Hàng loạt bê bối của lãnh đạo Bắc Ninh bị vạch trần, sau vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra xài bằng giả? (phần 1)

Chuyện Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh, ông Nguyễn Công Thắng, sử dụng bằng giả đang được mạng xã hội mổ xẻ, đào bới với những thông tin khó có thể tưởng tượng nổi.

Truyền thông nhà nước đưa tin về vụ việc này cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã kết luận, ông Nguyễn Công Thắng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy – khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch

Giới thạo tin khẳng định, ông Nguyễn Công Thắng là con trai của ông Nguyễn Công Ngọ – cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2007 – 2011, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Theo đó, gia tộc Nguyễn Công vốn lừng lẫy ở đất Bắc Ninh mấy chục năm nay. Đó là lý do, năm 2015, khi ông Thắng mới 32 tuổi, đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định làm Bí thư Huyện ủy huyện Tiên Du. Rồi sau đó 4 năm, ông Thắng lại được chỉ định ngồi vào ghế Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh, khi mới 36 tuổi.

Dư luận ở Bắc Ninh cho biết, ngay cả sau khi nghỉ hưu, cái “bóng” của ông Nguyễn Công Ngọ – cha của ông Thắng – vẫn trùm lên tất cả. Uy thế của ông Ngọ vẫn lừng lẫy, “chỉ đâu được xong đấy, muốn gì được nấy”, đối với hệ thống chính trị ở tỉnh Bắc Ninh.

Hệ thống chính quyền ở Bắc Ninh, dưới bóng của Nguyễn Công Ngọ và gia tộc Nguyễn Công, tưởng như bất khả xâm phạm. Nhất là khi “thế tử” tuổi trẻ tài cao, con trai ông Ngọ là Nguyễn Công Thắng, tiến nhanh như tên lửa. Sinh 1983 mới 40 tuổi, Nguyễn Công Thắng đã giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, mà ít người dám mơ và có lẽ chả ai dám đụng.

Vậy mà, “thế tử” Nguyễn Công Thắng lại đột nhiên ngã ngựa, bởi các bằng cấp tiến thân hầu hết là bằng giả. Nào là bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, đều không phải do học mà có, mà toàn do bỏ tiền đi mua từ trường Đại học Đông Đô đầy tai tiếng.

Cụ thể, theo phần học vấn kê khai trong lý lịch của ông Nguyễn Công Thắng cho thấy, chỉ trong vòng 12 năm, ông đã tốt nghiệp và sở hữu số bằng cấp cụ thể như sau:

– Thạc sỹ Kinh tế chuyên ngành Quản trị kinh doanh (mua bằng giả).

– Thạc sỹ Luật chuyên ngành Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự (mua bằng giả).

– Tiếng Anh khung châu Âu: Bậc 3/6 (tự khai)

– Tiến sĩ Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế Chính trị (do dùng bằng Thạc sĩ giả để thi nên bằng Tiến sĩ cũng là giả luôn).

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết:

“Bằng Đại học của Thắng là bằng chuẩn.

Thắng học Thạc sĩ ở Đại học Đông Đô là cơ sở chưa được Bộ Giáo dục công nhận cho phép đào tạo bậc Thạc sĩ. Dùng giấy xác nhận đã học Thạc sĩ của trường Đại học Đông Đô để học Tiến sĩ. Sau đó dùng bằng tiến sĩ dỏm, để nâng ngạch chuyên viên chính, thì bị phát hiện.”

Một câu hỏi mà dư luận thắc mắc là, vì sao, Nguyễn Công Thắng có một bệ đỡ khủng như thế, là con trai của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Nguyễn Công Ngọ, lại mau chóng bị thất sủng nhanh như vậy?

Theo dư luận và giới thạo tin khẳng định, chuyện Nguyễn Công Thắng sử dụng nhiều bằng giả đã râm ran ở tỉnh Bắc Ninh từ nhiều năm nay, ai cũng biết, trên Trung ương thì càng biết.

Cho nên, ông Nguyễn Anh Tuấn, tân Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, người mới được Trung ương luân chuyển về, đã quyết định “thay máu” toàn bộ Ban lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, bắt đầu bằng vụ bê bối này.

Được biết, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1979, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và là người đồng hương Thanh Hóa của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ông Nguyễn Anh Tuấn từng giữ chức Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2017 – 2022, đã được Trung ương điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tại thời điểm điều động, bổ nhiệm, ông Nguyễn Anh Tuấn là Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất trong nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ các địa phương 2020 – 2025.

Công luận thấy rằng, sau scandal này, gia tộc Nguyễn Công đã chính thức “chấm hết” vai trò khuynh loát chính trị ở đất Bắc Ninh. Còn các gia tộc khác, nhìn vào gương Nguyễn Công Ngọ và con trai Nguyễn Công Thắng chắc cũng toát mồ hôi.

Phải chăng, thời kỳ “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”, đã đi vào hồi kết?./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023