Đảng dẹp bỏ bất đồng chính kiến

Báo chí nhà nước hôm 2/2 vừa công bố thông tin “bắt tạm giam cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển Sena” – ông Nguyễn Sơn Lộ với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

“Bắt tạm giam cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển Sena”

Ông Nguyễn Sơn Lộ sinh năm 1948, đã bị khởi tố trước đó vào ngày 27/07/2022, nhưng cho tại ngoại vì già yếu và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nói về vụ bắt bớ này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cho RFA biết, ông Lộ thường viết sách để kiến nghị với lãnh đạo Đảng về những lĩnh vực như kinh tế và văn hóa. Rõ ràng, những điều ông Lộ góp ý là những điều mà Đảng không muốn nghe, và vì vậy mà ông bị bắt.

Trước đó, ngày 16/12/2022, ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện PLD đã bị bắt. Tiến sỹ Giao, sinh năm 1954, là một luật sư, một nhà phản biện nổi tiếng. Trước khi bị bắt, ông đã chủ trì một hội thảo về góp ý cho việc sửa đổi Luật đất đai, mà Luật đất đai này vốn là một trong những “tử huyệt” của Đảng. Hồi đầu năm 2020, ông còn “to gan” hơn khi dám lên tiếng yêu cầu lập “ủy ban độc lập” để điều tra về vụ đột kích của lực lượng vũ trang vào xã Đồng Tâm đêm rạng ngày 09/01/2020. Như vậy, ông Giao bị bắt vì “dám” đụng vào những “tử huyệt” của Đảng.

Bà Ngụy Thị Khanh sinh năm 1976, một người được mệnh danh là “anh hùng môi trường”, bị bắt ngày 9/2/2022. Bà Khanh là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Môi trường Goldman vào năm 2018, vì đã có những đóng góp cho việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Bà Khanh “dám” đụng đến vấn đề môi trường, nghĩa là đụng đến những sân sau của quan chức, hoặc những doanh nghiệp có mối quan hệ lằng nhằng với quan chức Đảng, vì vậy mà bà bị bắt.

Cả ông Giao và bà Khanh đều bị khởi tố về tội trốn thuế. Đây là một tội danh mà Việt Nam thường sử dụng để đàn áp những tiếng nói đối lập.

Giai đoạn 2021 – 2022, một số người bất đồng chính kiến đã bị bắt chỉ vì dám nói lên những vấn nạn xã hội, như: thầy giáo Đặng Đình Phước ở Đắk Lắk; Nguyễn Như Phương (hay còn gọi là Phương Hàng Nhật); Đinh Văn Hải ở Bà Rịa Vũng Tàu… Đây đều là những cá nhân đơn lẻ không thuộc nhóm, tổ chức nào.

Thông tin về vụ bắt nhóm Báo Sạch

Trước đó, giai đoạn 2019 – 2020, nhiều nhóm xã hội dân sự không được cấp phép đã bị bắt, bị khởi tố, như Hội nhà báo độc lập, Báo Sạch…

Ba thành viên của Hội Nhà báo độc lập bị bắt, bị kết án là các ông: Phạm Chí Dũng, sinh năm 1966, là Chủ tịch Hội; ông Nguyễn Tường Thụy, sinh năm 1952, là Phó Chủ tịch Hội; ông Lê Hữu Minh Tuấn, sinh năm 1989, là thành viên Hội.

Năm thành viên của nhóm Báo Sạch bị bắt, bị khởi tố, gồm: Trương Châu Hữu Danh, sinh năm 1982; Nguyễn Phước Trung Bảo, sinh năm 1982; Đoàn Kiên Giang, sinh năm 1985; Nguyễn Thanh Nhã, sinh năm 1980; và Lê Thế Thắng, sinh năm 1982.

Vào tháng 10/2020, nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang bị bắt. Bà Trang là một sáng lập viên và biên tập viên của Luật khoa tạp chí, một trang báo mạng có trụ sở tại Đài Loan và thường xuyên có những bài phản biện sâu sắc về những vấn đề mang tính cốt lõi đối với chế độ như: thể chế, đất đai, Biển Đông, môi trường… trên quan điểm phân tích và so sánh luật Việt Nam với quốc tế. Bà Trang còn có nhiều cuốn sách được Nhà xuất bản Tự Do xuất bản và phát hành. Đây là một nhà xuất bản không được cấp phép, không chịu kiểm duyệt và bị chính quyền truy đuổi, đàn áp ráo riết vào năm 2019 – 2020 vì những cuốn sách phổ biến những kiến thức đi ngược với chủ trương của Đảng.

Nhà xuất bản này có một cộng tác viên bị bắt vào cuối năm 2019, chỉ vì “dám” đi giao sách cho bạn đọc, đó là anh Nguyễn Bảo Tiên, sinh năm 1986, ngụ ở Tuy Hòa.

Như vậy, có thể thấy, giai đoạn từ 2019 kéo sang đầu 2021, việc đàn áp bất đồng chính kiến của Việt Nam nhắm vào các nhóm, các tổ chức đối lập ôn hòa.

Ở giai đoạn xa hơn, 2017 – 2018, những nhóm, những tổ chức bị bắt là các nhóm bạo động hoặc có xu hướng bạo động.

Vụ đặt bom ở sân bay Tân Sơn Nhất của nhóm Đặng Hoàng Thiện

Nhóm của Đặng Hoàng Thiện, dưới sự dẫn dắt của Lisa Phạm và Đào Minh Quân ở Mỹ, đã dự định đặt bom tấn công sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp 30/4/2017. Nhóm này còn đốt kho xe tang vật của Công an Biên Hòa. Nhóm này nhanh chóng bị bắt sau đó và bị kết án vào tháng 06/2018.

Cũng tháng 06/2018, nhóm của Nguyễn Khanh chịu sự dẫn dắt của ông Ngô Hùng ở Canada, đã cho nổ bom tại trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, TP. HCM.

Trong giai đoạn 2017 – 2018, các nhóm, các cá nhân có xu hướng bạo động nổi lên như nấm sau mưa. Không rõ vì sao lại có hiện tượng này, nhưng một số nhà hoạt động cho rằng, có lẽ có hiện tượng này là do người Việt tin tưởng vào quyết tâm chống Cộng, chống Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa đắc cử cuối năm 2016.

Tìm hiểu lộ trình đàn áp của Việt Nam đối với giới bất đồng chính kiến từ 2017 đến nay, có thể nhận ra, lộ trình này đi theo hướng: bắt bạo động trước, bắt ôn hòa sau; bắt, dẹp bỏ các tổ chức trước, bắt bớ cá nhân sau; bắt bất đồng không chịu sự quản lý của nhà nước trước, bắt bất đồng chịu sự quản lý sau.

Cuối cùng, Đảng sẽ từ từ từng bước để dọn dẹp bằng hết bất kỳ ai có tư tưởng, quan điểm khác với Đảng. Mối nguy lớn hơn thì Đảng dọn trước, mối nguy nhỏ hơn thì Đảng dọn dẹp sau. Để không còn bất kỳ ai dám nuôi dưỡng tư tưởng thay đổi chế độ, thay đổi xã hội theo hướng dân chủ hóa, văn minh hóa.

 

Chúc Anh – thoibao.de (Tổng hợp)

 

 

Kasse animation 7.8.2023