Link Video: https://youtu.be/iNDkGF0lPb4
Ngày 14/12, VOA Tiếng Việt có bài “Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Quốc chỉ là cái vỏ rỗng?”
Theo đó, VOA dẫn nhận định của một số nhà quan sát, cho rằng, Việt Nam tham gia “Cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc, chỉ là “nỗ lực làm yên lòng Bắc Kinh”, sau khi Hà Nội xích gần về phương Tây, và việc này “về cơ bản không thay đổi gì quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc hay với Mỹ”.
Theo VOA, để lôi kéo Việt Nam tham gia ý tưởng loại bỏ vai trò của Mỹ đối với khu vực, Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ mở cửa hơn nữa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nhất là nông sản, và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Việt Nam để tăng cường kết nối hai nước.
VOA dẫn lời ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington D.C., nói:
“Tất cả thông tin đều cho thấy Hà Nội không muốn gia nhập ý tưởng của Trung Quốc về cộng đồng chung vận mệnh nhưng cuối cùng họ cảm thấy cần phải nhượng bộ trên vấn đề này.”
Ông Poling lưu ý, khái niệm này lúc đầu có tên là “Cộng đồng chung vận mệnh”, nhưng sau đó đã được điều chỉnh thành “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, có ý nghĩa hẹp hơn, và “ngôn từ rất kêu nhưng nội dung không có gì nhiều”.
“Cho dù là gì đi nữa, cộng đồng này không có ý nghĩa ngoại giao gì đối với Việt Nam. Trung Quốc vẫn chỉ là một đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam giống như Mỹ, Hàn, Nhật,” ông Greg Poling nói và lưu ý rằng, các văn kiện được hai nước ký kết “đều rất mơ hồ”.
Ông Poling nhấn mạnh, Hà Nội đã từ chối ký kết hợp tác với Trung Quốc về khoáng sản trọng yếu, bao gồm đất hiếm, mặc dù chính bản thân ông Tập vận động.
Đồng quan điểm, VOA dẫn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng:
“Khái niệm rộng và bao trùm nhiều vấn đề, nhưng trên thực tế thực hiện như thế nào thì không được cụ thể lắm. Cho nên, tôi nghĩ việc ký kết này nhìn chung mang ý nghĩa nhiều hơn về hình thức bên ngoài.”
Ông Giang lưu ý, cách nói “chung vận mệnh” “hơi nhạy cảm với Việt Nam”, khó được Việt Nam chấp nhận, nên phải đổi thành “chia sẻ tương lai”.
“Phần nào đây là động thái tái cân bằng của Việt Nam, khi mà trong năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều những cải thiện đáng kể về quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây” – ông Giang nhận xét.
Ông giải thích rằng, Hà Nội muốn trấn an Bắc Kinh rằng, họ “sẽ không bỏ rơi Trung quốc để chạy sang phía bên kia, cũng như sẽ không tham gia vào nỗ lực kiềm tỏa Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Giang chỉ ra, trong hệ thống phân cấp về quan hệ ngoại giao của Việt Nam, cao hơn “Đối tác chiến lược Toàn diện” là “Quan hệ đặc biệt” mà Việt Nam có với Cuba hay Lào, chứ không phải với Trung Quốc, và “Cộng đồng chia sẻ tương lai” không tồn tại trong các khái niệm ngoại giao của Việt Nam.
Ông Giang chỉ ra, trong 36 văn bản ký kết, thì đa số “tập trung chủ yếu vào thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ”.
Ông Giang nhận định rằng, Hà Nội “rõ ràng cố gắng giữ ổn định quan hệ kinh tế – thương mại” với Trung Quốc, và “đang có nhu cầu rất lớn về vốn để chuyển đổi sang năng lượng xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng”, nên cũng muốn thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ Trung Quốc ở những dự án không quá nhạy cảm.
“Trong tất cả các cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, thì Việt Nam ở trong thế rất thuận lợi để thu hút đầu tư và hỗ trợ từ hai bên, và Việt Nam rõ ràng đã rất khôn ngoan trong việc cố gắng đi ở giữa để tận dụng tối đa lợi thế ấy” – ông Giang nói thêm.
Về vấn đề Biển Đông, cả hai nhà nghiên cứu Greg Poling và Nguyễn Khắc Giang đều cho rằng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc” sẽ “không thay đổi gì tình hình trên Biển Đông”.
Minh Vũ
>>> Bản lĩnh ngoại giao của Việt Nam trước Trung Quốc
>>> Philippines và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng ở Bãi Cỏ Mây
>>> Trung Quốc sẽ viện trợ cho Việt Nam xây các tuyến đường sắt
>>> Giới bất đồng phản đối “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt – Trung”
Tranh cãi quanh những cây tre ngoằn nghèo tại tiệc trà chiêu đãi ông Tập