Đẩy giá vàng lên cao – chiêu trò móc hầu bao dân của Thủ Chính như thế nào?

Những ngày cuối năm 2023, giá vàng ở Việt Nam tăng vọt như con ngựa bất kham. Có những thời điểm, giá vàng bật lên ở mức khoảng 80 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh đồng USD lên rất ít, chỉ khoảng 2,06%, tương đương với 24.325 đồng/ USD, trong khi lãi suất tiền gửi đạt kỷ lục thấp, chỉ còn khoảng 1,9%?

Tại sao giá vàng ở Việt Nam lại có những biến động phức tạp như vậy, trong khi các quốc gia láng giềng như Thái lan, Campuchia…, giá vàng vẫn phù hợp với biến động của thế giới, thấp hơn giá vàng ở Việt Nam đến khoảng 20 triệu đồng/lượng.

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 26/12, đưa tin với tiêu đề, “Giá vàng miếng SJC tăng dữ dội lên 80 triệu đồng, nhiều người “tăng xông’”. Bản tin cho biết, từ đầu tháng 12/2023 đến nay, lực cầu trên thị trường vàng trong nước luôn tăng cao hơn so với lực bán ra, hiện giá vàng miếng SJC đã lên đến gần 80 triệu đồng/lượng.

Vẫn theo báo Lao Động, đầu giờ sáng ngày 26/12, thị trường vàng trong nước tiếp tục ghi nhận những đợt tăng dữ dội, của cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 9999.

Theo giới chuyên gia, việc giá vàng tăng cao tại thời điểm cuối năm, không ngoài mục đích của Chính phủ, muốn móc vàng nằm trong hầu bao của dân chúng. Trước đó, các giới chức lãnh đạo luôn khẳng định rằng, “tiền và vàng trong dân nhiều lắm”.

Một phép tính hết sức đơn giản và dễ hiểu, đó là, Ngân hàng Nhà nước đang cho in tiền hết công suất, bất kể tình trạng lạm phát, để đẩy giá vàng lên đến mức cao nhất có thể. Với hy vọng, dân chúng thấy giá cao, đem vàng ra bán để thu về một đống tiền đang mất giá, gần như là “giấy lộn”.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng đang hạ lãi suất tiền gửi xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử, thập chí, có ngân hàng chỉ ở mức 1,9%/năm. Cùng lúc đó, giá vàng cũng cán mốc cao nhất trong lịch sử: trên dưới 80 triệu đồng/lượng.

Nhà báo Đào Tuấn của báo Lao Động, viết trên trang Facebook cá nhân rằng:

Giờ các bạn đã hiểu vì sao giá chênh 20tr so với thế giới mà dân vẫn mua. Đã hiểu vì sao “vàng trong dân còn nhiều” mà mãi ko thể dụ họ lấy ra khỏi ống bơ chưa?!”

Theo giới chuyên gia, điều đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã thủng đáy, và những người có tiền chẳng còn cách nào khác ngoài việc lao vào đánh bạc với vàng. Nhưng ít người đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, đây chỉ là trò chơi mà trong đó, mọi người móc túi lẫn nhau. Người trước móc túi người sau, và cứ thế đẩy giá vàng tăng lên không có điểm dừng.

Vậy, giá vàng sẽ được đẩy lên đến mức nào?

Vẫn theo các chuyên gia tài chính, “không thể dự đoán được, nhưng đây chắc chắn là trò cờ bạc khát nước ngày cận tết. Tổng giá trị của trò chơi này luôn bằng 0.”

Kẻ thắng cuộc sẽ là kẻ chốt được đơn hàng ngay khi cơn thuỷ triều rút.

Học giả Trương Nhân Tuấn cho rằng, vàng trong dân còn nhiều lắm, “câu này không nhớ cha nào nói, nhưng công nhận cha này nói đúng”. Làm cách nào để “hốt vàng” trong túi người dân đây ?

Học giả Trương Nhân Tuấn đề xuất nhiều cách khác nhau, ví dụ như:

Cách 1: Bước một in tiền. Bước hai tung tiền ra mua vàng bằng mọi giá. Cách này nhất cử lưỡng tiện: vừa hốt được vàng trong dân vừa cứu được bất động sản.

Cách 2: Bước một in tiền, bước hai tung tiền mua vàng bằng mọi giá. Bước ba đổi tiền.

Cuối cùng, ông Trương Nhân Tuấn kết luận, “Cách nào thì người dân cũng sạch túi và bất động sản cũng được cứu”.

Trên thế giới, theo quy luật kinh tế chung, quốc gia nào tích vàng nhiều nhất thì sẽ không lo lạm phát. Vì lúc cần, họ sẽ tung vàng ra bán để bình ổn nền kinh tế.

Ở Việt Nam, tâm lý thích tích trữ bằng vàng ăn sâu vào tiềm thức của người dân, trải qua nhiều biến động lịch sử. Nắm bắt tâm lý này, trong lúc nền kinh tế Việt Nam khốn đốn lao đao, nhà nước ra chiêu, đẩy giá vàng lên cao để móc túi dân.

Dẫu vàng là một dạng hàng hoá, ở cả Việt Nam và thế giới đều được phép mua bán, kinh doanh tự do. Nhưng kể từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Kể từ đó, người dân chỉ được phép kinh doanh, chế tác vàng trang sức, mỹ nghệ, từ vàng miếng, vàng thỏi mua của nhà nước. Ai muốn tích trữ vàng, bắt buộc phải mua theo giá nhà nước độc quyền, đắt hơn giá thế giới từ 10 đến 20 triệu đồng một lượng.

Với giá vàng tăng phi mã như gần đây, tăng đến mức hơn 100%, hỏi làm sao vàng trong dân không dần dần bị nhà nước móc hết.

Thời điểm hiện nay, các nhà đầu tư vừa và nhỏ trong nước có tâm lý sợ đồng tiền mất giá, nên đổ xô đi mua vàng. Đầu năm mua một lượng vàng, cuối năm đã lời ra mấy triệu, ai cũng tưởng là có lãi. Nhưng tính đi tính lại, sau một năm, cộng cả tiền gốc lẫn tiền lời, cuối cùng vẫn không mua nổi một lượng vàng.

Tiền để không thì mất giá, gửi ngân hàng lãi suất ngày càng giảm, hơn nữa, lại sợ bị lừa như vụ SCB thì mất trắng. Thế là dân lại quay ra mua vàng tích trữ…

Tóm lại, tiền của dân kiểu gì rồi cuối cùng cũng lại nuôi béo cho nhà nước.

Trà My – Thoibao.de

28.12.2023

Kasse animation 7.8.2023