Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc đang không ngừng nỗ lực củng cố quyền lực độc tôn để tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước lâu dài bằng hai chiến lược cốt lõi: thứ nhất là phong trào suy tôn lãnh tụ và thứ hai là chiến dịch thanh trừng mới.
Không lâu sau khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai, vào năm 2018, Tập Cận Bình đã cho xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức chủ tịch Trung Quốc dọn đường cho nhiệm kỳ thứ ba và những nhiệm kỳ sau đó của ông trên cương vị nguyên thủ quốc gia tại đất nước cộng sản lớn nhất thế giới này.
Và cho đến hiện nay tức là giữa nhiệm kỳ thứ hai của mình thì ông Tập Cận Bình đã củng cố hình ảnh với nhân dân Trung Quốc bằng việc chiếm lĩnh không gian truyền thông..
Hãng tin RFI của Pháp ghi nhận ngày 02/09 vừa qua, trên trang web của Tân Hoa Xã, những thông tin chính trong ngày về Trung Quốc đều nêu bật hoạt động của ông Tập Cận Bình, nào là ông Tập với lũ lụt sông Hoàng Hà, với việc giảng dạy triết học chính trị, với cải tổ kinh tế, với môi trường, với Tây Tạng, nào là Tập Cận Bình và hợp tác với Indonesia, quan hệ với Maroc, trao cờ cho cảnh sát…
Trước đó, trong phiên họp hai ngày 26-27/12/2019, ông Tập Cận Bình lần đầu được Bộ Chính trị Trung Quốc gồm 25 ủy viên nhắc đề cập như một “Lãnh tụ nhân dân” – danh xưng trong quá khứ chỉ được dùng cho nhà lập quốc Mao Trạch Đông.
Có thể danh xưng kể trên không trao cho ông Tập Cận Bình thêm quyền lực nhưng lại cho thấy một phong trào suy tôn lãnh tụ nở rộ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước khi được Bộ Chính trị Trung Quốc đề cập trong báo cáo hội nghị bằng cụm từ “Lãnh tụ nhân dân“, ông Tập đã được một số quan chức cấp cao – gồm Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư – và truyền thông nhà nước nhắc đến bằng danh xưng này trong nhiều dịp khác nhau.
Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo đăng tải bài viết trên trang nhất số ra hôm 25/08/2019 với tiêu đề “Lãnh tụ nhân dân yêu nhân dân“.
Trong chuyên đề về Lưỡng hội Trung Quốc – gồm kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp toàn quốc – hồi đầu tháng 03/2019, Tân Hoa Xã cập nhật nhan đề lớn “Hoạt động của Lãnh tụ nhân dân Tập Cận Bình tại Lưỡng hội“.
Vào tháng 10/2017, Bộ Chính trị Trung Quốc lần đầu nói ông Tập “xứng danh là lãnh tụ của đảng, được toàn đảng ủng hộ, được nhân dân yêu mến“.
Truyền thông quốc tế bình luận, thông điệp từ hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc cuối năm 2019 là một dấu mốc nữa đánh dấu địa vị và quyền lực tối cao của ông Tập Cận Bình tại Trung Quốc, sau khi ông được xác lập vị thế hạt nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2016, Tư tưởng Tập Cận Bình được ghi vào Điều lệ đảng này năm 2017 và đưa vào Hiến pháp Trung Quốc năm 2018.
Cùng với phong trào suy tôn lãnh tụ, Chủ tịch Trung Quốc đã tung ra chiến dịch thanh trừng mới khiến nhiều người liên tưởng đến chiến dịch “chỉnh phong” của Mao Trạch Đông.
Chiến dịch “chỉnh phong” Diên An do Mao tung ra năm 1942 kéo dài ba năm đã làm cho 10.000 người thiệt mạng trong hàng ngũ các đối thủ thật sự hay chỉ bị nghi là chống Mao trong nội bộ Đảng, 10% đảng viên bị khai trừ.
Còn Tập Cận Bình khởi động đợt thanh trừng nhắm vào ngành công an, tư pháp và guồng máy an ninh Nhà nước, nhằm dập tắt hẳn mọi phản kháng trong nội bộ vào thời điểm hai năm trước khi Đại hội quan trọng diễn ra vào năm 2022.
Đặc biệt, khi trình bày chiến dịch, ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), Tổng thư ký Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, một nhân vật thân cận với Tập Cận Bình phụ trách việc thanh trừng, đã chọn những từ ngữ gợi lên thời kỳ đen tối chủ nghĩa Mao như “chỉnh huấn đội ngũ cán bộ”, “nạo độc đến tận xương”. Ông Trần cho biết chiến dịch chỉnh phong 2.0 này để « đội ngũ tư pháp và chính quyền phải hoàn toàn trung thành, trong sáng và đáng tin cậy ».
Chiến dịch này bắt đầu từ tháng 07, sẽ diễn ra trong hai năm và kết thúc vào cuối tháng 03 năm 2022, tức sáu tháng trước Đại hội Đảng lần thứ 20.
Nhà chính trị học độc lập Lôi Cường (Wu Qiang) ở Bắc Kinh giải thích, ngoài mặt là chống tham nhũng, nhưng thực tế là thanh trừng để tống khứ đi những người cạnh tranh, nhằm nắm được quyền lực tuyệt đối trong Đại hội Đảng lần thứ 20. « Chỉnh phong » còn nhằm hợp pháp hóa một Nhà nước công an trị.
Những ngày gần đây, những nạn nhân đầu tiên trong đợt thanh lọc tàn khốc này đã xuất hiện. Tại thành phố Linh Bảo (Lingbao) tỉnh Hà Nam (Henan), khoảng 30 cán bộ đã bị cách chức.
Nổi bật nhất là Giám đốc Công an Thượng Hải Cung Đạo An (Gong Daoan), chức vụ quan trọng tại thành phố giàu nhất Trung Quốc, hồi giữa tháng 08 đã bị thanh tra. Ông Cung là lãnh đạo cảnh sát ở Thượng Hải từ năm 2017, đã bị bắt với tội danh “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”.
Trước đó, vào cuối tháng 06, Giám đốc Công an Trùng Khánh, một thành phố lớn phía tây, Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin), cũng có cùng số phận.
Đúng như Bộ trưởng Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi) tuyên bố là chiến dịch bảo đảm “lòng trung thành tuyệt đối” của lực lượng công an Trung Quốc. Chiến dịch này đã truy lùng những kẻ “hai mặt”, những cán bộ bị nghi ngờ là không trung thành với ông Tập Cận Bình.
Xu hướng sùng bái cá nhân Tập Cận Bình và cuộc thanh trừng nội bộ dưới cái mác là chiến dịch chống tham nhũng đã gây bất mãn trong giới ưu tú tại Trung Quốc.
Nhiều người trong các thành phần lãnh đạo xí nghiệp quốc doanh, giới cán bộ nhà nước, giới giảng dạy, đã bị tịch thu hộ chiếu, không thể xuất ngoại vì lý do cá nhân. Những tiếng nói phản biện hiếm hoi trong đảng đều bị bắt giữ, truy lùng, khai trừ.
Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư trường đảng trung ương là trường hợp mới nhất phải trả giá, bị khai trừ khỏi đảng, bị hủy bỏ đãi ngộ hưu trí vì đã chỉ trích việc tập trung quyền lực trong tay Tập Cận Bình theo kiểu « trùm mafia », lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc đã là “thây ma chính trị”, không ai có thể cứu vãn được cuộc khủng hoảng này. Bà đã phải trốn sang nước ngoài tị nạn. Hồi tháng 07, giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) của trường đại học Thanh Hoa bị công an bắt do phê phán việc xử lý đại dịch.
Chuyên gia Tăng Duệ Sinh (Steve Tsang) giải thích: « Tập Cận Bình càng mạnh thì ông ta càng cảm thấy an toàn hơn, càng siết chặt những tiếng nói phản kháng. Từ nay chỉ cần chỉ trích là trở thành nhà ly khai. Việc cá nhân hóa quyền lực khiến Tập phải tiếp tục chứng tỏ ông ta là người mạnh nhất, không ai có lợi gì khi phản đối ông. »
Ông Tăng Duệ Sinh kết luận : « Giờ đây ai phản đối sẽ phải sẵn sàng đi đến tận cùng, hoặc phải trả giá đắt. Không có một chỗ nào cho đối thoại ».
Ở Trung Quốc giờ đây không ai dám lên tiếng chính thức phản đối, nhất là khi ông Tập Cận Bình đã cài người của ông vào mọi nơi.
Một nhà ngoại giao giải thích: “Trước đây, người ta phân tích việc đề bạt lãnh đạo các tỉnh trên cơ sở phe phái. Bây giờ thì người ta tìm cách phân biệt họ thuộc nhóm trung thành nào của ông Tập Cận Bình: giới kỹ trị thuộc các tập đoàn công nghiệp quân sự, nhóm Triết Giang, nơi ông Tập Cận Bình khởi đầu sự nghiệp, nhóm những người ông Tập quen biết khi còn ở Đại Học, giới tài chính… Tất cả đều có năng lực và trung thành với Tập Cận Bình.”
Trong 30 năm qua bà Thái Hà đã là nhân chứng quan sát tiến trình của Đảng Cộng sản Trung Quốc với tư cách là giảng viên Trường Đảng Trung ương. Bà trả lời CNN rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc thời ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền thì còn biết khoan dung trước những ý kiến bất đồng. Nhưng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền thì “dân chủ trong Đảng” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn đề cao đã trở thành giả hiệu. Bầu không khí chính trị hiện nay trong Đảng Cộng sản Trung Quốc là cán bộ cấp dưới luôn giấu sự thật khi chia sẻ thông tin với cấp trên, họ chỉ đề cập những gì mà cấp trên muốn nghe. Chính điều này đã khiến thông tin mà giới cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận được toàn sai lệch, quá trình quyết sách cũng vì thế thiếu căn cứ khoa học, dân chủ, công khai và minh bạch.
Đặc biệt, bà nhận định ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã có những phát ngôn, suy nghĩ và hành động mang dấu hiệu như thời Cách mạng Văn hóa từ ông Mao Trạch Đông. Ông Tập đang dẫn dắt Trung Quốc rời xa con đường mở cửa và cải cách.
Giờ đây ông Tập một mình nắm đại quyền trong đảng, chính phủ và quân đội, thậm chí ông còn muốn làm lãnh đạo trọn đời và đang kéo lùi sự phát triển của đất nước đông dân nhất thế giới này. Về kinh tế, doanh nghiệp nhà nước lấn át doanh nghiệp tư nhân, thậm chí khôi phục hợp tác xã cung ứng tiêu thụ để chuẩn bị cho kế hoạch kinh tế; về pháp trị thì hoàn toàn thụt lùi, cơ quan chính phủ ngày càng không có sự đôn đốc giám sát của xã hội; tự trị tầng cơ sở lùi trở lại sự thống trị của Bí thư một cách trắng trợn; về văn hóa thì học tập Bạc Hy Lai hát nhạc đỏ, đi theo đường cũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc; về nhân quyền thì giám sát người Duy Ngô Nhĩ trên quy mô lớn, đàn áp một cách toàn diện đối với những nhân sĩ bất đồng chính kiến, luật sư nhân quyền, nhân sĩ tôn giáo, v.v; quan hệ đối ngoại ngày càng có xu hướng bế quan tỏa cảng.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đại hội 13: Phúc không chịu về – Trọng muốn ngồi them
>>> Vương Nghị ‘tay trắng’ sau chuyến công du châu Âu
>>> Chế độ Cộng sản sẽ còn tồn tại bao lâu ở Việt nam?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT