“Kinh hoàng” ổ dịch Đà Nẵng – “Rụng rời” phá sản hàng không

Link Video: https://youtu.be/ZoNCEaLQoVI

Tính đến 12h trưa ngày 23/08/2020 Việt Nam đã có 1.014 ca nhiễm COVID-19 với 26 người tử vong. Đà Nẵng tiếp tục là ổ dịch lớn nhất cả nước với 379 ca nhiễm, chiếm 37% tổng số ca của cả nước.

Ngày 20/08/2020 là ngày ghi nhận Việt Nam vượt mốc 1.000 ca nhiễm COVID-19.

Từ khi làn sóng COVID-19 trở lại Việt Nam từ hạ tuần tháng 7 đến nay, dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc này đã xuất hiện tại 15 tỉnh thành ở Việt Nam, đại đa số các ca nhiễm đều có liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng.

Trên bảng dữ liệu của Bộ Y tế Việt Nam, tỉnh thành có nhiều ca nhiễm thứ hai sau Đà Nẵng là Hà Nội với 156 ca nhiễm, theo sau là Quảng Nam với 101 ca và Thành phố Hồ Chí Minh với 78 ca.

Tốc độ lây lan và tính chất nguy hại của dịch bênh rất đáng lo ngại. Chỉ trong không đầy 4 tuần, từ 25/07 đến 23/08, số ca nhiễm đã tăng thêm hơn 500, bằng cả 7 tháng trong đợt đầu tiên của dịch bệnh. Còn về số tử vong thì rất rõ. Từ không có trường hợp nào trong gần 7 tháng, ca tử vong đầu tiên được ghi nhận hôm 31/07, và từ đó đến nay, số người chết đã lên thành 26 người.

Ngày 22/08, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 210/QĐ-BCĐ về việc thành lập Bệnh viện Dã chiến thành phố Đà Nẵng tại Cung thể thao Tiên Sơn để thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo đó, Bệnh viễn dã chiến là cơ sở 2 của Bệnh viện Đà Nẵng có quy mô 500 giường, trong đó giai đoạn 1 có 300 giường; nhân lực điều động tương ứng với số lượng bệnh nhân, đảm bảo yêu cầu thu dung điều trị.

Ảnh chụp màn hình tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam tính đến 12h ngày 23/08/2020 do Bộ Y tế cung cấp

Hiện Đà Nẵng vẫn đang trong thời kỳ cách ly xã hội.

Sáng 11/08, UBND TP. Đà Nẵng ban hành văn bản yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức và toàn thể người dân trên địa bàn tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 12/8 cho đến khi có thông báo mới.

Tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động bình thường, nhưng không được dừng, đỗ để đón, trả khách tại ga Đà Nẵng. Biện pháp này cũng được áp dụng đối với các tuyến xe khách liên tỉnh, xe chở hành khách theo hợp đồng… đi qua Đà Nẵng.

Biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tiếp tục được áp dụng nghiêm ngặt tại Đà Nẵng. Một trong những biện pháp này là đi chợ theo phiếu ngày chẵn/lẽ, được triển khai từ ngày 12/08. Mỗi hộ gia đình ở Đà Nẵng được phát 5 phiếu và cử người đi chợ 3 ngày một lần. Đà Nẵng cũng thực hiện nghiêm việc giãn cách, tiếp xúc giữa quầy với quầy, giữa người với người, đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, đo thân nhiệt trước khi vào chợ.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn áp dụng mức xử phạt nặng đối người vi phạm cách ly xã hội. Cụ thể, hành vi đi ra ngoài trong trường hợp không cần thiết trong thời gian áp dụng cách ly xã hội có thể được xem xét, áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo hai trường hợp: Cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Căn cứ vào các văn bản pháp lý, Đà Nẵng thống nhất các trường hợp thực sự cần thiết đi ra ngoài bao gồm: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn… và làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Đà Nẵng, từ ngày 27/07 đến ngày 14/08, các địa phương đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống dịch COVID-19 đối với 561 trường hợp với số tiền  gần 600 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu là hành vi vi phạm không đeo khẩu trang theo quy định, tụ tập đông người, không chấp hành cách ly y tế, ra đường trong trường hợp không cần thiết…

Ảnh: Lực lượng chức năng phường An Hải Bắc xử phạt các trường hợp vi phạm cách ly xã hội phòng chống dịch COVID-19

Ngoài Đà Nẵng, tỉnh Hải Dương cũng đã từng có nguy cơ trở thành ổ dịch lớn hồi trung tuần tháng 08 vừa qua.

Hôm 05/08, ông N.M.Đ. (45 tuổi, thường trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng; công tác tại Cam Ranh, Khánh Hòa) đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương khám trong tình trạng ho, sốt cao. Tại đây, ông tiếp xúc với nhiều người trước khi được xác định là bệnh nhân COVID-19 số 751. Ngay sau đó, 7 y tá, bác sĩ được xác định là F1 phải cách ly tập trung. Ngày 11/08, Bệnh viện đa khoa Hải Dương quyết định tạm dừng tiếp nhận người bệnh điều trị nội trú. Đến nay, các trường hợp F1, F2 liên quan bệnh nhân (BN) 751 đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Tiếp đó là trường hợp BN867 phát hiện dương tính tại Hà Nội ngày 11/08 nhưng quê quán, làm việc và lịch trình chủ yếu ở Hải Dương.

Sau cuộc họp khẩn tối 13/08, UBND tỉnh Hải Dương quyết định áp dụng tình trạng khẩn cấp trong phòng chống dịch COVID-19, thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố Hải Dương trong thời gian 15 ngày (áp dụng từ ngày 14/08).

Đến chiều 14/08, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, qua theo dõi cho thấy 3 ca mắc mới tại Hải Dương liên quan đến quán ăn Thế giới bò tươi ở Hải Dương. Vì vậy, nguồn lây cho bệnh nhân 867 là từ Hải Dương lên Hà Nội chứ không phải nguồn lây từ Hà Nội.

Ảnh: Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào TP Hải Dương trong tối 13/08

Trong cuộc họp chiều 20/08 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19), Bộ Y tế cho biết đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng, Quảng Nam đã được khống chế; ổ dịch ở Hải Dương cơ bản được kiểm soát.

Về tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bộ Y tế cho biết đến thời điểm hiện tại, các trường hợp nghi ngờ ở hai địa phương này đã được truy vết và cách ly, lấy mẫu triệt để, tiến hành xét nghiệm với số lượng mẫu lớn…

Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới đã giảm rõ rệt. Có thể nói tình hình dịch ở hai địa phương này đã được khống chế. Những ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn có thể ghi nhận những ca mắc mới rải rác trong cộng đồng. Chúng ta phải tiếp tục truy vết, kịp thời phát hiện ca mắc mới để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.

Bộ chỉ huy tiền phương của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cũng rời khỏi địa phương này vào hôm 21/08.

Đối với ổ dịch tại Hải Dương, tới thời điểm ngày 20/08 đã ghi nhận 12 trường hợp, tất cả đều liên quan đến nhà hàng Thế Giới Bò Tươi, chủng virus lây bệnh tương đồng với chủng virus tại Đà Nẵng.

Ngay từ khi ca bệnh đầu tiên khởi phát (từ ngày 08/08: bệnh nhân 867), Bộ Y tế đã phối hợp với địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch. Hai ngày 19 và 20/8 không phát hiện thêm ca mới. Có thể nói, ổ dịch tại Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát.

Kinh nghiệm từ Hải Dương cho thấy ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, nếu chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan y tế triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch thì sau hơn một tuần chúng ta có thể kiểm soát tình hình.

Ảnh: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp ngày 20/08

Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 lần thứ hai đã thực sự quật ngã ngành hàng không Việt Nam.

Các hãng hàng không Việt Nam đã có công văn “kêu cứu” gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đề nghị chính phủ cho vay gói tín dụng 25.000 -27.000 tỷ đồng (1,1-1,3 tỷ USD) để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã gửi đơn kêu cứu trực tiếp lên Thủ tướng trong tình trạng “tất cả các hãng hàng không đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng” mặc dù đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50%-70% so với cùng kỳ năm trước, đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay, bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản, giảm lương nhân viên, giảm giá vé….

Theo đánh giá của các hãng hàng không, nếu đến năm 2024 lưu lượng hàng không mới có thể hồi phục như mức năm ngoái (theo dự báo của tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế), thì hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ đô la trong năm nay.

Kể từ cuối tháng 07, khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên xuất hiện trở lại tại Việt Nam, nhu cầu đi lại và du lịch bằng đường hàng không đột ngột giảm, dẫn đến tình trạng mất doanh thu ngay vào mùa cao điểm (mùa hè) của ngành hàng không.

Trong đơn kêu cứu, các hãng hàng không còn đề nghị Thủ tướng kéo dài miễn giảm dịch vụ hàng không cho đến hết năm 2021, và giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không khác.

Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ cho phép mở lại đường bay tới các quốc gia được xem là đã kiểm soát được dịch COVID-19, cho phép khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện phòng chống dịch.

Khi gặp khó khăn, đảng và nhà nước dường như không giúp gì được cho cuộc sống người dân, có thể thấy, con đường tiến lên CNXH của nhà cầm quyền tại Hà Nội còn mờ mịt và nhiều chông gai, trở ngại bất ngờ.

Vị thế của Đảng cũng vì thế ngày càng vô nghĩa trong lòng dân tộc Việt Nam.

Ảnh: Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đại dịch viêm phổi – Nhân dân lầm than – Đảng dựng tượng đài

>>> “Đất nước ta chưa bao giờ được như thế này!”

>>> Thủ tướng “lắc lư” – Truyền hình “nói nhịu”

VN: Bún mắng – cháo chửi – thịt nướng quỳ!

Kasse animation 7.8.2023