Mọi thành bại đều do công tác cán bộ, Tổng Trọng đã phạm những sai lầm nghiêm trọng gì?

Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh Lê Duy Minh, cựu Cục trưởng Cục Thuế, ngày 19/12 đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam, với tội danh “nhận hối lộ”, trong vụ án Công ty Xuyên Việt Oil. Như vậy, ông Minh bị bắt đồng vụ với cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ.

Vậy là, chỉ sau một năm ngồi ghế “nóng” Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Duy Minh đã đi theo vết xe đổ của người tiền nhiệm – cựu Giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan. Bà Lan đang bị truy nã trong vụ bán đất vàng, liên quan đại gia Dương Thị Bạch Diệp.

Liên tiếp, 2 đời Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh đều có kết cục rơi vào vòng lao lý do tham nhũng. Cựu Giám đốc Đào Thị Hương Lan may mắn hơn, bà này đã bỏ trốn từ tháng 1/2019. Bà bị truy nã, song đến nay, Bộ Công an vẫn chưa lần ra được dấu vết của bà.

Một loạt cán bộ lãnh đạo thành phố này cũng bị đi tù vì Sở Tài chính. Vụ việc bắt đầu năm 2011, khi Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giao khu đất vàng ở số 8-12 Lê Duẩn, cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue, do bà Lê Thị Thanh Thuý làm Chủ tịch. Quyết định giao đất này do Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Tài ký, với sự tham mưu của bà Đào Thị Hương Lan và bà Nguyễn Thị Thu Thủy. Bà Thuỷ là cựu Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên quản lý kinh doanh nhà thành phố Hồ Chí Minh, là một doanh nghiệp nhà nước. Vụ việc này được cho là đã gây thiệt hại lên đến 2.000 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc này, các ông: Nguyễn Thành Tài, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Thành Rum… bị khởi tố bắt giam.

Chưa hết, bà Đào Thị Hương Lan còn cùng với ông Trần Nam Trang – Phó Giám đốc Sở – tham mưu bậy cho một Phó Chủ tịch khác của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lúc đó, là ông Nguyễn Hữu Tín. Theo lời tham mưu này, ông Tín đã ký giao nhà đất số 15 Thi Sách cho Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”. Kết quả, ông Nguyễn Hữu Tín và ông Trần Nam Trang bị bắt. Còn bà Đào Thị Hương Lan đã nhanh chân “zọt lẹ”.

Liệt kê những điều vừa kể để chúng ta cùng thấy, Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh là một ổ tham nhũng, chuyên tham ô, móc ngoặc, để rút ruột ngân sách một cách có hệ thống.

Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 19/12 đưa tin, “Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải: Mọi việc thành bại, trước hết đều do cán bộ”.

Bản tin cho biết, ngày 19/12, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Chánh tổ chức Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng). Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành uỷ, đã dự và phát biểu chỉ đạo. Theo đó, ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh lại lời Bác Hồ dặn, “Mọi việc thành bại trước hết đều do cán bộ”.

Nhận xét về phát biểu của ông Nguyễn Hồ Hải, công luận cho rằng, bối cảnh Việt Nam hiện nay, tình trạng tham nhũng “chưa bao giờ có được như hôm nay”. Từ chỗ, cấp thấp thì ăn nhỏ, cấp cao ăn lớn, đến nay, đã tiến tới tình trạng, thấp ăn lớn, cao ăn lớn hơn nhưng cũng không tha nhỏ. Đúng như lời của cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, than thở về “tình trạng cán bộ ăn không chừa cái gì của dân”.

Đó là lý do vì sao, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lại rơi vào nghịch cảnh: Càng chống, tham nhũng càng tăng. Khởi tố bắt giam mãi vẫn không hết, bắt đến gần hết lãnh đạo, nhưng các đồng chí chưa bị lộ vẫn không sợ, vẫn “chén” tiếp, và còn ăn đến hết vẫn không thôi.

Để đi đến tình trạng bi đát như vậy, “công tác cán bộ” chắc chắn là một phần của câu trả lời, nhưng đây mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ.

Công luận luôn hoài nghi, vì sao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định về tầm quan trọng về công tác nhân sự lãnh đạo. Không ít lần, ông Trọng khẳng định, “kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người không đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, những phần tử tha hóa, cơ hội”, nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy.

Trong vụ án Xuyên Việt Oil, được biết, cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ bị bắt vì tội “nhận hối lộ” từ Công ty này, thời còn là Tổng Giám đốc Vietinbank. Vậy tại sao công tác nhân sự của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13 không phát hiện ra?

Quan trọng hơn, trường hợp của ông Lê Đức Thọ không phải là trường hợp cá biệt, mà còn rất nhiều. Có thể nói, đến hơn 70% các nhân sự cấp cao là chưa bị lộ, thậm chí nhiều “đồng chí” đã bị lộ, nhưng vì tiền, người ta vẫn cứ chọn, nếu có bị lộ thì sẽ ứng phó sau.

Đại hội Đảng khóa 12 có các uỷ viên Bộ Chính trị như Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải… Còn ở Đại hội 13, có các nhân sự như Trần Tuấn Anh, Phạm Bình Minh, Đinh Tiến Dũng – Bí thư Hà Nội, thậm chí cả Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ v.v…

Đó là lý do vì sao lại có chủ trương của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tìm mọi cách để giảm nhẹ tội cho các quan chức phạm tội.

Cũng bởi lý do công tác nhân sự của Tổng Bí thư có vấn đề, khiến số Ủy viên Trung ương Đảng, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị cũng rụng hàng loạt do tham nhũng.

Số lượng các Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các cấp, lũ lượt vào tù mấy năm gần đây, lớn cả về số lượng lẫn quy mô và chức tước, điều đó cho thấy, chất lượng nhân sự do ông Nguyễn Phú Trọng chọn lựa là rất có vấn đề./.

Trà My – Thoibao.de

24.12.2023