Link Video: https://youtu.be/hzJeswl_MvM
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm Liên bang Nga trong 3 ngày, từ ngày 20 đến ngày 22/3.
Bình luận về sự kiện này, ngày 23/3, trang tin VOA Tiếng Việt có bài “Kết quả cuộc gặp Putin – Tập”. Trong khi đó, RFI Tiếng Việt đánh giá “Đến thăm “bạn” ở Nga, Tập Cận Bình thách thức Hoa Kỳ”.
Về cuộc chiến Ukraine, VOA cho biết, ông Putin nói rằng, ông ủng hộ giải pháp hòa bình của Trung Quốc, dù biết rằng nó sẽ không đi đến đâu. Đề nghị về hòa bình của Trung Quốc không nhắc tới việc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Nga biết rằng, Ukraine sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nếu không khôi phục được toàn bộ lãnh thổ đã bị chiếm.
Nga và Trung Quốc có cùng quan điểm chống Mỹ và NATO, do đó, bản tuyên bố chung từ cuộc gặp này lên án các chế tài đơn phương, đề cập đến việc NATO vũ trang cho Ukraine và việc phương Tây giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nga.
Theo VOA, điểm mấu chốt là ngôn ngữ của Hội nghị thượng đỉnh này đã được thống nhất, phù hợp với mục đích của ông Putin, cho phép ông tiếp tục chiến đấu, trong khi nói rằng, ông sẵn sàng đàm phán hòa bình.
RFI thì dẫn lời ông Alexander Korolev, chuyên gia Quan hệ Quốc tế trường Đại học New South Wales tại Úc, nhận xét:
“Thông qua hợp tác kỹ thuật quân sự chặt chẽ và qua chuyến thăm này ở vào một thời điểm quan trọng, tôi nghĩ rằng Tập Cận Bình đang gởi đi một tín hiệu: “Hãy xem, nếu quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu, thì tôi cũng không đơn độc. Tôi còn có một người bạn quan trọng và Nga là một đối tác quyền lực lớn duy nhất của Trung Quốc”. Ở đây, có một kiểu vị trí dự phòng cho Trung Quốc trong kịch bản đó. Do vậy, điều này cũng giải thích vì sao Bắc Kinh vẫn luôn thân thiện với Nga bất chấp cuộc chiến xâm lược Ukraina.”
Về vấn đề khí đốt, VOA cho biết, Hội nghị thượng đỉnh đã không mang lại kết quả mà Nga mong muốn, để bơm thêm 50 tỷ mét khối khí đốt hàng năm của Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Có hai vướng mắc có thể xảy ra trong vấn đề khí đốt, đó là: ai sẽ xây dựng đường ống dài 2.600 km và khí đốt sẽ được định giá như thế nào.
VOA cho rằng, Trung Quốc đang ở vị trí thuận lợi vì Nga cần thị trường Trung Quốc để bù đắp cho sự sụp đổ của thị trường châu Âu, từng chiếm đến 80% xuất khẩu của họ.
Điểm mấu chốt trong vấn đề này, theo VOA, đó là Nga vẫn đang chờ đợi một thỏa thuận và Trung Quốc có đòn bẩy mạnh mẽ để đảm bảo các điều khoản về giá có lợi.
Về mối quan hệ Trung – Nga, VOA đánh giá, chuyến thăm của ông Tập là một lực đẩy kịp thời cho ông Putin, vì nó diễn ra chỉ sau ba ngày, sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế cáo buộc Putin về các tội ác chiến tranh ở Ukraine. Nó chứng tỏ rằng, bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Putin, thì ông ta vẫn có sự hậu thuẫn của một người bạn quyền lực, người có cùng quan điểm phản đối ý tưởng về một “thế giới đơn cực” do Hoa Kỳ thống trị.
Mối quan hệ này ràng buộc ông Tập Cận Bình với ông Putin theo cách có nghĩa là, bất kỳ thất bại nào của ông Putin ở Ukraine cũng sẽ gây tổn hại cho nhà lãnh đạo Trung Quốc. VOA nhận xét.
Điểm mấu chốt trong mối quan hệ này, theo VOA, đó là: Lợi ích ngắn hạn dành cho ông Putin, nhưng sự thay đổi dài hạn có lợi cho Trung Quốc.
Về lợi ích của ông Tập trong những thỏa thuận với Nga, VOA dẫn ý kiến của các nhà phân tích nói, việc ông Tập thúc đẩy các đề nghị hòa bình của Bắc Kinh về Ukraine, phù hợp với cách nói của Trung Quốc về mình, như là một cường quốc toàn cầu có tính xây dựng và có trách nhiệm: Họ muốn thể hiện mình là người vô tư và làm chệch hướng những lời chỉ trích rằng, họ đang đứng về phía một kẻ xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền.
Ủng hộ Nga, Trung Quốc có những lợi ích thiết thực khác, ví dụ, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự ở Đài Loan, Nga có thể cung cấp cho Trung Quốc một sự hỗ trợ đáng tin cậy về năng lượng và các tài nguyên khác.
Điểm mấu chốt về lợi ích, Trung Quốc tìm cách tự khẳng định mình là một trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi ký kết các thỏa thuận hữu ích với Nga, vào thời điểm Bắc Kinh có lợi thế thương lượng mạnh hơn so với Moscow. VOA đánh giá.
Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Chuyện lạ nhưng có thật! Tô Đại tướng “vả mặt” Tô Bộ trưởng
>>> Nhổ ra rồi hốt lại, Thiếu tướng Lê Hồng Nam tự “vả vào mặt” hay tìm kế hoãn binh?
>>> Cặp Ngà voi của Lê Khả Phiêu và 7 tấn ngà voi buôn lậu. Có cung ắt có cầu
>>> Sợ “cá mập trắng” Lê Thanh Thản, Công an Hà Nội hốt cá lòng tong lập công
Lệnh truy nã của ICC đối với Puitn có tác động như thế nào?