Được đi Trung Quốc “diện kiến” nhưng ông Thủ vẫn dưới cơ ông Tổng!

Ngày 25/6, ông Phạm Minh Chính dẫn Đoàn đại biểu Việt thăm Trung Quốc; dự Hội nghị Thường niên các nhà Tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Trong chuyến đi một công đôi việc này, ông Phạm Minh Chính cũng gặp gỡ ông Lý Cường – Thủ tướng Trung Quốc.

Tháp tùng ông Phạm Minh Chính có ông Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng; ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an vv..

Ông Phạm Minh Chính đi Trung Quốc

Nói chung các bộ quan trọng trong Chính phủ đều có mặt, đáng chú ý là, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là hai bộ đang chịu ảnh hưởng rất mạnh từ ông Nguyễn Phú Trọng. Trung Quốc luôn đi trước Việt Nam trong hầu hết các chính sách, đặc biệt là chính sách kiểm soát dân chúng, là chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam phải tuyệt đối học theo.

Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhanh nhảu sang thăm Tập Cận Bình, khi ông này mới vừa trúng cử nhiệm kỳ thứ 3. Được biết, ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc không giống với ngoại giao giữa Việt Nam và các nước khác. Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc là ngoại giao giữa 2 đảng, còn ngoại giao Việt Nam và các nước khác là ngoại giao giữa 2 nhà nước.

Ngoại giao giữa 2 đảng là khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đắc cử, thì Tổng Bí thư Việt Nam sang “thăm”, và ký hàng loạt cam kết giữa 2 đảng, hầu hết là những cam kết bí mật. Trong suốt 5 năm nhiệm kỳ Tổng Bí thư Trung Quốc, Việt Nam luôn phải thực hiện những gì đã cam kết. Lần này, ông Phạm Minh Chính dẫn đội ngũ rất đông sang Trung Quốc, là để nghe phổ biến về những việc mà Chính phủ Việt Nam sẽ phải làm suốt nhiệm kỳ của Tổng Bí thư và Thủ tướng Trung Quốc.

Ông Lý Cường chính thức thay ông Lý Khắc Cường ngày 11/3 vừa qua, và giờ đây, ông Phạm Minh Chính đến diện kiến Thủ tướng mới của Trung Quốc, để cam kết thực hiện những điều mà ông Nguyễn Phú Trọng đã cam kết với ông Tập Cận Bình trước đây gần 8 tháng.

Chính sách ngoại giao của ông Nguyễn Phú Trọng quyết định hành động của ông Phạm Minh Chính với Bắc Kinh

Muốn “nắm thóp” Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ cần nắm ông Tổng Bí thư. Từ sau Hội nghị Thành Đô 1990 đến nay, Việt Nam đã trải qua 5 đời Tổng Bí thư, thì quy tắc ngoại giao vẫn cứ giữ nguyên như vậy, chưa ông nào dám xóa bỏ. Ngoại giao giữa 2 đảng do hai Tổng Bí thư ký với nhau, rồi sau đó, Chính phủ có trách nhiệm thi hành mà thôi. Như vậy, trong vấn đề kết giao với phía Trung Quốc, ghế Tổng Bí thư bao giờ cũng mạnh hơn ghế Thủ tướng.

Một cây bút thường phân tích về nội chính cho chúng tôi biết, ông Vương Đình Huệ đã từng yếu thế hơn ông Phạm Minh Chính trên chính trường. Đặc biệt là ở Đại hội 13 đầu năm 2021, ông Huệ “thua trắng bụng” trước Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, đến năm 2026 có thể sẽ khác, khi mà ông Huệ được kế thừa ghế Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, thì khi đó, Trung Nam Hải sẽ chỉ biết bắt tay với ghế cao nhất tại Hà Nội mà thôi. Nếu ngồi vào ghế Tổng Bí thư, mặc nhiên, Vương Đình Huệ sẽ mạnh hơn Phạm Minh Chính.

Ngoại giao giữa hai nhà nước thì minh bạch nhiều hơn, ngoại giao giữa hai đảng thì bí mật nhiều hơn. Một số nhà quan sát cho hay, họ lo ngại cho số phận của Việt Nam bị Đảng Cộng sản đem ra làm tài sản, để thế chấp cho Đảng Cộng sản anh em với họ. Ai mà biết, sau lưng trăm triệu dân, ông Nguyễn Phú Trọng đã ký những gì? Nên nhớ, Công hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng gửi cho ông Chu Ân Lai cũng là bí mật, cho đến khi phía Trung Quốc tung ra để làm bằng chứng, để chứng minh tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền của họ trên 2 quần đảo cưỡng chiếm của Việt Nam.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://nhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-len-duong-tham-chinh-thuc-trung-quoc-post759250.html

Kasse animation 7.8.2023