thiết bị của Huawei.

Đại dịch COVID-19 đã làm cho phương Tây mở mắt trước mối họa của chế độ độc tài Trung Quốc và các nước châu Âu bắt đầu có những phản ứng mạnh và Huawei trở thành một trong những chủ thể đầu tiên hứng chịu những đòn đáp trả của châu Âu.

Huawei liên tiếp nhận những tin xấu từ châu Âu trong khi vẫn phải chật vật xoay sở với những chính sách cứng rắn của Mỹ suốt nhiều tháng qua. Hồi tháng 5, Hoa Kỳ đã cấm các nhà sản xuất chất bán dẫn có sử dụng công nghệ Mỹ bán sản phẩm cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc.

Cuộc chiến này còn thêm phần gây cấn khi những đòn trừng phạt của Mỹ đang phát huy tác dụng một cách mạnh mẽ.

Hãng TSMC (Taiwan Semiconductor Manufactoring Company) của Đài Loan – hãng sản xuất con chip bán dẫn điện tử hàng đầu thế giới – ngày 16/7/2020 thông báo trước mối nguy bị áp lệnh trừng phạt của Mỹ, đã bắt đầu ngưng nhận đơn đặt hàng cung cấp chip điện tử cho Huawei kể từ trung tuần tháng 5. Quyết định này của TSMC đang đe dọa đến sự sống còn của Huawei bởi vì nguồn cung ứng thay thế là rất hiếm.

Theo giới truyền thông quốc tế, ngoài TSMC, trên thế giới hiện chỉ có Samsung là đủ khả năng sản xuất loại chip điện tử Kirin dùng để sản xuất các loại điện thoại thông minh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hồi tháng 5/2020 thông báo trừng phạt bất kỳ doanh nghiệp nào sử dụng các linh kiện của Mỹ để bán cho Huawei.

Giải pháp duy nhất cho Huawei là quay về với hãng SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation) ở trong nước. Thế nhưng, công nghệ của hãng điện tử hàng đầu Trung Quốc này chỉ có khả năng khắc những con chip silicium có độ mỏng 14 nanomet so với những con chip mỏng 5 nanomet của Đài Loan và Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc bị chậm đến 4 năm so với các nước khác trong lĩnh vực công nghệ viễn thông.

Như để chặn mọi đường tiến của Huawei, chính quyền Donald Trump còn gây áp lực với Hà Lan để hãng ASML không bán cho SMIC của Trung Quốc các loại máy móc tân tiến nhất để khắc những loại chip điện tử thế hệ mới.

Loạt đại pháo cấp tập của Mỹ chưa dừng lại: sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp và cá nhân bị nhắm đến trong những tháng tới. Vào đầu tuần này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm vào danh sách đen 11 công ty Trung Quốc tham gia vào việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Giữa tháng 7, Washington cũng đã chấm dứt chế độ ưu đãi dành cho Hồng Kông sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia.

Nếu Mỹ và phương Tây tăng cường những chiêu bài tương tự thì rõ ràng tham vọng Made in China 2025, theo đó 80% các sản phẩm trong mười lĩnh vực chủ chốt sẽ phải được sản xuất ở Trung Quốc sẽ có nguy cơ phá sản.

Trên mặt trận chính trị, Mỹ đang nỗ lực đập tan toàn bộ tham vọng địa chính trị của Trung Quốc từ Biển Đông cho đến Bắc Cực.

Về vấn đề Biển Đông, Mỹ bước sang một ngưỡng mới thông qua việc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, trong khi lâu nay chỉ bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải và tránh đứng về bên nào trong tranh chấp

Washington tuyên bố yêu sách của Bắc Kinh « hoàn toàn bất hợp pháp », tố cáo « chiến dịch cưỡng bức để nắm quyền kiểm soát ». Hoa Kỳ bảo vệ ý tưởng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ông David Stilwell, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương còn tuyên bố Hoa Kỳ có thể sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì cách hành xử phi pháp tại Biển Đông.

Không chỉ thể hiện trong lời nói, Mỹ còn có những hành động rất cụ thể để khẳng định lập trường chính thức của nước này về Biển Đông khi Hải quân Hoa Kỳ tiếp tục thách thức Trung Quốc, loan báo khu trục hạm USS Ralph Johnson đang tuần tra ở quần đảo Trường Sa, do « các yêu sách chủ quyền biển bất hợp pháp và quá đáng là mối đe dọa nghiêm trọng cho tự do hàng hải ».

Cùng với đó, Washington tiếp tục có các bước đi cụ thể để hỗ trợ các quốc gia ASEAN kháng cự hoạt động gây hấn trên biển của Trung Quốc. Hôm 22/7, Mỹ và Việt Nam đã ký kết thỏa thuận « tăng cường thực thi pháp luật về thủy sản », mà một trong các nội dung chính là « hỗ trợ ngư dân trước các đe dọa bất hợp pháp trên biển ».

Việc Washington hỗ trợ ngành kiểm ngư Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam tại Biển Đông là rất có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc dùng vũ lực để dọa nạt, cưỡng bức và uy hiếp các quốc gia khác trong vùng trong các hoạt động « đánh bắt cá hay khai thác dầu khí » hợp pháp.

Tham vọng địa chính trị tại Bắc Cực của Trung Quốc cũng bị Mỹ quyết liệt ngăn chặn.

Trung Quốc từng tuyên bố nước này về mặt địa lý là “quốc gia cận Bắc Cực” và do đó là “một bên liên quan quan trọng trong các vấn đề Bắc Cực“.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ bãi bỏ tuyên bố này và cho rằng chỉ có “các quốc gia ở Bắc Cực” và “các quốc gia không thuộc Bắc Cực“. Theo quan chức này, không có sự phân loại nào khác vì vậy Mỹ không chấp nhận tuyên bố của Bắc Kinh là một “quốc gia cận Bắc Cực“.

Trong chuyến thăm ngắn ngủi tới Đan Mạch trong tuần vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã xác định với Đan Mạch, một trong tám quốc gia trong Hội đồng Bắc Cực, là sẽ không để cho Bắc Kinh triển khai « Con đường tơ lụa địa cực ».

Theo tờ Times of India, hôm 22/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ hoạt động tích cực hơn ở Bắc Cực để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga cũng như cản trở Trung Quốc tiến vào khu vực này.

Tại Đan Mạch, ông Pompeo đã hoan nghênh việc mở lại Lãnh sự quán Mỹ ở Greenland, một khu vực tự trị thuộc Đan Mạch.

Ông Pompeo nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod rằng: “Đây là một chương mới cho Mỹ tại Greenland.”

Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố gói viện trợ kinh tế trị giá 12,1 triệu USD cho Greenland, nơi đặt Căn cứ Không quân Thule – căn cứ nằm trên vĩ tuyến cao nhất của quân đội Mỹ và đang là tâm điểm của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Cực.

Ông cũng công bố một thỏa thuận thương mại và đánh bắt cá bền vững mới với quần đảo Faroe, một khu tự trị khác của Đan Mạch ở Bắc Đại Tây Dương.

Quan hệ ngoại giao Mỹ – Trung cũng xuống cấp rõ rệt khi Mỹ buộc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, một biện pháp chưa từng áp dụng kể từ năm 1979.

Ảnh: Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston hôm 22/7

Theo báo chí Mỹ, nhiều cuộc điều tra của FBI về các vụ gián điệp đã dẫn đến cơ sở ngoại giao đóng tại bang Texas này. Đó là các vụ chuyển giao bất hợp pháp kết quả nghiên cứu y khoa, mưu toan tuyển mộ các nhà khoa học và giảng viên đại học ở Texas để có được các thông tin mật, đe dọa các công dân Trung Quốc hoặc song tịch bị coi là đang lẩn trốn ở Mỹ.

Bước đi này cho thấy Hoa Kỳ đã quyết định ra tay chống lại mạng lưới gián điệp công nghiệp Trung Quốc trên đất Mỹ từ nhiều thập niên qua, mà các cơ sở ngoại giao của Bắc Kinh bị nghi ngờ là đại bản doanh. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng Viện trực tiếp tố cáo lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là « trung tâm của một mạng lưới gián điệp rộng lớn phục vụ cho Đảng Cộng sản ».

Rất nhiều phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, đặc biệt về y khoa và sinh học, đặt trụ sở tại Houston và vùng phụ cận. Trong số các mục tiêu của gián điệp Trung Quốc có trường y của Đại học Texas A&M, Trung tâm nghiên cứu ung thư MD Anderson của Đại học Texas. Houston cũng có nhiều viện nghiên cứu đang tìm vaccin COVID-19.

Hôm 07/7, hai tin tặc Trung Quốc là Li Xiaoyu, 34 tuổi và Dong Jiazhi, 33 tuổi đã bị tòa án Washington truy tố hôm 07/07.

Ông John Demers ở Bộ Tư pháp cho biết bên cạnh việc tấn công các doanh nghiệp của khoảng 12 nước phương Tây như Úc, Anh, Đức, Bỉ ; hai tin tặc trên và Bộ An ninh Trung Quốc còn nhắm vào « các tổ chức phi chính phủ, các tu sĩ và nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hồng Kông ».

Hai bị cáo đã trao cho Bắc Kinh mật mã xâm nhập vào hộp thư một nhà ly khai Trung Quốc có liên quan đến văn phòng của Đạt Lai Lạt Ma và một nhà hoạt động Hồng Kông. Hai tin tặc này bị cáo buộc đã đánh cắp được các bí mật công nghiệp trị giá hàng trăm triệu đô la, lấy trộm các dữ liệu về vệ tinh quân sự, pin mặt trời, hóa chất, và xâm nhập các công ty ở California đang nghiên cứu vaccin và xét nghiệm virus corona – một nguy cơ đã được FBI và cơ quan an ninh mạng báo động từ tháng Năm nhưng Bắc Kinh luôn chối cãi.

Trung Quốc đã không còn được Mỹ nhìn nhận dưới góc độ đối tác cộng sinh đôi bên cùng có lợi mà đã trở thành mối đe dọa của nước này và thế giới tự do.

Trong chuyến thăm châu Âu giữa tháng 7, rồi ông Robert O’Brien, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng đã giải thích với Paris là: « Trung Quốc là mối đe dọa và là thử thách lớn nhất đối với Hoa Kỳ cũng như châu Âu. » Trước đó, hồi cuối tháng 6, ông Robert O’Brien tuyên bố « Tập Cận Bình tự cho mình là truyền nhân của Stalin ».

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng kêu gọi với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab rằng « tất cả các quốc gia gắn bó với tự do dân chủ cần hiểu vè mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc ». Vị Ngoại trưởng Mỹ luôn dùng từ « Đảng Cộng sản Trung Quốc » để chỉ Bắc Kinh, gọi đó là « mối đe dọa chính trong thời đại chúng ta ».

Thế giới những ngày này đều ghi nhận căng thẳng Mỹ – Trung đang leo thang chưa từng thầy và Mỹ vẫn chọn hái độ cứng rắn trước Trung Quốc.

Mọi yếu tố đều hội đủ cho việc leo thang này : trọng lượng kinh tế, tham vọng biển, ưu thế công nghệ… Việc Bắc Kinh đàn áp Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ cũng khiến Quốc hội Mỹ ra tay trừng phạt, được cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ ủng hộ.

Ban đầu chỉ có Phó tổng thống Mike Pence, ngay từ tháng 10/2018 đã tố cáo nhà nước Trung Quốc độc tài giám sát người dân, trấn áp các tôn giáo ; nay việc chỉ trích Bắc Kinh đã trở thành phổ biến trong chính quyền Mỹ và là một chủ đề đồng thuận hiếm hoi của cả hai đảng.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Kế sách ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông

>>> Mỹ tổng lực tấn công “mối đe dọa chiến lược” Trung Quốc

>>> Biển Đông: Trung Quốc bội tín, vừa đấm vừa xoa

https://www.youtube.com/watch?v=wlxhXkxYTYU
Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích chủ tịch TQ thất hứa về Biển Đông

 

Kasse animation 7.8.2023