Hội nghị Trung ương 8: Kế hoạch nhân sự Đại hội 14, sự thất bại cay đắng của Tổng Trọng?

Hội nghị Trung ương 8 bế mạc hết sức tẻ nhạt, phần nào cho thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trải qua một kỳ Hội nghị Trung ương không xuôi chèo mát mái. Nội dung quan trọng nhất của Hội nghị này là bàn về công tác nhân sự cho Đại hội Đảng khóa 14, dự kiến sẽ khai mạc vào đầu năm 2026.

Hội nghị Trung ương 8 cho thấy, uy tín của Tổng Bí thư đã giảm sút nghiêm trọng, chưa từng thấy. Không chỉ là những thông tin ngoài luồng được chia sẻ trên mạng xã hội, mà kể cả truyền thông chính thống – Đài Tiếng nói Việt Nam, giữa kỳ họp Trung ương, ngày 5/10 đã tung ra một bài viết cỡ “bom tấn” để tấn công Tổng Bí thư.

Bài viết với tựa đề “Chúng ta đã để lọt cán bộ không đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 12”. Bài báo này phê phán: “Ở nhiều nhiệm kỳ vừa qua, nhiều cán bộ không đủ đức, đủ tài vẫn lọt vào Ban Chấp hành Trung ương”. Mà rõ ràng, Tổng Bí thư chính là Trưởng Tiểu ban Nhân sự các khóa Đại hội lần thứ 12 và 13.

Phải chăng, đó là lý do, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Bộ Chính trị, điều hành phiên họp thảo luận quy hoạch nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14. Điều vẫn được cho là thuộc sự “độc quyền” tuyệt đối của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ trước Đại hội 12 cho đến nay.

Thông cáo của ngày làm việc thứ 6 Hội nghị Trung ương 8, cho biết điều kể trên.

Cộng với việc, trước đó một ngày, Hội nghị Trung ương 8 đã bầu bổ sung 3 ủy viên cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 13, trong đó có Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, em vợ của Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Đây là dấu hiệu cho thấy, vòi bạch tuộc của ông Tô Lâm đã luồn rất sâu vào bộ máy Đảng, nơi vốn là độc quyền của Tổng Bí thư Trọng.

Một vấn đề nhân sự duy nhất ông Trọng đưa ra thành công, đó là việc, Hội nghị đã thống nhất bầu bổ sung Trưởng ban Đối ngoại Lê Hoài Trung vào Ban Bí thư Trung ương. Còn các việc “phức tạp, nhạy cảm” khác, thì là con số zero.

Cụ thể:

Một, Phạm Minh Chính vẫn trụ vững, dù rằng người đàn em của ông Chính thời ở Quảng Ninh là Nguyễn Văn Đọc vừa bị trảm không thương tiếc.

Hai, kế hoạch bổ sung hai ghế ủy viên Bộ Chính trị bị trống của Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bất thành. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang do Tổng Trọng đề nghị đưa vào Bộ Chính trị cũng thất bại!

Ba, việc định bẩy Bộ trưởng Tô Lâm khỏi Bộ Công an, để cho đàn em thân tín là Phan Đình Trạc ngồi thay, theo tính toán của Tổng Bí thư, cũng không đạt được.

Những điều vừa liệt kê cho thấy, trong vấn đề nhân sự, ông Trọng đã hết quyền uy. Đến lúc này, không phải Trọng muốn là được.

Theo giới quan sát, nghiên cứu diễn văn bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đọc ngày 8/10, đã bộc lộ nhiều điều. Diễn văn này cho thấy, kế hoạch nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước cho Đại hội 14 đã thất bại, và phải bỏ dở để bàn tiếp trong các Hội nghị Trung ương sau.

Trong diễn văn bế mạc, ban đầu ông Tổng nói “Quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Nhưng ngay trong một đoạn sau đó, thì vẫn Tổng Bí thư, lại nhấn mạnh: “Lấy quy hoạch nhân sự cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, để làm cơ sở cho công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương mới, tại Đại hội lần thứ 14”.

Điều này khiến người ta không rõ, công đoạn nào mới là khâu cơ sở của Tổng Trọng? Cách lập luận được cho là lúng túng như “gà mắc tóc”, đã phản ánh “quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa 14” – một nội dung quan trọng của kỳ họp – vẫn chưa hoàn tất.

Sự rối rắm này còn thể hiện ở chỗ, sau Hội nghị, Tổng Bí thư Trọng vẫn không thành công trong việc tái cơ cấu Bộ Tứ “trong mơ”. Đó là nhân sự tứ trụ mà ông Trọng muốn, có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ông Trọng, để ông hạ cánh về hưu được an toàn, không bị các thế lực kình địch trong Đảng hồi tố.

Đó là nỗi lo chung của những kẻ độc tài mất hết nhân tính, coi đồng chí như kẻ thù./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023