Trong khi xã hội dân sự đã và đang nỗ lực quyên góp, xuống tận địa bàn gặp thiên tai để ứng cứu người dân trong cơn hoạn nạn với nguồn tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, một số tiền lớn ngay cả so với quy mô số tiền cứu trợ của Chính phủ thì trên hệ thống truyền thông nhà nước gồm tivi, báo, đài… những thông tin mang ý nghĩa lan tỏa tình nhân ái lại được đăng tải rất ít để lấy chỗ phô bày cho các hoạt động của Mặt trận tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ hay các hội đoàn khác đều cho chính quyền đứng sau.
Có nguồn tin cho rằng Ban Tuyên giáo đã có chỉ đạo báo chí và truyền thông không được đưa tin về các cá nhân làm từ thiện trực tiếp và có hiệu quả như ca sĩ Thuỷ Tiên nữa, hoặc đưa rất ít, rất hạn chế thôi, vì như thế thì tức là vô tình nói Mặt trận tổ quốc hay các cơ quan đoàn thể tổ chức là mất uy tín, không được người dân tin tưởng.
Nhà hoạt động dân sự Phạm Thanh Nghiên đã nêu hiện tượng này trong bài viết “Chúng mày không được làm, chỉ mình tao làm thôi”.
Theo bà, một mặt, Đảng (khản cổ) kêu gọi nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài rút hầu bao nộp cho Uỷ ban Mặt trận tổ quốc để đi cứu trợ. Mặt khác, dùng âm mưu để gây khó khăn hoặc ngăn cản hội nhóm, cá nhân “không cộng sản” nào đó đi cứu trợ, cho dù các hội nhóm, cá nhân này không chờ ai kêu gọi đã nhanh chóng có mặt và sẻ chia, giúp đỡ đồng bào gặp nạn.
Bà dẫn chứng một trong những màn dạo đầu của trò chơi “độc quyền làm từ thiện” này là ngày 19/10 vừa qua hai tài khoản facebook cá nhân của bà Lê Hoài Anh – một doanh nhân thành đạt và khá nổi tiếng về công tác làm từ thiện đã bị đánh sập. Trang facebook cá nhân của bà Lê Hoài Anh có 325 ngàn lượt theo dõi. Mỗi dòng trạng thái bà chia sẻ đều thu hút hàng ngàn lượt like, share và bình luận, thuộc hàng “khủng” trong làng facebook tại Việt Nam.
Ngày hôm qua 18/10, nữ doanh nhân này đã thông báo trên trang facebook cá nhân của mình về những chuyến hàng từ thiện, cứu trợ của bà cho đồng bào Miền Trung gồm áo phao, nước đóng chai, mì tôm và một số vật dùng cần thiết. Bên cạnh đó, bà cũng đưa ra những ý kiến chỉ trích mạnh mẽ về nạn chặt phá rừng tại Việt Nam.
Bà Nghiên khẳng định ngăn cản, gây khó khăn trong các công tác thiện nguyện, hoặc nhân danh “chính quyền” để đòi thu gom, kiểm soát hoặc sở hữu tiền / hàng cứu trợ của người dân dành cho nhau là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Bà dẫn chứng câu chuyện mà chính bà đã từng nghe các nạn nhân, nhân chứng kể lại năm 2008 trong chuyến đi Thanh Hoá để thăm hỏi và làm phóng sự về sự kiện ngư dân bị hải quân Tàu cộng giết hại trên vùng biển Việt Nam.
Bà đã trích dẫn đoạn nói về sự kiện cứu trợ đồng bào lũ lụt của 14 năm về trước, năm 2006 như sau: “Đoàn từ thiện chùa Giác Minh, Tân Vạn – Biên Hoà lặn lội ra tận Thanh Hoá cứu trợ cho người dân sau trận bão lũ năm 2006. Các nhà sư đã tận tay trao số tiền cho đồng bào, mỗi suất hai trăm ngàn đồng. Nhiều gia đình trong xã đã được chùa Giác Minh cứu trợ. Con dâu ông Nguyễn Văn Nhiểm, trên đường về nhà đã bị người của chính quyền xã chặn lại, số tiền bị cướp trắng. Chị giải thích rằng đây là tiền của các nhà sư cho chị, không phải tiền “chính sách” hay của chính quyền.
Nói thế nào cũng không được. Đau nhất là ông Nhiểm, các nhà sư tin tưởng, nhờ ông chuyển giúp phần quà cho một số gia đình khác. Ngay tối hôm đó, chính quyền xã cử người đến cướp toàn bộ số tiền với lý do “gom vào một mối để phát cho dễ, cho công bằng”. Ông không thể không đưa vì họ nhân danh chính quyền. Nhiều người khác cũng bị tương tự. Không ai được trả lại xu nào dù đó là tiền của người dân giúp người dân khi hoạn nạn.”
Sau đó bà đã đưa ra một trong những bằng chứng về “chính sách” tương tự đang diễn ra hôm nay. Đó là một công văn của Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào ngày 14/10/2020 muốn các nhà hảo tâm tới địa phương phải liên hệ và mang các đồ cứu giúp người dân tới UBMTTQ của huyện, và cơ quan này sẽ đi phân phát lại cho người dân.
Theo bà Nghiên, qua những điều đó, Đảng ta muốn nhắn nhủ toàn dân là: “Chúng mày không được làm từ thiện, chỉ mình tao làm thôi”.
Từ những sự việc trên, bà đã gọi Ủy ban Mặt trận tổ quốc là Quỷ ban Mặt trận tổ quốc và nhận định một cách đau đớn rằng: “Thiên tai đương nhiên có, nhưng nhân hoạ cũng nhiều. Khỏi cần nói thêm, ối người hiểu. Hiểu cả trách nhiệm của nhà nước phải làm những gì, cũng không bàn ở đây. Vấn đề là, khi gặp hoạ, dân tự cứu dân xem ra cũng nhiều trở ngại và lắm gian truân.”
Những động thái gần đây của chính quyền cộng sản càng chứng tỏ những nhận định của bà Nghiên là hoàn toàn có cơ sở.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây đã phát biểu: “Chúng ta phải tìm cách để hàng cứu trợ đến được tất cả người dân đang gặp khó khăn. Tôi yêu cầu các tỉnh giao nhiệm vụ cho các xã, bởi họ mới nắm được chi tiết, tường tận người dân ở từng thôn, xóm. Hàng cứu trợ phải tập trung do chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc tiếp nhận. Các đoàn thể khác cùng với người dân giám sát phân phối. Nếu không, nhiều đoàn đi cứu trợ rất hình thức, quay phim chụp ảnh là xong còn những người dân thực sự khó khăn cần sự giúp đỡ thì lại không có hỗ trợ.”
Phát biểu của chính trị gia cộng sản khiến dư luận bức xúc.
Facebooker Nguyen Son phản bác: “Hàng cứu trợ của nhà nước (thực ra vẫn lấy từ tiền ngân sách dân đóng góp) thì các anh chỉ đạo, quản lý được chứ cái này là tiền đóng góp của những người hảo tâm. Họ trao cho ai, như thế nào là việc của họ. Nếu muốn tăng hiệu quả, chính quyền có thể ngỏ lời giúp chứ không thể ra lệnh được đâu. Nên hiểu biết rõ ràng, sòng phẳng thế anh ạ!”
Nhiều ý kiến bình luận còn vạch trần luôn hoạt động không hiệu quả của Mặt trận tổ quốc.
Đa số ý kiến cho rằng Mặt trận tổ quốc mà hoạt động hiệu quả, đúng như vai trò, chức trách đề ra thì dân đâu có phải gửi tiền cho Thuỷ Tiên, cho các nhóm thiện nguyện cá nhân hay các chức sắc tôn giáo.
Facebooker Hai Nguyen Hong viết: “Chính quyền muốn MTTQ làm thì tự đi kêu đảng viên, công nhân viên nhà nước góp. Còn người dân muốn giúp dân miền Trung thì gửi cho các cá nhân, tổ chức mà họ đặt niềm tin. Việc ai nấy làm, đừng có đi cướp công của người khác.”
Facebooker Linh Hoàng Vũ nhận định: “Chắc chắn, với số tiền khổng lồ nhận được như thế, công việc quản lý và sử dụng số tiền này thế nào cho minh bạch là một việc không dễ dàng với Thủy Tiên (cũng như với những cá nhân đứng ra nhận quyên góp khác). Thế nhưng, ít nhất cô cũng công khai được số tiền đã nhận. Trong khi đó vào trang web của Mặt trận Tổ quốc, cơ quan được coi là đại diện của Chính quyền trong công tác từ thiện và cứu trợ thiên tai, mình không thể tìm ra được thông tin về tổng số tiền quyên góp mà cơ quan này đã nhận cũng như các phương án phân bổ số tiền quyên được. Trong thông báo của Mặt trận, cũng chỉ có dòng sau đây” “Kết thúc đợt vận động có báo cáo kết quả vận động quyên góp và phân bổ hỗ trợ gửi về Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Cứu trợ Trung ương.”, tức là sẽ chỉ có báo cáo tổng hợp gửi cho lãnh đạo Mặt trận, còn không có báo cáo cho người dân, và sẽ phải đợi cho tới “kết thúc đợt vận động” nghĩa là chắc cả tháng nữa?
Chưa nói chuyện số tiền đóng góp cho Mặt trận có bị bớt xén hay tới đúng địa chỉ hay không, vì trong việc này, người dân không thể theo dõi và Mặt trận cũng không có cơ chế báo cáo rõ ràng và kịp thời cho nhân dân, cả người đóng góp và người thụ hưởng, thì riêng sự cồng kềnh của cả bộ máy cũng làm cho người ta có thể nghi ngờ về hiệu quả công tác cứu trợ của Mặt trận rồi.”
Nhà quan sát Đỗ Ngà phải dùng hình ảnh “con ve chó” để nói về các hội đoàn của chính quyền cộng sản.
Ông nhận định chính các hội đoàn này là thành phần hút máu dân, góp phần tạo nên tình trạng dân nghèo không đói nhưng lại thiếu thốn triền miên và cũng chính vì vậy mà miếng ăn đã chiếm hết cuộc đời của người dân, làm họ không còn tâm sức đâu mà nghĩ đến chính trị.
Được biết, mỗi năm “những con ve chó” này hút hết 68 ngàn tỷ tiền ngân sách. Mà tiền ngân sách từ đâu mà có? Từ thuế của dân. Những hội đoàn này rất phàm ăn, nếu tiền và tài sản của những nhà từ thiện góp về những hội đoàn này thì chắc chắn, phần lớn sẽ là vỗ béo cho bọn “ve chó” chứ những người dân đang gặp họa chẳng hưởng được bao nhiêu cả. Nó tựa như hình thức “hiến máu nhân đạo” vậy. Họ kêu gọi toàn dân cho máu, nhưng thứ “máu cho” ấy lại được bán tại các bệnh viện giá rất cao. Gần như chẳng có bao nhiêu người được hưởng “máu nhân đạo” của người cho cả. Cộng sản hút “máu nhân đạo” hàng loạt nhưng bơm máu dưới dạng từ thiện thì rất nhỏ giọt. Thực chất, khi đến với người bệnh, những “giọt máu nhân đạo” biến thành “máu cắt cổ”.
Hiện nay các hội từ thiện của chính quyền cộng sản kêu gọi quyên góp không bằng các nhân vật nổi tiếng làm… Người dân thà đặt lòng tin vào người nổi tiếng hơn là tin vào chính quyền vì đơn giản, cá nhân thì còn có người tốt người xấu nhưng bộ máy chính quyền cộng sản thì không tìm đâu ra người tốt…
Trong cơn lũ dữ, tất nhiên người dân cũng sẽ nhận được hàng cứu trợ từ phía chính quyền CS và các đoàn hội của họ ban phát. Và thực chất, những món quà đó là của đồng bào chứ chẳng phải của đảng hay nhà nước gì cả. Mỗi người dân cần phải hiểu, khi tiền và hàng hóa qua tay “những con ve chó” thì nó phải hút trước đã rồi mới tới dân. Đừng cảm ơn đảng hay chính phủ vì những món hàng đó, mà hãy cảm ơn tấm lòng bao la của những người đồng bào chúng ta biết chung tay sẻ chia cho nhau “một miếng khi đói” lúc hoạn nạn. Việc cứu trợ là nhiệm vụ của chính quyền, họ ăn thuế dân thì họ phải có trách nhiệm chứ chẳng cần phải mang ơn họ. Bà con hãy nhớ điều đó!
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Nhận trên 100 Tỷ – Thủy Tiên làm Đảng “sáng mắt sáng lòng”
>>> Xếp tướng Man trên cùng – Quốc hội „bỏ rơi“ Nhân dân
>>> Khi đồng bào cần, Đảng đang ở đâu?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT