Sáng ngày 22/12, phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ông Phạm Minh Chính thông báo, ông sẽ chỉ đạo các bộ ngành tính toán, dành gói tín dụng ưu đãi, khoảng 20.000 – 30.000 tỷ đồng, cho công nghiệp văn hóa.
Công nghiệp văn hóa được hiểu là các ngành hoạt động trong các lĩnh vực như: âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh…
Ông Phạm Minh Chính nói rằng, “điều kiện, không gian phát triển công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và văn hóa nghệ thuật lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp xu thế thời đại, tiến bộ của nhân loại, là không có giới hạn. Công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa, phù hợp với xu thế của thời đại”.
Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại với phát biểu của ông Chính. Điển hình như âm nhạc Việt Nam, gần như không thể vươn tầm ra thế giới. Thậm chí, giới trẻ hiện nay mê sao Hàn hơn sao Việt. Điều này chứng tỏ, ngành giải trí Việt Nam không bằng Hà Quốc và nhiều nước khác. Điện ảnh thì nghèo nàn, kém chất lượng. Còn văn học thì chẳng có gì ngoài những tác phẩm nhạt nhẽo ca tụng chế độ.
Nói thẳng ra, ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam không thể phát triển, nguyên nhân thì ai cũng biết, đó là chế độ “kiểm duyệt” hà khắc của Đảng. Ở các nước có ngành công nghiệp văn hóa mạnh, thì không thể thiếu tự do sáng tác. Ở Việt Nam, từ âm nhạc, hội họa, văn học vv… đều bị bàn tay kiểm duyệt của Đảng Cộng sản nhúng vào.
Có ba nguyên nhân dẫn tới sản phẩm sau kiểm duyệt kém chất lượng:
Thứ nhất, sự giới hạn bởi những quy định của Đảng Cộng sản. Một nghệ sĩ hao hết tâm huyết, tiền bạc, tạo ra sản phẩm chất lượng, nhưng rồi lại bị cấm phát hành, thì xem như Đảng triệt tiêu khả năng sáng tạo.
Thứ nhì, những con người làm công tác kiểm duyệt đều là những kẻ dốt nát. Ở Việt Nam, thằng dốt lại có quyền kiểm duyệt thằng giỏi, là chuyện khá phổ biến. Việc Hội đồng xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân chặn hồ sơ của nghệ sĩ Xuân Hinh, đòi ông chi tiền, là ví dụ điển hình.
Thứ ba là tình trạng tham nhũng. Chính những kẻ tham nhũng đã nhận tiền, để cho những sản phẩm văn hóa kém chất lượng xuất hiện.
Ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lâu nay bị chính quyền Cộng sản phá nát, vì những lý do vừa nêu, cho nên, nó không thể phát triển được. Nói thẳng ra, ngành công nghiệp văn hóa bị Cộng sản nhốt vào cái lồng chật hẹp do Đảng làm ra. Giờ có bơm thêm tiền thì ngành này cũng chẳng thể phát triển được gì.
Khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ hơn 30 năm, và nó đã để lại cho thế giới những tác phẩm kinh điển gì? Hay Khối này sụp đổ thì những tác phẩm của nó cũng bị chôn vùi, vì chẳng có giá trị gì. Ngược với khối Xã hội Chủ nghĩa, thì hiện nay, thế giới biết được rất nhiều tác phẩm kinh điển về điện ảnh, âm nhạc của Anh Mỹ vv…
Cần phải nói thẳng rằng, chế độ Cộng sản, về bản chất là kém văn hóa. Nói đơn giản như văn hóa từ chức, tại các nước phương Tây, quan chức sẵn sàng từ chức khi thấy mình làm sai, hay không hoàn thành nhiệm vụ.
Còn ở chế độ này thì sao? Quan chức ngồi lì, bám ghế không chịu buông. Ngay cả người có quyền lực mạnh nhất, cũng sẵn sàng đạp lên luật, tự vẽ ra “suất đặc biệt” để tiếp tục ôm ghế.
Tham quyền cố vị, chà đạp lên luật pháp, tự cho mình quyền ưu tiên, thì đó là hành động có văn hóa sao? Người có văn hóa là người biết tôn trọng, trong đó, tôn trọng người khác và cả tôn trọng luật chơi chung.
Thực ra, bơm tiền cho ngành văn hóa chỉ là chiêu bài, thực chất, tiền bơm ra sẽ vào tay các quan chức. Quan chức vẽ dự án để xà xẻo mà thôi. Ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang bị nhốt trong cũi, chẳng thể phát triển được gì đâu mà bơm tiền.
Ý Nhi – Thoibao.de
23.12.2023