Chống lại N.P. Trọng – Đinh La Thăng thẳng thừng bác bỏ cáo trạng

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=-VMmnzSme4U

Trong ngày thứ 3 xét xử sơ thẩm 2 cựu lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng 18 bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại 725 tỉ đồng cho Nhà nước tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương tức ngày 16/12 vừa qua, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định cáo trạng truy tố ông cũng như  lời khai của các bị cáo khác trước đó có nhiều điểm không đúng.

Ông Đinh La Thăng khẳng định cáo trạng suy đoán không có căn cứ đối với trách nhiệm của ông trong vụ án này.

Khi được chủ tọa hỏi về nội dung cáo trạng đã truy tố ông, ông Đinh La Thăng cho biết cáo trạng nêu 6 nội dung, chỉ có 1 nội dung đúng một phần, còn lại không đúng.

Cáo trạng đúng một phần, khi đề cập ông là Bộ trưởng, người đứng đầu Bộ GTVT, phải chịu trách về toàn bộ các hoạt động của ngành.

Bị cáo Đinh La Thăng trình bày: “Nhưng chỉ đúng một phần là tôi chịu trách nhiệm về mặt chính trị, hành chính nhưng nói tôi chịu trách nhiệm luôn về hình sự thì tôi không chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, để tai nạn giao thông tăng thì trách nhiệm của Bộ GTVT là trước Quốc hội, chính phủ. Nhưng một vụ tai nạn giao thông cụ thể xảy ra thì không thể quy trách nhiệm hình sự cho tôi được.”

Ông Thăng chỉ ra “5 phần sai” của cáo trạng được truyền thông trong nước cụ thể là Báo Thanh niên đăng tải như sau.

Thứ 1, Bộ GTVT có nhiều dự án và thời ông Thăng làm Bộ trưởng có 6 thứ trưởng và được phân công nhiệm vụ cụ thể, phụ trách theo từng lĩnh vực và các dự án cụ thể. Vì vậy, thứ trưởng chuyên trách là người chỉ đạo xuyên suốt, không phải ông.

Ảnh 1: Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại 725 tỉ đồng cho Nhà nước tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Theo ông Đinh La Thăng: “Quy cho tôi vai trò trách nhiệm là chỉ đạo xuyên suốt là không đúng”. Theo ông Thăng, cả dự án ông chỉ ký 2 văn bản và chỉ đạo 1 văn bản thì không thể gọi là chỉ đạo xuyên suốt.

Ông trình bày: “Tháng 08/2011, tôi ký 1 văn bản trình thủ tướng về việc đồng ý tiếp nhận lại dự án sau khi Công ty CP BIDV trả lại, không tiếp tục đầu tư; tháng 10/2013, tôi mới ký tiếp QĐ thành lập hội đồng bán đấu giá; còn một cái chỉ đạo là đến tháng 06/2015, anh Thể (Nguyễn Văn Thể – thời điểm đó là Thứ trưởng Bộ GTVT, nay là Bộ trưởng Bộ GTVT) có trình tôi văn bản về việc chậm thanh toán của Công ty Yên Khánh. Và tôi bút phê ngay trong đó, đề nghị anh Thể chỉ đạo các bên làm đúng theo hợp đồng đã ký, đúng quy định pháp luật.”

Thứ 2, về trách nhiệm phân công nhiệm vụ, ông Thăng trình bày không phân công trực tiếp bất kỳ một thứ trưởng nào mà căn cứ lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công thì các thứ trưởng cứ thực hiện. “Tôi không gọi anh Trường lên bảo là anh tiếp nhận lại dự án này. Còn cáo trạng nói tôi giao cho dự án cho Tổng công ty Cửu Long là không đúng. Tôi không giao, mà thứ trưởng giao.”

Thứ 3, về mối quan hệ, ông Thăng khẳng định tất cả những lời khai trong hồ sơ và tại phiên tòa khẳng định ông tác động là không đúng.

Thứ 4, về số tiền 725 tỉ đồng, ông Thăng nói “đây là thuộc 1 vụ án khác, tôi không thể chịu trách nhiệm vì đây là hành vi gian dối để trốn doanh thu“. Tuy nhiên, ông Thăng không nêu cụ thể dự án nào.

Thứ 5, theo ông Thăng, đây là dự án đấu giá, vì vậy việc triển khai phải dựa vào các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, không thể lấy quy định về đấu thầu vào dự án này. Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh đấu thầu và đấu giá khác nhau đồng thời kết luận: “Vì vậy cáo trạng hành vi của tôi và các bị cáo thuộc Bộ GTVT là vi phạm thông tư hướng dẫn về đấu thầu là không đúng.”

Ảnh 2: Ông Đinh La Thăng, cựu Bí thư TP HCM, nguyên Bộ trưởng GTVT bàn giao công việc cho tân Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa ngày 12/04/2016

Đồng thời, ông Thăng cũng khẳng định lời khai của các bị cáo khác trước đó cũng có nhiều điểm không đúng.

Điểm thứ nhất ông Thăng chỉ ra là việc ông Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT) khai mọi văn bản do ông này ký đều gửi ông Thăng ‘là không đúng’.

Ông Thăng dẫn ra nhiều văn bản ông Trường ký mà không gửi cho mình, trong đó có văn bản trả lời của Thủ tướng việc đồng ý để Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án.

Ông Thăng nói ông không biết có văn bản này. Ông cũng không nhận được quyết định về giá tài sản và quyết định đơn vị trúng đấu giá và hợp đồng hai bên ký.

Ông Thăng khẳng định trong dự án này, ông không trực tiếp chỉ đạo mà đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường.

Điểm thứ hai là về nội dung ông Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cửu Long, đơn vị tiếp nhận bàn giao việc bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương) khai ông Thăng quen biết ông Hệ nên giới thiệu.

Ông Thăng khẳng định không có quan hệ họ hàng, kinh tế hay chính trị gì với Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc“), chỉ đơn giản là biết nhau như những người quen biết khác và không có gì đặc biệt

Ông Thăng chỉ rõ: “Tại các bản khai trong hồ sơ và tại phiên tòa, bị cáo Minh và Hệ đều khẳng định tôi không giới thiệu Hệ hay Công ty Yên Khánh tiếp cận và tham gia dự án bán quyền thu phí cao tốc; như anh Minh khai tại tòa, tháng 8.2012 thì Tổng công ty Cửu Long mới được giao dự án thì không lý gì tháng 2.2012 tôi đã gọi điện cho anh Minh để nói về dự án cả; dự án này là đến 10.2013 vẫn là dự án thuộc Bộ GTVT quản lý và Bộ ra quyết định thành lập hội đồng (HĐ) bán đấu giá. Như vậy toàn quyền về dự án là Bộ GTVT và thành viên HĐ bán đấu giá là 7 người, trong đó anh Minh chỉ là một thành viên. Và như anh Minh khai, anh Minh cũng không có vai trò gì. Vì vậy, không có lý do gì để gọi cho anh Minh cả.”

Ảnh 3: Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Hồng Trường khi còn đương chức tham dự lễ khởi công một dự án tại Hải Dương ngày 03/01/2015

Về cáo buộc gọi điện cho bị cáo Dương Tuấn Minh, ông Đinh La Thăng khẳng định có gọi nhưng là cuộc gọi giữa cấp trên cấp dưới, không phải là để giới thiệu.

Ông Thăng cho rằng ông Minh đã thay đổi lời khai khi lập luận trong quá trình điều tra “anh Minh từng khai tháng 04/2012, tôi có gọi điện cho anh Minh về nội dung giới thiệu Công ty Thái Sơn này kia, nhưng đến tháng 08/2012, trong phiên đối chất, anh Minh thay đổi lời khai rằng tháng 02/2012, như theo cáo trạng đề cập. Theo tôi được biết, là sau khi có danh sách điện thoại CQĐT cho xem thì anh Minh mới đổi thời khai. Vì tháng 04 không có cuộc gọi nào cả. Tôi xin lỗi anh Minh, tôi không có ý gì xúc phạm anh Minh cả nhưng thực tiễn như vậy nên tôi xin diễn giải ra. Một vấn đề nữa là anh Minh nói anh Út (tức Đinh Ngọc Hệ – PV) mang rượu đến sau khi cuộc gọi. Thì hôm qua, cả Út và Minh đều khai là đến Công ty Cửu Long trước phiên đấu giá. Và Út khai biết về dự án sau khi đài truyền hình đăng thông tin về dự án là hoàn toàn logic.”

Ông Đinh La Thăng nói: “Tôi khẳng định cáo trạng đề cập tôi vì mối quan hệ với người này người kia mà làm việc nọ việc kia là không đúng. Cáo buộc này mang tính suy diễn, quy chụp. Để từ đó quy trách nhiệm cho tôi là hoàn toàn sai sự thật, không đúng.”

Trước đó, hôm 15/12, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cũng đã phủ nhận nhiều nội dung cáo trạng và khẳng định không nhờ ông Đinh La Thăng giới thiệu với đại diện Công ty Cửu Long.

Ảnh 4: Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại 725 tỉ đồng cho Nhà nước tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương có vốn ngân sách nhà nước nên việc bán quyền thu phí là bán tài sản của nhà nước và số tiền thu được từ việc này là tài sản nhà nước.

Bộ GTVT được Thủ tướng chính phủ giao là đơn vị chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí để hoàn trả ngân sách đầu tư cho dự án.

Ông Thăng, khi đó là Bộ trưởng Bộ GTVT, ‘xuất phát từ động cơ cá nhân’, đã gọi điện cho ông Dương Tuấn Minh – Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long – để giới thiệu ông Đinh Ngọc Hệ và tạo điều kiện cho công ty của ông Hệ trúng thầu.

Ông Hệ đã làm hồ sơ gian dối, báo cáo tài chính hai công ty con liên quan từ thua lỗ thành lãi để trúng thầu.

Sau khi trúng thầu, ông Hệ bị cáo buộc gian dối về doanh thu, can thiệp trái phép vào phần mềm quản lý của Bộ GTVT để chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Ông Thăng, ông Hệ, ông Trường, cùng một số cán bộ khác dưới quyền ông Thăng bị cáo buộc làm thiệt hại tài sản nhà nước 725 tỷ đồng trong dự án đường cao tốc Trung Lương.

Phiên tòa xét xử 2 cựu lãnh đạo Bộ GTVT và 18 bị cáo khác trong vụ án sai phạm tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương dự kiến kéo dài từ 14-25/12/2020.

Ảnh 5: Cao tốc TPHCM – Trung Lương

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Đinh La Thăng hầu tòa, báo chí réo tiếp Nguyễn Văn Thể

>>> Việt Nam: ‘Cân bằng Bắc – Trung – Nam’ có còn quyết định việc chọn Tứ trụ?

>>> Hội nghị Trung Ương 14: Vẫn chờ “trường hợp đặc biệt”?

Lo vỡ đại hội – Tô Lâm cho bắt nhà báo Trương Châu Hữu Danh

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023