Lâu nay ở Việt Nam, câu chuyện “điếu ủy ban” là đề tài được nhiều người quan tâm đàm tiếu. Khái niệm này dùng để chỉ những người phụ nữ dùng sắc đẹp để quyến rũ các “ông anh” có quyền lực, giúp bản thân kiếm chác danh vọng, tiền bạc và thăng tiến.
Ở Việt Nam hiện nay, có những chính khách lớn là phụ nữ, năng lực hầu như không có gì nổi trội, song lại làm “điếu ủy ban”. Họ có sự thăng tiến nhanh đến chóng mặt, rất đáng ngờ.
Mới đây, ngày 10/9, báo Dân Trí cho biết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ – Phạm Thị Thanh Trà – có công văn gửi các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, yêu cầu phải lấy ý kiến nhân dân về các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước, cho tập thể, cá nhân, không do Bộ (nội vụ), ngành quản lý chuyên môn theo ngành dọc.
Những quyết định, chỉ thị kiểu “tào lao, xịt bộp”, do thiếu tầm nhìn, thiếu sự sáng tạo, lại là chuyện thường xuyên gây cười trên mạng xã hội. Mới đây nhất là câu chuyện “khắc nhập, khắc xuất”, theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập các quận, huyện trên cả nước, nếu không đáp ứng tiêu chí về diện tích và dân số. Đó là lý do quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một đơn vị hành chính danh tiếng và có lịch sử lâu đời ở thủ đô, cũng thuộc đơn vị hành chính phải sáp nhập. Đây là hậu quả của cái tư duy quản lý nhà nước, coi “thành thị cũng như nông thôn”, cứ dựa vào tiêu chí diện tích và dân số, không đủ thì nhập vào, vượt quá là tách ra.
Trước đó, ngày 9/3, Bộ Nội vụ đề xuất: Cán bộ, công chức bị kỷ luật thì “tự nguyện tinh giản biên chế”. Đề xuất này được đưa ra bởi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Theo đó, đề nghị bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức… trong thời gian bị kỷ luật khiển trách, hoặc cảnh cáo, thì “tự nguyện” thực hiện tinh giản biên chế thì sẽ không bị kỷ luật. “Ý tưởng” đó giống với ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho rằng: “Nếu cán bộ thấy có khuyết điểm từ chức, thì như vậy sẽ nhẹ nhàng hơn và cũng không mất hết các chức vụ”.
Đơn cử một vài dẫn chứng như trên để thấy, khả năng và trình độ của bà Phạm Thị Thanh Trà không thể đáp ứng được vai trò Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bởi vì, Bộ Nội vụ là cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước… để thấy hết tầm quan trọng của Bộ này.
Theo lý lịch trích ngang, bà Phạm Thị Thanh Trà sinh năm 1964, quê Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tháng 9/1985 – 9/1997, bà là giáo viên trường Trung học Cơ sở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Vậy mà bất ngờ, kể từ tháng 12/1999 đến nay, bà Trà đã vọt lên chức Phó Chủ tịch huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Rồi kể từ đó, cứ một hay hai năm lại thăng tiến trên những bậc thang quyền lực cao hơn, mà người bình thường không dám mơ tới.
Tháng 11/2000, bà là Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên Yên Bái. Tháng 2/2002, bà là Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái. Tháng 1/2006, bà làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái và Bí thư Thành ủy Yên Bái. Năm 2015, tại kỳ họp bất thường thứ 13, bà được Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVII bầu giữ chức Chủ tịch tỉnh Yên Bái. Bà giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2015 – 2020, sau khi xảy ra sự việc Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đỗ Cường Minh dùng súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch tỉnh Ngô Ngọc Tuấn, tại phòng làm việc, rồi tự sát.
Năm 2016, tại Đại hội Đảng khóa XII, bà được bầu làm Ủy viên Trung ương. Đến trước Đại hội XIII, Bộ Chính trị bổ nhiệm bà giữ chức Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Tại Đại hội Đảng khóa XIII, bà được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII. Đồng thời, bà được Quốc hội khóa 15 bầu làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Có những tin tức khả tín cho biết, tại Đại hội XIV sắp tới, bà Trà có thể được cơ cấu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
Theo thông tin của trang “Chân Dung Quyền lực” trước đại hội 12 cho biết, khi còn là giáo viên trường Trung học Cơ sở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, bà Trà đã lọt vào mắt xanh của ông Tô Huy Rứa, cựu Trưởng ban Tổ chức Trung ương, một nhân vật đặc biệt quan trọng trong công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên từ đó, bà Trà thăng tiến nhanh như tên lửa.
Bà Trà là chị gái của một nhân vật đình đám – ông Phạm Sĩ Quý – người xây dựng “dinh cơ” đồ sộ ngay trên vùng đất vốn là đất rừng và nuôi trồng thủy sản của tỉnh Yên Bái. Vậy mà, ông Phạm Sĩ Quý vẫn được chị gái bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Nhiều ý kiến nói rằng, mối quan hệ ruột thịt giữa ông Quý và bà Trà, là bệ phóng đưa ông lên chiếc ghế hiện nay. Bất chấp dư luận khẳng định, ông Quý chưa đáp ứng đủ điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ và giáo dục, vì lúc bấy giờ vẫn còn đang học lớp quản lý nhà nước.
Thậm chí, Thanh tra Chính phủ năm 2017 cho biết, sẽ tiến hành thanh tra nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý. Nhưng vì ông Phạm Sỹ Quý là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái – nên cuối cùng tất cả đã chìm xuồng. Còn bà Trà thì vẫn thăng tiến như diều gặp gió.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không ít lần nhấn mạnh, “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm…”. Song dư luận vẫn khẳng định, bà Phạm Thị Thanh Trà thăng tiến tột bậc, bởi có sự bảo kê của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Tổng Bí thư nghĩ sao về lời đồn đoán này?
Trà My – Thoibao.de