Vụ lùm xùm quanh tung tích của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng có phần giống và cũng có phần khác với vụ Trịnh Xuân Thanh cách đây 7 năm. Điểm giống là, bà Nhàn được thông báo là đang ở Đức, và trước đây, Trịnh Xuân Thanh cũng được thông báo như thế. Tên quốc gia họ đang ẩn náu được công khai. Tuy nhiên, điểm khác nhau là, bà Nhàn được phía chính quyền Đức xác nhận, còn ông Trịnh Xuân Thanh là tự khoe. Việc tự khoe của ông Thanh đã dẫn đến hậu quả là ông bị bắt cóc, đem về nước xét xử.
Vai trò của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên bàn cờ chính trị cũng hoàn toàn khác ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Thanh là bàn đạp để ông Trọng tấn công Đinh La Thăng. Theo đánh giá của một số nhà quan sát, thì dù có bắt được ông Trịnh Xuân Thanh hay không, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ tìm ra lý do để xử lý ông Đinh La Thăng. Tuy nhiên, với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì lại khác. Bà Nhàn có vai trò quan trọng trên bàn cờ chính trị hiện nay, quyết định cán cân quyền lực giữa ông Tổng Bí thư và ông Thủ tướng.
Tuy bà Nhàn chỉ là chủ doanh nghiệp chứ không phải là quan chức như ông Trịnh Xuân Thanh, nhưng sự ảnh hưởng của bà Nhàn lên chính trường Việt Nam lớn hơn nhiều. Bởi vì, bà Nhàn có mối quen biết với các quan chức lớn trong Bộ Quốc phòng, trong đó có Bộ trưởng và Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội. Theo thông tin riêng mà chúng tôi có được, thì Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng là cơ quan đang bảo vệ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Chính vì thế, mọi bước chân của Tô Lâm tiến đến gần bà Nhàn đều được theo dõi chặt chẽ, bởi nó liên quan đến sự an nguy của một nhóm lợi ích lớn.
Hiện nay đang có tình trạng theo dõi chồng chéo lẫn nhau. Bên Tô Lâm thì đang truy lùng tung tích của bà Nhàn và nỗ lực để đưa bà Nhàn về Việt Nam. Trong khi đó, bên Phạm Ngọc Hùng thì theo dõi phía Tô Lâm, để vừa đánh động, vừa bảo vệ cho bà Nhàn. Bà Nhàn là người có quan hệ làm ăn với tình báo nước ngoài, nên không chỉ bà được tình báo quân đội Việt Nam bảo vệ, mà rất có thể, bà cũng được tình báo nước ngoài bảo vệ. Tình báo nước ngoài có lẽ cũng không muốn, những gì bà Nhàn biết, bị phía đối nghịch với bà Nhàn khai thác được.
Như vậy thì, so với Trịnh Xuân Thanh, bà Nhàn là con mồi khó nuốt hơn đối với ông Tổng Bí thư và ông Tô Lâm. Bên Tô Lâm cũng đã đưa ra đề nghị dẫn độ bà Nhàn, nhưng bị phía Đức từ chối.
Người Đức từ chối dẫn độ, không phải để tiếp tay cho tội phạm Việt Nam, mà vì họ không tin vào nền công lý của Việt Nam, và họ muốn thể hiện thái độ trước chính quyền Cộng sản Việt Nam. Rất có thể, chính quyền Đức không xem chính quyền Cộng sản Việt Nam là một nhà nước đáng tin cậy. Đáng tin làm sao được, khi mà họ chủ trương sang nước khác bắt cóc người?
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, với tinh thần bảo vệ chủ quyền của một quốc gia, và với quan điểm nhân đạo, nước Đức sẽ không để cho hành vi bắt cóc xảy ra một lần nữa trên lãnh thổ của họ. Như vậy, dù muốn hay không họ cũng phải bảo vệ bà Nhàn.
Vậy là, bà Nhàn đang được 2 lớp bảo vệ, lớp thứ nhất là chính quyền Đức, lớp thứ nhì là phe cánh trong Đảng đang có những quyền lợi liên quan đến bà.
Trường hợp bà Nhàn được xem là khá “xương xẩu” đối với ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Tô Lâm. Tuy phe ông Tổng là phe công và phe Thủ tướng là phe thủ. Tuy bên công tấn công dồn dập, nhưng không có nghĩa là công sẽ thắng, mà đôi khi, nếu bên thủ làm tốt, cũng có thể gây ra thế trận giằng co khiến bên công không thể làm gì được.
Bà Nhàn vẫn ở đó, bà vẫn đường hoàng sống ở Đức, như một sự thách thức. Thách thức ông Tổng Bí thư và ông Bộ trưởng Bộ Công an, xem các vị này có dám bắt cóc một lần nữa hay không? Thử đi thì biết liền.
Thu Phương – (Tổng hợp)