Hàn Quốc lại hạn chế tuyển lao động ở một số địa phương do cư trú bất hợp pháp

Link Video: https://youtu.be/_sjkV2M_ooc

Ngày 10/3, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra thông báo tiếp tục tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS), truyền thông nhà nước loan tin.

Theo thông báo này, có 8 huyện bị dừng tuyển chọn, đó là, huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); thành phố Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Tám huyện này từng bị dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc vào năm 2022.

Lý do của việc dừng tuyển chọn này, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là các địa phương này không giảm được tình trạng trốn ở lại sau khi hết hạn hợp đồng lao động.

Căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022, việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên, và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Việc tạm dừng tuyển chọn lao động này, không áp dụng đối với ngành ngư nghiệp, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn, và người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhưng đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian phía Hàn Quốc thực hiện miễn xử phạt. Truyền thông nhà nước cho hay.

Tình trạng lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng nhưng trốn ở lại bất hợp pháp, chứ không chịu về nước, đã diễn ra trong nhiều năm qua tại Hàn Quốc. Nguyên nhân của thực trạng này thì quá dễ hiểu, nó là do sự chênh lệch quá lớn về thu nhập. Nhà nước Việt Nam gọi vấn đề này là “nhức nhối”, nhưng giải pháp của họ chỉ có xoay quanh “vận động”, “khuyên nhủ”, “giáo dục tư tưởng”… chứ không có biện pháp cụ thể mang tính cưỡng chế hoặc biện pháp giải quyết vấn đề dân sinh.

Năm nào Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đều phải ra thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc, tương tự như thông báo mới này.

Hình: Truyền thông nhà nước đưa tin

Việt Nam coi Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực chủ yếu như sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp…

Đầu tháng 1/2023, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã có thông báo áp dụng mức lương tối thiểu cho năm 2023 đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc. Theo đó, mức lương tối thiểu mỗi giờ là 9.620 won, tính theo tháng là 2.010.580 won. Mức lương này tăng 5% so với năm 2022, tương đương trên 37,3 triệu đồng/tháng, áp dụng đồng nhất trong tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng cho phép kéo dài thời gian làm việc của lao động nước ngoài. Cụ thể, nếu lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian làm việc ở doanh nghiệp cũng như những yêu cầu nhất định, có thể được kéo dài thời hạn cư trú đến 10 năm mà không phải về nước.

Nhà cầm quyền Việt Nam coi việc xuất khẩu lao động là “quốc sách”, tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu, nhà trí thức và dân chúng coi chính sách này là “quốc nhục”. Việc nhiều người Việt Nam phải trốn chui trốn lủi để được ở lại xứ người, được có cơ hội kiếm thêm thu nhập, cho đến khi bị cảnh sát sở tại bắt được và trục xuất về Việt Nam, không phải là vấn đề “nhức nhối”, mà là “nhục nhã”.

Tại sao thanh niên Việt không có được cơ hội làm giàu trên quê hương mình, mà phải chịu nhục nơi xứ người?

Vấn đề không nằm ở từng cá nhân, họ cũng chỉ là nạn nhân, vấn đề nằm ở bộ máy chính quyền, nằm ở thể chế chính trị của đất nước này.

Chỉ khi nào chính quyền thực sự do người dân bầu ra thông qua các kỳ bầu cử thật sự tự do và công bằng, chính quyền đó mới thực sự đại diện cho dân, nói tiếng nói của dân, đau nỗi đau của dân, thì khi đó, Việt Nam mới có cơ hội thoát nghèo.

Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Cạn tiền, ế hàng, Vượng Vin muốn buông VinFast?

>>> Lê Trương Hải Hiếu buông “khối chì” Lê Thanh Hải vớ “phao” Võ Văn Thưởng?

>>> Trò chơi “thay ngựa giữa dòng”, búa tạ ông Tổng đánh nát “chuột”?

Kế hoạch xây nhà máy của VinFast tại Mỹ đã lùi lại