Tiền ứ, doanh nghiệp đói vốn, dân đói ăn, sân sau “ngập tiền”. Thủ Chính hay thủ phạm?

Làm doanh nghiệp mà để ứ tiền là điều không tốt. Doanh nghiệp nào có tốc độ xoay vòng vốn nhanh, thì doanh nghiệp đấy làm ăn hiệu quả. Tiền lưu thông mạnh đồng nghĩa với việc hàng hóa lưu thông mạnh, và sản xuất cũng mạnh lên. Bởi đơn giản, hàng hóa đi qua thì đồng tiền đi lại. Nó như là 2 đầu của cầu bập bênh, đầu này chuyển động thì đầu kia cũng chuyển động và ngược lại.

Ở tầm vĩ mô cũng tương tự, Chính phủ là nơi nắm giữ vai trò điều hành nền kinh tế, thông qua chính sách. Ở một khía cạnh nào đó, thì quyền của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đối với nền kinh tế Việt Nam, còn lớn hơn quyền của người đứng đầu Chính phủ Hoa Kỳ đối với nền kinh tế của họ.

Bởi vì, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một cơ quan ngang bộ trong Chính phủ, với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có cấp hàm ngang với Bộ trưởng, chịu sự chi phối của Chính phủ. Trong khi đó, người đứng đầu Chính phủ Hoa Kỳ (tức Tổng thống), lại không có quyền can thiệp vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – FED (tức Ngân hàng Trung ương Mỹ).

Mỗi quốc gia đều sử dụng 2 công cụ lớn để điều hành nền kinh tế, đó là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Ở Mỹ, người đứng đầu Chính phủ chỉ có quyền sử dụng chính sách tài khóa. Trong khi đó, ở Việt Nam, Thủ tướng thực hiện chính sách tài khóa và có thể chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước để điều tiết lượng cung tiền. Một tay có thể chỉ đạo 2 chính sách lớn, vậy mà không đồng bộ được 2 chính sách này, thì ông Thủ tướng quả là cực kỳ yếu kém.

Truyền thông nhà nước cho biết, hiện còn 735.000 tỷ đồng vốn tín dụng, tương đương 31 tỷ USD đang chờ người vay. Nói là “đang chờ người vay” là cách nói tránh của báo chí, chứ thực chất là hiện tượng ứ vốn. Thị trường vốn Việt Nam hoạt động không hiệu quả. Được biết, tăng trưởng tín dụng đến ngày 23/11 chỉ đạt 8,38%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu cả năm.

Hồi tháng trước, báo chí cho biết, trong 10 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 52%, một tốc độ vô cùng chậm so với yêu cầu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công thấp là lỗi của Thủ tướng, còn để cho hệ thống ngân hàng ứ tiền, không bơm ra ngoài xã hội được, thì đấy là lỗi của ông Thủ tướng và bà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trên báo chí, việc ngân hàng ứ tiền, đầu tư công bị nghẽn chỉ là những con số. Tuy nhiên, nếu chịu khó dạo quanh các thành phố lớn, mà đặc biệt là Sài Gòn, thì sẽ thấy, hậu quả khủng khiếp của nó. Dân thiếu việc làm, doanh nghiệp đói vốn trả mặt bằng hàng loạt. Người thuê không có tiền để trả tiền mặt bằng, người cho thuê thất thu… Nếu một vườn cây mà thiếu nước thì vườn cây ấy sẽ khô héo và cây chết dần chết mòn. Nếu nền kinh tế thiếu tiền, thì xã hội sẽ xuống dốc, rất điêu tàn.

Điều đáng nói là, cả xã hội suy thoái, thế nhưng, các sân sau vẫn đang sống khỏe. Các đại gia đang sử dụng ngân hàng làm công cụ, để gom tiền dân chúng bỏ túi, theo kiểu Vạn Thịnh Phát đang thịnh hành. Nền kinh tế Việt Nam đã mất cân bằng một cách nghiêm trọng. Kẻ ăn không hết người lần không ra. Kẻ ăn không hết là các quan chức Cộng sản và sân sau, còn người lần không ra là toàn dân, trong đó có các doanh nghiệp chân chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chính là thủ phạm gây ra tình trạng tệ hại như thế này. Ở trên cao, ông Tổng Bí thư mạnh tay với rất nhiều người, nhưng ông vẫn để ông Thủ tướng bất tài này nhởn nhơ, vẫn ung dung làm ra những chính sách kém hiệu quả, khiến hàng loạt doanh nghiệp phải chết khô vì thiếu vốn.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023