Vì sao trái với Hiến pháp, quyền lực nhà nước ở Việt Nam không thuộc về nhân dân? (Phần 2)

Theo báo Thanh Niên ngày 14/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về cơ chế, vai trò của Đảng và chính quyền trong mối quan hệ với nhân dân, khẳng định rằng: “Cơ chế của Việt Nam tôi cho là ưu việt nhất trong thời đại bây giờ”.

Đa số ý kiến trên mạng xã hội khẳng định, ông Trọng xảo ngôn, cố ý đánh lừa dân chúng, còn nếu không, chắc chắn ông Trọng có vấn đề sức khỏe tâm thần. Điều đó có liên quan gì đến sự thất bại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 8 khóa 13 vừa rồi hay không?

Hôm nay, thoibao.de muốn mổ xẻ cùng quý vị vấn đề: Trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt 83 năm qua, họ đã coi nhân dân Việt Nam có vai trò gì trong việc quản lý đất nước? Có đúng như bộ máy Tuyên giáo của Đảng tuyên truyền rằng, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”?

Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định rõ: “Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Và Điều 6 khẳng định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân”.

Nhưng thực tế cho thấy, người dân không hề biết và hoàn toàn không có quyền gì trong việc lựa chọn đại biểu của họ trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Việc bầu cử Quốc hội hay hội đồng nhân dân ở Việt Nam hiện nay, chỉ là một màn kịch do Đảng Cộng sản Việt Nam tự biên, tự diễn, hoàn toàn không minh bạch, thiếu dân chủ và công bằng.

Một giáo viên từ Đà Nẵng nói với thoibao.de trong điều kiện dấu danh tính, vì lý do an ninh, cho biết:

“Chuyện minh bạch trong bầu cử cho dân biết thì hoàn tòan không có, bởi vì cơ quan bầu cử do Đảng điều hành kiểm soát. Anh vừa đá bóng anh vừa thổi còi, thì sao có minh bạch được? Nên không thể có chuyện dân được làm chủ!”

Trên mạng xã hội có người chia sẻ một ví dụ: Bà Tôn Nữ Thị Ninh – là một nhà ngoại giao đồng thời là một lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam trước đây – từng ví von và coi nhân dân là con, còn Đảng là cha mẹ. Bà Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định, con không được cãi cha mẹ, nghĩa là dân không được cãi Đảng. Thế hóa ra, nói như bà Ninh, ông chủ không được phép cãi đầy tớ hay sao?

Trong cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, họ là “là đại diện ưu tú của giai cấp công nhân, nông dân và nhân dân lao động”. Nhưng trên thực tế hiện nay, hai giai cấp này là giai cấp cùng khổ nhất của xã hội.

Giới chuyên gia và dư luận xã hội cho rằng, hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ coi dân chúng là bình phong trong việc sử dụng quyền lực. Bởi vì có một điều mâu thuẫn rất lớn: Anh bảo anh giao cho tôi quyền lực, mà anh không cho tôi lên tiếng, thì làm sao tôi thực thi được quyền lực? Điều đó khiến quyền lực của người dân trở nên vô giá trị.

Việc nhà nước không coi trọng quyền lực của người dân, không chỉ do lỗi của nhà cầm quyền. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng:

“Quan trọng là thành phần ưu tú trong dân, đó là đội ngũ trí thức, nhưng đội ngũ trí thức ở Việt Nam hiện nay có ra cái ma gì đâu. Hễ nổi lên một vài ba anh, ngo nghoe anh nào thì nó tóm luôn anh ấy, còn số đông các anh khác thì lo giữ thân.”

Để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, cần phải chấm dứt tình trạng Đảng Cộng sản Việt Nam độc chiếm vũ đài chính trị.

Theo giới phân tích chính trị, muốn làm được điều trên thì cần có dân chủ đa nguyên, có bầu cử công bằng với sự tham gia của nhiều đảng phái, để nhân dân có thể lựa chọn những đại diện từ các đảng phái có thể mang lại và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, cho dân tộc. Chứ như bây giờ, chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo, lúc nào cũng tự bảo họ là tốt nhất, trong khi nhân dân không có một sự lựa chọn nào khác.

Nâng thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân, sức mạnh của quần chúng nhân dân là vô bờ bến. Lịch sử đã chứng minh, không có ai hay thế lực nào có thể xem thường và tước đoạt quyền của dân chúng, nhất là khi điều đó đã được ghi rõ trong Hiến pháp – văn bản pháp luật cao nhất của quốc gia./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023