Vì sao công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam, Trung ương mất kiểm soát đối với các địa phương?

Nạn tham nhũng ở Việt Nam ngày càng tràn lan, nghiêm trọng, và phức tạp. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng không hiệu quả. Cụ thể, trong Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 6/4/2022 về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã thừa nhận, “phòng chống tham nhũng thực hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa cao”, và “Tham nhũng, lãng phí… gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Một thực trạng rõ ràng nhất mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không dám công khai thừa nhận, đó là, công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng tăng. Đặc biệt, đối với các tỉnh thành, các địa phương trên cả nước, đã xảy ra tình trạng Trung ương mất kiểm soát.

Cụ thể một vài thí dụ mới nhất:

Thanh Hóa là một tỉnh lớn, cách Hà Nội chưa tới 200 km. Vậy mà, báo Thanh Tra ngày 18/9 cho biết, “Sau khi bị kỷ luật cảnh cáo, ông Đào Vũ Việt, Bí thư Thị ủy Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải”. Đây là chuyện mà dân Thanh Hóa gọi là “kỷ luật ngược”, tức là kỷ luật rồi lại lên chức cao hơn.

Qua tìm hiểu được biết, vào năm 2017, ông Đào Vũ Việt là Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Tháng 12/2017, ông Đào Vũ Việt bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo, do liên quan tới vụ “nâng đỡ không trong sáng” đối với “hot girl” Trần Vũ Quỳnh Anh. Lý do, ông Đào Vũ Việt đã ký quyết định bổ nhiệm bà này làm Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, dù bà này không có chuyên môn. Được biết, bà Quỳnh Anh là bồ nhí của Bí thư Thanh hóa lúc đó – ông Trịnh Văn Chiến.

Đến giữa năm 2022, lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa điều chuyển ông Việt về làm Bí thư Thị ủy thị xã Bỉm Sơn, bất chấp sự phản đối của dư luận. Mới nhất, ngày 17/9 vừa qua, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Đào Vũ Việt, Bí thư Thị ủy Bỉm Sơn, về giữ chức Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa, trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày ký quyết định.

Điều đáng nói là, Quyết định bổ nhiệm này được ký ngay sau khi ông Đào Vũ Việt một lần nữa lại bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo. Song, điều quan trọng nhất là, lý do kỷ luật thì được cấp trên… giấu kín!

Tình trạng vừa kể ở tỉnh Thanh Hóa cho thấy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của ông Trần Cẩm Tú xử lý kỷ luật lãnh đạo cấp tỉnh theo lối “bắt cóc bỏ đĩa”, vô trách nhiệm. Ban hành quyết định kỷ luật mang tính hình thức, xong là xong, để tùy cấp dưới tùy nghi… xử lý.

Hay mới đây, chuyện “Cán bộ đòi “lại quả” cả tỷ đồng, chỉ bị “rút kinh nghiệm”, ở Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau”. Theo đó, trong kết luận Thanh tra về thực hiện các dự án, công trình ở huyện Phú Tân, Cà Mau, đã xác định có việc đòi lại quả 20 – 30% trên tổng chi phí dự án 6,5 tỷ đồng. Có nghĩa là, số tiên lại quả 1,5 tỷ đồng chỉ để hỗ trợ việc họp hành, xăng xe, tuyên truyền và ăn trưa… vậy mà 7 cán bộ bị tố giác “đòi chung chi” cũng chỉ bị xử lý kỷ luật “rút kinh nghiệm”.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên cán bộ cấp tỉnh bị phát hiện vi phạm “nhận hối lộ” tại Việt Nam, nhưng chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trước đó, vào tháng 8/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang thông báo kết luận về việc thanh tra vi phạm đất đai ở tỉnh này, với tổng số tiền vi phạm lên tới gần 750 tỷ đồng. Vậy mà, các cán bộ của tỉnh có liên quan vi phạm đó cũng chỉ bị “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Tình trạng ở một số địa phương, không chỉ “rút kinh nghiệm”, nhiều cán bộ sai phạm tham nhũng không những không bị truy tố, mà còn được thăng chức, là điều khá phổ biến.

Theo giới quan sát tình hình chính trị mà thoibao.de có điều kiện phỏng vấn và trao đổi, đều có chung nhận định cho rằng, quy trình xử lý kỷ luật, quy hoạch cán bộ trong hệ thống của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay rất tùy tiện, thiếu minh bạch và theo cảm tính. Việc kỷ luật tùy thuộc vào sự bảo kê của ai hay thế lực nào đứng đằng sau. Chính điều đó khiến cho người dân càng ngày càng mất lòng tin vào chính quyền, nhà nước.

Chế độ độc đảng tạo ra rất nhiều kẽ hở cho những kẻ tham nhũng. Trước đây thì cơ quan chống tham nhũng chờ có tham nhũng mới xử lý, còn bây giờ thì Trung ương tỏ ra bất lực. Điều đó cho thấy, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ lợi dụng chống tham nhũng để đấu đá lẫn nhau trong nội bộ Đảng. Còn những kẻ tham nhũng là người thân cận, là tay chân của lãnh đạo chỉ đạo chống tham nhũng, hay lãnh đạo cao cấp, thì được bỏ qua. Đó là lý do vì sao, tham nhũng ở Việt Nam tràn lan, sờ sờ ra, người dân thấy hết, nhưng chẳng thấy ai xử lý.

Đó là một trong những lý do khiến cho công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không hiệu quả. Càng chống thì tham nhũng càng phát triển như nấm mọc sau mưa./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023