Nhà cầm quyền bóc lột giới cần lao – tài xế GrabBike đồng loạt biểu tình

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=0E3-odXZcX4

Vào ngày 07/12, hàng trăm tài xế xe công nghệ GrabBike tại thủ đô Hà Nội và đầu tàu kinh tế Hồ Chí Minh đã đồng loạt tắt ứng dụng (app) và biểu tình để phản đối hãng Grab tăng chiết khấu thuế giá trị gia tăng (VAT) lên đối tác tài xế sau khi Nghị định 126 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 05/12 quy định tất cả các tài xế công nghệ sẽ bị xem là cá nhân hợp tác với tổ chức kinh doanh và phải chịu mức thuế VAT 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe, thay vì mức 3% như hiện nay. Sự việc phản ánh nhiều bất cập của chính quyền cộng sản Việt Nam.

Trước hết, phân tích về mức tăng thuế của Chính phủ lên tài xế công nghệ, có nhiều bình luận cho rằng Chính phủ đang tận thu, bóc lột giới cần lao, những thành phần cùng cực của xã hội.

Facebooker Amy Truc Tran nhận định:

Gần nửa thế kỷ hô hào “giải phóng”, vẫn loay hoay cái sự nghiệp vĩ đại xóa đói giảm nghèo. Dân vẫn cứ nghèo mãi, nghèo bền vững, nghèo “đa chiều”… Vậy mà nhà nước vẫn không ngừng bòn rút, ngay cả những người cùng khổ, chạy từng cuốc xe ôm để kiếm sống. Câu thơ xưa “Bòn khố rách sắm dù, sơn kiệu. Hút máu dân làm rượu làm trà” đến bây giờ vẫn đúng.

Phải chăng nhà nước cộng sản Việt Nam đang cố bòn rút tận thu từ những anh em tài xế Grab để bù vào khoản lỗ hàng chục ngàn tỷ cho Vietnam Airlines?

Ủng hộ anh em Grab phản đối tăng thuế và tăng giá. Nhưng hãy phản đối cái nhà nước của cái đảng “quang vinh vĩ đại” đã ban hành cái nghị định 126/2020… Mong các bạn thành công đòi lại quyền lợi cá nhân của chính mình.”

Nhà quan sát Trần Thanh Cảnh cũng lấy thành ngữ “Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng” để nói về sự phân biệt đối xử của Chính phủ Việt Nam giữa tài xế công nghệ với Vietnam Airlines.

Ông viết:

Đánh thuế mấy ông Grab 10%.

Lấy tiền thuế của dân hỗ trợ ông Vietnam Airlines vài ngàn tỷ.

Rõ là như thế!

Vẫn biết là kinh doanh dịch vụ thì chỗ nào cũng nên đóng thuế. Bởi thuế là nguồn thu để nuôi nấng bộ máy chính quyền bảo hộ cho cuộc sống của dân. Nuôi quân đội bảo vệ chủ quyền đất nước.

Thế nhưng bòn mót từng cắc bạc lẻ của mấy ông Graber, xong rồi đem cả núi đi cho thằng con hư làm ăn lỗ lã tiêu xài thì… (chả còn gì để nói)”

Ảnh minh họa việc Chính phủ bòn thuế của giới cần lao mà ở đây là các tài xế công nghệ để bù đắp cho những đứa con bất tài là các tập đoàn nhà nước mà gần đây nhất hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua COVID-19

Facebooker Nguyễn Thùy Dương thì gọi tài xế công nghệ Grab là những “ông chủ” bị bỏ rơi.

Cô viết:

Mội tài xế chạy Grab được xem như một giám đốc doanh nghiệp riêng lẻ. Và mức thuế họ chịu bằng với mức thuế của một doanh nghiệp vận tải. Đúng là một niềm vui hiếm thấy, khi chỉ cần một bản xác minh lý lịch của địa phương, một chiếc xe máy, một cái điện thoại, một bộ đồ, 2 cái nón bảo hiểm, 2 triệu đồng ký quỹ, từ người tốt nghiệp Tiểu học cho đến Cử nhân Đại học đều có thể cùng nhau làm Giám đốc doanh nghiệp.

Các giám đốc doanh nghiệp này không được giảm trừ gia cảnh, không được trừ các loại thuế phí hao hụt, không có chế độ bảo hiểm, không có chế độ đãi ngộ.

Thật chua chát khi xe ôm, taxi công nghệ lại đóng thuế ngang với một doanh nghiệp vận tải, nhưng rõ ràng Luật quy định như vậy.

Nhìn kĩ lại, người chạy Grab đóng thuế còn nhiều hơn Thủ Tướng khi họ bị đánh thuế trên từng “cuốc” xe, trong khi, Thủ Tướng còn được giảm trừ bản thân 9 triệu đồng không đóng thuế. Nếu con Thủ Tướng còn nhỏ, thì có thể Thủ Tướng khỏi cần đóng thuế xu nào khi được giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc. Còn tài xế Grab, họ tự bỏ tiền mua phương tiện, tự chịu chi phí vận chuyển, tự chịu mọi rủi ro. Nhưng họ không được giảm trừ bản thân, giảm trừ gia cảnh, dù trong số họ, có những người mẹ già mất sức lao động, con thơ nhỏ dại.

Vấn đề đặt ra là gì? Luật là lằn ranh để duy trì trật tự xã hội, tận cùng của Luật là bảo vệ con người và tính nhân văn. Ở đây, Luật Thuế Việt Nam đã thiếu thực tế khi đánh thuế xe ôm, taxi công nghệ. Luật Thuế cần phải sửa chữa để phù hợp với hiện trạng xã hội, khi người chạy xe công nghệ đã quá cực khổ khó khăn, họ ở tầng lớp thu nhập thấp của xã hội. Nhưng khi đóng thuế họ lại được nâng tầm thành Giám đốc doanh nghiệp. Đãi ngộ không có, trách nhiệm lớn lao, thử hỏi có biến thành chuyện cười ra nước mắt hay không?”

Facebooker Hồ Hải thì bình luận: “Thuế bất động sản thì không đánh đi đánh thuế đứa trọc đầu như tài xế Grab là sao? Bản chất là gì?”

Ảnh chụp màn hình một phần của Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế

Nhà báo Đỗ Ngà thì gọi Nghị định mới của Chính phủ chẳng khác nào ăn cướp trắng trợn tiền mồ hôi nước mắt của người lao động chạy Grab.

Ông phân tích:

Mỗi cuốc grab, doanh nghiệp chiết khấu 20% còn lại 80% cho chủ phương tiện. Trước đây, mức thuế VAT mà chính quyền áp dụng cho loại dịch vụ vận tải ứng dụng công nghệ này được chia làm 2 phần, 3% đánh vào thu nhập của tài xế và 10% đánh vào phần chiết khấu thu về của doanh nghiệp. Với cách tính như vậy, nếu tính gộp lại trên tổng doanh thu của tài xế và doanh nghiệp thì nó tương đương 4,4% (tức 3%x0,8+10%x0,2 =4,4%).

Được biết, theo luật thuế giá trị gia tăng thì mức VAT được chia làm 3 mức: mức 0%, mức 5% và mức 10%. Hàng miễn thuế VAT được liệt kê theo từng loại, hàng chịu mức 5% cũng được liệt kê rõ ràng, còn lại thì phải chịu 10%. Có tổng cộng 14 loại hàng hóa được liệt vào loại chịu thuế VAT 5% thì Grab ở vị trí thứ 13 (Tức loại hình  dịch vụ, hoạt động về khoa học công nghệ ) với ứng dụng công nghệ vào kinh tế – xã hội. Vậy là với cách tính 2 phần, mức thuế của Grab tương đương 4,4% trên tổng doanh thu, mức này gần với 5% theo quy định của pháp luật.

Không biết vì lý do gì mà ngày 05/12/2020 chính quyền cộng sản bỗng dưng thay đổi cách tính VAT cho Grab, giờ tính 10% trên tổng doanh thu, còn lại giữa doanh nghiệp và chủ phương tiện tự tính với nhau. Từ 4,4% mà đẩy lên 10% là việc làm không thể chấp nhận được. Trường hợp này chính quyền cộng sản đã tăng mức thuế lên 220% so với mức thuế ban đầu mà không có lời giải thích thỏa đáng. Nếu chính quyền có tăng thì tăng từ 4,4% lên thành 5% chứ không thể đẩy lên mức 10% được.

Chính quyền yếu kém để xảy ra tham nhũng trăm tỷ ngàn tỷ tràn lan, rồi lại nuôi những đứa con cưng như EVN, Vietnam Airlines, Vinashine, Vinalines vv… để cho chúng ăn tàn phá hại rồi cuối cùng tăng thuế, thêm phí đổ hết những thứ đó lên đầu dân… Bản chất của cộng sản là vậy, ăn cướp bằng chính sách. Vì vậy, để bảo vệ mình chỉ có thể là đình công và biểu tình để đòi hỏi sự công bằng.”

Ông kêu gọi các tài xế Grab rằng: “Sẽ không có ai có thể lên tiếng cho quyền lợi của mình hiệu quả bằng chính mình làm việc đó. Các tài xế Grab, hãy mạnh mẽ đòi hỏi lẽ công bằng cho mình.”

Ảnh: Các tài xế Grab tắt ứng dụng và biểu tình với khẩu hiệu “Phản đối Grab tăng chiết khấu thuê VAT lên đối tác tài xế” hôm 07/12

Facebooker Liên Hương thì gọi đây là sự bóc lột công khai trong chế độ kinh tế thị trường định hướng xã nghĩa.

Bà cho rằng: Phu xe ôm là nghề nguy hiểm nhưng không có nghiệp đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Bị coi là “đối tác độc lập” nên người lao động không có quyền thành lập công đoàn lao động hay thương lượng hợp đồng.

Phu xe ôm không có mức lương tối thiểu, không bảo hiểm, không được kiểm soát giá cước, người mua và người bán không được mặc cả thỏa thuận với nhau, toàn bộ số tiền hãng thu về, làm quá 8 tiếng/ngày [48 tiếng/tuần] không được trợ cấp hay thù lao làm thêm giờ.

Tuy nhiên, bà cũng nêu lên những bất cập từ Grab. Bà viết: “Hãng gọi xe công nghệ tự nhận mình là bên cung cấp dịch vụ kết nối giữa hành khách và lái xe. Tuy nhiên, các hãng gọi xe thực hiện nhiều hoạt động không đúng với bản chất môi giới như thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức ăn chia, thưởng phạt với tài xế. Hãng không phải đóng nhiều loại thuế, không chi trả bảo hiểm xã hội và y tế, không chi tiền tăng ca hoặc lương tối thiểu.”

Bà lý giải nguồn gốc của tình trạng trên là do chất lượng yếu kém nguồn nhân lực trong hệ thống nhà nước Việt Nam hiện nay. Theo bà, không có gì khó hiểu khi nhân lực quản trị là một hệ thống mà bằng tại chức cũng như bằng chính quy và bằng đểu Đông Đô.

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường bình luận:

Hãy tưởng tượng, tài xế còn lại gì sau mức chiết khấu cắt cổ này!

Việc làm của Grab, đích thị là kiểu “sống chết mặc bây”, tròng thêm ách vào cổ người thống khổ. Hãy nhớ rằng, Grab là một tập đoàn lớn, họ hoàn toàn có thể khấu trừ VAT bằng một loạt các chi phí đầu vào. Thậm chí, có thể cân bằng về mức gần bằng 0 để không phải chịu thuế.

Đánh VAT bằng chiết khấu, có thể gọi Grab là té nước theo mưa, qua ruộng dưa sửa giày, qua vườn đào sửa nón.

Còn những graber lấm lem này, họ không có cách nào kê chi phí đầu vào. Mua xe, sửa xe, đổ xăng, quần áo, một ổ bánh mì buổi sáng, một dĩa cơm thêm buổi trưa… đều phải ngậm ngùi tự chịu.”

Ảnh: Các tài xế GrabBike vây kín trước cửa trụ sở Grab ở ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thùy Dương còn nhìn thấy từ sự việc này một “nỗi nhục quốc thể” khi nhìn nhận rằng người chạy Grab một ách, n tròng ngay trên chính đất nước của mình, vừa bị “chém đẹp” để nuôi một tập đoàn nước ngoài Grab phình trướng ra vừa phải còng lưng đóng thuế nuôi Ngân sách?

Cô phân tích:

Grab chỉ là công ty môi giới cho các “Giám đốc doanh nghiệp tự thân“(tài xế chạy Grab) với khách hàng thông qua phần mềm ứng dụng GrabBike. Trước và sau khi có Nghị định 126 thì Grab đều thu 20% giá trị mỗi cuốc xe của đối tác tài xế và gọi là phí môi giới.

Hiện nay, Việt Nam không có bất kì biện pháp chế tài nào, bất kì Luật nào bảo vệ người chạy xe công nghệ; không có quy định cụ thể về phí môi giới, % môi giới cho lĩnh vực Giao thông vận tải công nghệ nên Grab đã tự tung tự tác mặc sức ra giá cho phí môi giới cao ngất ngưởng như vậy.

Grab – một công ty đa quốc gia, một doanh nghiệp ngoại lai đã bắt được cái thóp yếu kém về Luật của chính những nhà làm luật tại Việt Nam để giúp họ phát triển thần tốc miễn phí. Một mặt, Grab tăng các chương trình khuyến mãi để mở rộng thị trường, một mặt khác, Grab thu mua Uber. Mở rộng thị trường cần chi phí cao, thu mua Uber cũng cần rất nhiều tiền. Cho nên, Grab sẽ né được kha khá tiền thuế tại thị trường Việt Nam, tiền thay vì đóng thuế được Grab dùng để phát triển thị trường.

Người chạy Grabbike vừa nuôi Grab để Grab phát triển lớn mạnh tại Việt Nam, vừa phải đóng thuế Gía Trị Gia Tăng và Thuế Thu Nhập Cá Nhân. Vậy có phải, công dân Việt Nam bị bóc lột ngay trên chính Đất nước của mình bằng cái khôn của kẻ ngoại lai.

Còn chính quyền sau bao nhiêu năm vinh quang vẫn phải trơ mắt nhìn Grab “tác nghiệp” mà không hề có phương thức đối kháng nào để bảo vệ quyền lợi của người chạy GrabBike?

Cô Thùy Dương kết luận: Đau, không nỗi đau bằng nỗi đau bị bỏ rơi ngay trên chính Đất nước mình. Nhục, không nỗi nhục nào bằng nỗi nhục một Chính quyền thua một doanh nghiệp cù bất cù bơ, rồi trơ mắt ếch nhìn nó bóp cổ dân mình, dân thì lại không có quyền lựa chọn vì gánh nặng mưu sinh.

Ngoi ngóp trong khổ cực nắng mưa chưa đủ, lại được ưu ái đánh thuế bằng thuế Giám đốc doanh nghiệp vận tải. Khi nào Luật Thuế chưa có quy định cụ thể về đánh thuế vận tải công nghệ, lúc đó không nên áp thuế với các bác tài chạy xe công nghệ. Bởi lẽ, đã không bảo vệ được dân tốt hơn, thì đừng dùng danh nghĩa Nhân dân để uống máu Nhân dân.

Ảnh: Tài xế Grab tập trung trước cửa Đài truyền hình Việt Nam trưa 7/12 để mong cơ quan truyền thông lên tiếng “đòi” quyền lợi cho họ

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Bộ Công An tấn công – Dr. Thanh chống đỡ

>>> Nguyễn Phú Trọng quyết “chặn đường” quan chức thời Nguyễn Tấn Dũng

>>> Đạp nhau trước Đại Hội – Nguyễn Đức Chung rơi xuống hố sâu

Bắt phó tổng giám đốc công ty Tân Thuận – Lửa lan đến nhà Tất Thành Cang

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023