Vì sao Đại án Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Phú Trọng đang nỗ lực giải cứu cho Tổng Bí thư?

“Những quan chức nhận tiền hối lộ trong vụ Vạn Thịnh Phát, nhưng không có động cơ vụ lợi, sẽ chỉ xem xét kỷ luật về mặt Đảng và hành chính” – Đó là phát biểu của Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, tại cuộc họp báo ngày 22/11, đã khiến cho công luận hết sức ngạc nhiên.

VnExpress online dẫn lời ông Nguyễn Văn Yên cho biết, vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ tham nhũng lớn nhất từ trước tới nay, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, có hệ thống.

Đồng thời Nguyễn Văn Yên cho biết, “người nhận số tiền tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của Ngân hàng SCB phải bị truy tố, xét xử. 

Tuy nhiên, đối với người nhận ít, không có động cơ; nhận tiền vào dịp lễ Tết như bồi dưỡng, quà; không cam kết làm gì để có lợi cho bên đưa tiền, sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về nguyên nhân, hoàn cảnh. Các trường hợp này sẽ không xử lý về mặt hình sự, nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính.”

Ông Yên cho rằng, việc xử lý này là “thấu tình, đạt lý” và nhắc lại, nó cũng tương tự như vụ đại án Việt Á, lãnh đạo Đảng cũng có chủ trương tha, miễn xử lý với người có vai trò thứ yếu, không có động cơ vụ lợi khi nhận tiền “bồi dưỡng”.

Theo giới quan sát, phát biểu kể trên của Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, một lần nữa là hành động “ném đá dò đường”, thăm dò phản ứng của dư luận. Nếu thuận lợi, Đảng sẽ tiến tới khẳng định, các vụ án tham nhũng theo diện chỉ đạo của Cơ quan phòng, chống tham nhũng và tiêu cực Trung ương sau này, sẽ tha bổng cho các quan chức tham nhũng ít, hoặc quan chức nhận quà biếu lễ Tết.

Giới bình luận chính trị đặt nghi vấn, phải chăng, ông Nguyễn Phú Trọng đề ra chủ trương quái đản này là để giải cứu cho chính bản thân ông, khi ai cũng biết rằng, những người như ông thường xuyên nhận quà biếu dịp lễ Tết. Phải chăng, ông Trọng đang chừa đường lui cho mình, một khi ông nghỉ hưu, thất thế, có thể sẽ bị phe đối thủ hồi tố hay không?

Việc Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên so sánh và cho rằng, cách xử lý “nhân văn” tương tự như vụ Việt Á, là cách nói lấp lửng, không trung thực. Vì ít nhất, trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đã xét xử, và vụ “Việt Á” tới đây, không chỉ có lãnh đạo cấp cục, vụ bị xét xử với những bản án nặng nề, mà kể cả tới Ủy viên Trung ương Đảng, như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, cũng đã bị khởi tố bắt giam. Đó là chưa kể tới một loạt thứ trưởng hay tương đương phải đứng trước vành móng ngựa.

Trong lúc, vụ án Vạn Thịnh Phát được đánh giá là có mức độ sai phạm lớn hơn rất nhiều so với vụ án Việt Á, thậm chí đạt kỷ lục về hối lộ và thất thoát, theo lời của Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên. Vậy mà, trong kết luận điều tra chưa đề cập tới và chưa thấy có bất kỳ cán bộ nào cao hơn cục trưởng bị liên đới.

Chưa kể, các vụ đại án nói trên diễn ra trong thời gian rất ngắn, nếu so với vụ đại án Vạn Thịnh Phát của bà trùm Trương Mỹ Lan, diễn ra trong thời gian gần 20 năm (1992 – 2022).

Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03), đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vạn Thịnh Phát, về ba tội danh: Tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Đưa hối lộ.

Vẫn theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan là chủ của nhiều dự án bất động sản nổi bật tại các khu đất vàng, đất kim cương ở quận 1, quận 3… của thành phố Hồ Chí Minh.

Giới quan sát đã đặt câu hỏi liên quan tới việc chuyển nhượng các công sản, các khu đất vàng cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trong mối quan hệ với cựu Bí thư Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải, đã tuân thủ theo đúng pháp luật hay không, và có bỏ sót tội phạm hay không?

Hơn nữa, trong kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03), về việc đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan và các hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cũng như các công ty thành viên, tại sao vụ việc liên quan đến dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn, không được đề cập?

Theo lời khai của ông Dương Chí Dũng, bà Trương Mỹ Lan đã thông qua ông Dương Chí Dũng, để chuyển đến cố Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ 1 triệu USD, trong đó lại nhờ ông Ngọ chuyển một nửa (500 ngàn USD) cho cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Còn có vai trò của Thư ký cựu Bộ trưởng Quang, là ông Trần Văn Tiệp, hiện nay ra sao, cũng không được đề cập tới.

Xin nhắc lại, lời khai của tử tù Dương Chí Dũng – Tổng Giám đốc Vinalines – trên đây, diễn ra trong phiên tòa có sự chứng kiến của cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, ngồi dự phiên tòa.

Rõ ràng, mức độ sai phạm của vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan là vô cùng lớn. Vậy mà cho đến nay, Bộ Công an chỉ mới truy tố tới cấp vụ trưởng, cục trưởng, là một điều hết sức bất bình thường và hoàn toàn không thỏa đáng.

Điều đó có liên quan gì tới mối quan hệ mờ ám giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, và “sâu chúa” Lê Thanh Hải – người mà cho đến nay, công luận cho rằng, không biết, Vạn Thịnh Phát thật sự thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, hay của cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành Hồ Lê Thanh Hải?

Trà My – Thoibao.de