Covid: Thủ tướng Việt Nam phê bình tỉnh Kiên Giang làm dư luận xôn xao

Link Video: https://youtu.be/4-wKmOywYlQ

“Ông nào cứ nói trong phòng ra, ông nào nắm được thì ra báo cáo, việc gì cứ phải nhắc?”

Đó là lời Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phê bình tỉnh Kiên Giang chống dịch Covid-19, tại Cuộc họp trực tuyến ngày 13/9/2021.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 26 huyện, thành phố, thị xã và 317 xã, phường, thị trấn thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang.

Phần Thủ tướng phê bình Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, được VTV phát chính thức, đã khiến người dân Việt Nam tỏ ra quan tâm trên mạng xã hội.

‘Cứ lơ mơ lơ mơ’

Trong đoạn clip của VTV, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Ví dụ ngày hôm qua trong cộng đồng các anh xét nghiệm, ra bao nhiêu ca? Các đồng chí phải rất cụ thể, cứ lơ mơ lơ mơ làm sao chỉ huy được?”

Có tiếng trả lời rằng có 154 ca.

Thủ tướng không hài lòng: “Ông nào cứ nói trong phòng ra, ông nào đó nắm được thì ra báo cáo, việc gì cứ phải nhắc?”

Sau khi Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình nhắc lại con số 154 ca, Thủ tướng hỏi tiếp: “Ở đâu?”

Đoạn clip của VTV cho thấy ông Bình lúng túng tìm tài liệu, và nói “không nhớ nổi“.

Tôi đã gọi điện cho anh nhiều lần rồi anh Bình. Tôi nói là anh phải kiểm soát hàng ngày để anh xem là cái tốc độ trong cộng đồng tức là cái số trong cộng đồng tăng hay giảm. Hiện nay anh tiến hành xét nghiệm đã đúng như hướng dẫn của Bộ Y tế chưa…”

Tỉnh anh từ chỗ xanh rờn bây giờ đỏ quạch…” ông Phạm Minh Chính nói.

Bộ Y tế cho biết, tại Kiên Giang, hiện có 7 huyện có nguy cơ rất cao, 3 huyện có nguy cơ cao và 5 huyện đang ở trạng thái bình thường mới.

Tại cấp xã, có 20/144 xã có nguy cơ rất cao, 32/144 xã có nguy cơ cao, 1/144 xã có nguy cơ và 91/144 xã ở trạng thái bình thường mới.

Tại Tiền Giang, từ ngày 29/6/2021, trung bình có 190 ca/ngày, cao nhất là 234 ca/ngày. Trong 7 ngày qua, Tiền Giang ghi nhận 1.139 ca, trong đó có 138 ca ghi nhận tại cộng đồng.

Theo trang web Chính phủ, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, qua gần 2 tháng thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, Kiên Giang và Tiền Giang “đã có rất nhiều cố gắng, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, kết quả chưa được như mong muốn và dự báo tình hình có thể phức tạp hơn“.

Về nguyên nhân, theo ông Phạm Minh Chính, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo “một số nơi chưa nắm chắc, chưa quán triệt đầy đủ các chủ trương, giải pháp; việc nắm tình hình và dự báo tình hình chưa sát; tổ chức thực hiện bị động, lúng túng, không chặt chẽ, chưa khoa học, chưa phù hợp diễn biến dịch bệnh tại địa phương; còn có những bất cập trong quản lý cách ly, di chuyển, điều trị…”

Cuộc họp trực tuyến ngày 13/9/2021

Phản ứng của Kiên Giang?

Sau cuộc họp trực tuyến, Bí thư Kiên Giang Đỗ Thanh Bình được phóng viên báo Tiền Phong hỏi vì sao lại lúng túng trước các số liệu, ông Bình nói: “Bây giờ anh (PV Tiền Phong) lấy báo cáo của Kiên Giang xem sẽ rõ hết“.

Cũng liên quan phiên họp trên, một lãnh đạo UBND tỉnh – người có mặt cạnh Bí thư Tỉnh ủy, thanh minh với báo Tiền Phong: “Hỏi chi tiết là chết dở rồi. Tôi ngồi cạnh anh Bình Bí thư, cũng nhắc anh ấy, xin phép không báo cáo chi tiết, chỉ đạo chung thôi“.

Theo vị này nói: “Mình có số liệu lớn, dài ngày thôi, chứ hỏi mấy giờ có ca nào không, làm sao tôi trả lời nổi. Mình nắm hết, nhưng chi tiết sao nhớ nổi. Số liệu mấy ngày qua lớn như thế, tôi theo dõi hàng ngày nó giảm bao nhiêu phần trăm. Nếu hỏi các anh có nhớ nổi không“.

Vị này nói thêm: “Mình rất buồn, như học trò trả bài“.

Còn theo báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Phong, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, nói sau cuộc họp: “Kiên Giang đề ra lộ trình hành động mới, nhanh chóng, hiệu quả để đáp ứng với tình hình mới trong phòng chống dịch.”

Kết luận cuộc họp hôm 13/9, ông Phạm Minh Chính nói: “Rất mong các tỉnh, các huyện, các xã đánh giá lại, phát huy những việc làm tốt, rút kinh nghiệm những việc chưa làm tốt, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để làm tốt hơn. Chủ trương, biện pháp đã đầy đủ, tôi nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện thật tốt từ tỉnh tới huyện, xã và thôn, ấp, tổ dân phố…, các bộ ngành phối hợp, giúp đỡ để 2 tỉnh thực hiện được mục tiêu của mình trong phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.”

Bình luận trên báo chí

Tờ Tuổi Trẻ Thủ đô bình luận: “Thiết nghĩ, điểm tử huyệt trong phòng chống dịch lại vẫn là con người, là lãnh đạo. Tình huống sát hạch của Thủ tướng ngay trên diễn đàn trực tuyến là tiếng chuông cảnh tỉnh để cho lãnh đạo địa phương bừng tỉnh, cần sâu sát, nắm rõ thông tin, tình hình dịch bệnh tại địa phương. Chỉ khi đó, các chỉ đạo điều hành phòng chống dịch mới thực sự hiệu quả, hiệu lực, mới đúng và trúng mục tiêu, trọng tâm trọng điểm. Còn không, cứ “lơ mơ” như các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang thì công cuộc chống dịch kém hiệu quả, thậm chí là thất bại là điều dễ hiểu.”

Báo Tuổi Trẻ cho rằng: “Để chống dịch, chúng ta đã đánh đổi bằng tạm ngừng sản xuất, hạn chế đi lại, giãn cách hàng tháng trời. Khi cả vùng nỗ lực để thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh thì việc một hai tỉnh do lơ là chống dịch mà đổ dốc, xuống hạng, xanh chuyển sang đỏ là không thể chấp nhận.”

Còn báo Dân Trí trích dẫn một đoạn phân tích của Thủ tướng: “Tôi hỏi chi tiết để thấy sự lúng túng của các cấp lãnh đạo địa phương. Chính sự lúng túng này cho thấy mặc dù giãn cách, rồi tăng cường giãn cách cứ kéo dài mãi nhưng biện pháp để làm gì, chặn dịch thế nào trong mỗi lần giãn cách đó, mục tiêu để đạt được gì thì địa phương lại không nêu ra được.”

Ngun: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58558677