Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động đặc biệt là quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Hoa Kì đang ở mức xấu nhất kể từ khi thiết lập quan hệ, ngày càng có nhiều dấu hiệu trực tiếp hay gián tiếp cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lịch sử.
Mới đây, gần 3 tháng sau cuộc tập trận hồi tháng 08/2020, tờ South China Morning Post đã dẫn lời một chuyên gia quân sự, cựu sĩ quan Trung Quốc tiết lộ một tin tức quan trọng.
Theo đó, hai tên lửa của “sát thủ tàu sân bay” mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắn trên Biển Đông trong cuộc tập trận vào tháng 08/2020 đã bay hàng nghìn cây số trúng vào mục tiêu giả định là một con tàu đang di chuyển ở vị trí gần quần đảo Hoàng Sa.
Hai tên lửa đạn đạo DF-26B và DF-21D được phóng đi từ tỉnh Thanh Hải ở Tây Bắc và tỉnh Chiết Giang ở miền Đông Trung Quốc.
Theo lời cựu sĩ quan Vương Tương Tuệ, hiện là giáo sư của Đại học Bắc Hàng ở Bắc Kinh, hai tên lửa này đã trúng vào một con tàu đang di chuyển ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Ông Vương Tương Tuệ nói: “Ngay sau đó, một tùy viên quân sự Mỹ tại Geneva đã phàn nàn với chúng tôi và nói rằng điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu như tên lửa bắn trúng một tàu sân bay Mỹ. Họ xem đây là sự phô trương lực lượng. Nhưng chúng ta đang làm điều này vì sự khiêu khích của họ.”
Tiết lộ của Vương Tương Tuệ đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra thông tin chi tiết về vụ phóng hai tên lửa DF-26B và DF-21D trên Biển Đông hồi tháng 08. Đề cập này được cho là có liên quan đến tuyên bố của Bắc Kinh về việc một máy bay do thám U-2 của Mỹ đi vào vùng cấm bay mà không được phép trong cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật của Trung Quốc ở Biển Bột Hải ngoài khơi bờ biển phía Bắc nước này.
Đây là cuộc tập trận đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc trình diễn khả năng tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa thực tế được xác nhận. Tuy nhiên vẫn có nhiều chi tiết chưa được làm rõ như về tàu mục tiêu giả định, cấu tạo, tốc độ di chuyển của nó hay cách quân đội Trung Quốc điều khiển tên lửa bắn tới mục tiêu như thế nào.
Không chỉ tiến hành liên tiếp các cuộc tập trận hải quân trên Biển Đông vào tháng 07 và tháng 08/2020, Trung Quốc còn đưa những ngôn từ chiến tranh vào trong Văn kiện đại hội.
Theo nhà quan sát Đinh Trần Quân, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Hội nghị trung ương 5) đã kết thúc theo dự kiến vào tháng 10 vừa qua – sau 4 ngày họp kín ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, với một thông cáo chung chứa đầy biệt ngữ xã hội chủ nghĩa nhằm vạch ra những ưu tiên phát triển của nước này trong tương lai.
Tuy nhiên, trong số hơn 6.000 chữ của thông cáo đó lại có cụm từ “chuẩn bị cho chiến tranh”. Cụm từ này xuất hiện trong phần nói về việc tăng cường quân đội và đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội.
Cụ thể, thông cáo cho biết tại Hội nghị trung ương 5, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường một cách toàn diện công tác huấn luyện quân sự và chuẩn bị cho chiến tranh, nâng cao khả năng chiến lược của quân đội để bảo vệ chủ quyền, an ninh và những lợi ích liên quan đến sự phát triển của đất nước.
Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc hôm 26/10 và bế mạc ngày hôm 29/10/2020, với tuyên bố khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ không để cho các áp lực bên ngoài cản trở mục tiêu trở thành cường quốc đồng thời đề ra một mục tiêu mới là biến Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc thành một lực lượng quân sự hiện đại vào năm 2027, đánh dấu 100 năm ngày thành lập Quân Đội Trung Quốc.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Hồng Kông Tống Trung Bình (Song Zhongping), mục tiêu nói trên có thể được hiểu là “đưa Quân đội Trung Quốc thành lực lượng hiện đại hàng đầu thế giới, có thể sánh ngang với quân đội Mỹ”.
Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Tianda tại Hồng Kông đã ghi nhận sự kiện, lần đầu tiên giới lãnh đạo Bắc Kinh đưa việc xây dựng quân đội vào các mục tiêu phát triển, một động thái chủ yếu nhằm vào việc “ngăn chặn sự can thiệp của quân đội Mỹ xung quanh eo biển Đài Loan một cách hiệu quả”.
Cụm từ “chuẩn bị cho chiến tranh” một lần nữa xuất hiện trong một loạt đề xuất của Ban chấp hành trung ương được công bố mới đây.
Những đề xuất này đã bổ sung chi tiết cho thông cáo về kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và tầm nhìn 15 năm của Trung Quốc tức là các mục tiêu phát triển cho năm 2035. Các nhà quan sát về Trung Quốc đã chỉ rõ rằng đây là lần thứ hai trong hơn nửa thế kỷ qua cụm từ “chuẩn bị cho chiến tranh” mới lại xuất hiện trong một bản Quy hoạch phát triển 5 năm của Trung Quốc.
Lần xuất hiện gần đây nhất của cụm từ này là trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1966-1970) của Trung Quốc khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông kêu gọi nước này chuẩn bị cho chiến tranh và nạn đói.
Những năm 1960 là giai đoạn căng thẳng, khi quan hệ Trung Quốc – Liên Xô bị cắt đứt và Trung Quốc cũng đang có xung đột biên giới với Ấn Độ.
Sự xuất hiện của cụm từ này trong văn kiện Hội nghị trung ương 5 lần này – cùng với điều mà một số nhà phân tích đang nhắc tới là thời hạn mới để hiện đại hóa PLA trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2027 – cũng là dấu hiệu cho thấy có sự thừa nhận rộng rãi trong số các nhà lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc về mức độ xấu đi của môi trường bên ngoài và việc PLA cần khẩn trương chuẩn bị cho chiến tranh.
Bên cạnh đó, trong những bài phát biểu của nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, Tập Cận Bình, thời gian gần đây cũng gửi đi nhiều thông điệp cảnh báo quân đội sẵn sàng cho chiến tranh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/10 đã đưa ra cảnh báo trước các “kẻ xâm lược tiềm tàng” về ý chí và quyết tâm quân sự của Bắc Kinh. Lời cảnh báo này được đưa ra nhân dịp ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm trọng thể 70 năm Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh.
Trong tràng vỗ tay tán thưởng của hàng ngàn quân nhân và cựu chiến binh, Tập Cận Bình phát biểu : “Sau một cuộc giao tranh ác liệt, quân đội Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã đánh bại đối thủ được trang bị đến tận răng và phá tan huyền thoại về sự bất khả chiến bại của quân đội Mỹ“.
Ông Tập còn nói thêm là Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên khi chủ quyền bị đe dọa và sẽ không bao giờ để bất kỳ đội quân nào xâm lược hoặc chia cắt đất nước. Theo AFP, phát biểu này nhằm ám chỉ Đài Loan và Mỹ.
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc xung đột đầu tiên và cho đến nay vẫn là xung đột duy nhất mà quân đội Trung Quốc và Mỹ giao tranh trực tiếp với nhau. Tại Trung Quốc, cuộc xung đột với Mỹ vẫn được gọi là “Cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của Mỹ và viện trợ cho Triều Tiên“. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn là đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng.
Hiện giờ quan hệ của Trung Quốc với chính quyền Mỹ Donald Trump đang ở mức xấu nhất, nhiều nhà bình luận cho rằng Tập Cận Bình tận dụng lễ kỷ niệm này để đưa ra thông điệp trực tiếp nhắm vào Washington.
Và lần này, Bắc Kinh đã tận dụng lễ kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên để phát đi cảnh báo ngầm đối với Washington về sức mạnh quân sự của một “Trung Quốc mới”.
Theo một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, những lễ tưởng niệm kiểu này nhằm đáp trả áp lực tối đa mà chính quyền Donald Trump gây ra đối với Trung Quốc và nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự quy mô hạn chế có thể xảy ra với Hoa Kỳ.
Không chỉ phát đi cảnh báo đối với các siêu cường đối địch, lễ kỷ niệm thời kỳ duy nhất trong lịch sử mà các lực lượng của Trung Quốc chiến đấu chống lại các lực lượng Mỹ còn nhắm vào kích động tinh thần chiến tranh người dân trong cả nước.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát động một đợt tuyên truyền với các cuộc phỏng vấn cựu chiến binh được phát sóng vào khung giờ “vàng” trong cả tuần ngay trước thời điểm diễn ra lễ kỉ niệm.
Bộ phim hành động mang tên “Sự hy sinh”, được các đạo diễn có tiếng của phim trường Trung Quốc dàn dựng với nội dung miêu tả một đội quân Trung Quốc cản trở bước tiến của binh sĩ Mỹ trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đã được công chiếu trên toàn quốc vào ngày 23/10.
Alice Ekman, nhà phân tích chuyên về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu An ninh của Liên minh châu Âu (EU) cho biết: “Ông Tập Cận Bình đang kích động tinh thần chiến tranh ở phạm vi nhận thức rộng lớn.”
Về khía cạnh thông điệp đối với người dân trong nước, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng lưu ý rằng bài phát biểu nói trên của Tập được phát đi trước thềm Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cuộc họp quan trọng vốn sẽ đề ra kế hoạch phát triển chính trị, kinh tế và xã hội trong vòng 5 năm tới.
Trong chuyến thăm quan một cuộc triển lãm Chiến tranh Triều Tiên ở Bắc Kinh, ông Tập cũng đã kêu gọi người dân Trung Quốc “giữ vững niềm tin vào chiến thắng cao cả của họ” và “đánh bại mọi kẻ thù” – một lời kêu gọi cũng được coi là một thông điệp rõ ràng đến Mỹ.
Trước đó, nhân dịp lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đặc khu kinh tế được tổ chức tại Thâm Quyến hôm 14/1, trong khi tiến hành kiểm tra lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc, Tập Cận Bình nhắc nhở rằng quân đội phải tuyệt đối trung thành, đáng tin cậy và: “Phải tập trung mọi suy nghĩ và lực lượng vào việc chuẩn bị cho chiến tranh và phải cảnh giác cao độ”.
Tập Cận Bình cũng kêu gọi Quân đoàn thủy quân lục chiến PLA đẩy nhanh việc nâng cấp khả năng chiến đấu để tạo ra một đội quân hùng mạnh, với những người lính thiện chiến, được tích hợp đầy đủ và linh hoạt trong hoạt động, phản ứng nhanh và có khả năng chiến đấu trong các điều kiện phức tạp.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trung Quốc cảnh báo liên minh phương Tây sẽ bị ‘móc mắt’
>>> EU và Canada tuyên bố cứng rắn về Biển Đông
>>> Vì sao Trung Quốc vừa tiết lộ – sát thủ tàu sân bay ‘bắn trúng mục tiêu’ trên Biển Đông?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT