Nguyễn C. Khế và hai lần thoát hiểm (Phần 2)

Ngày 19/1, báo Tiếng Dân tiếp tục đăng phần 2 loạt bài “Nguyễn Công Khế và hai lần thoát chết” của tác giả Thu Hà, tiếp theo phần 1 đăng ngày 18/1.

Nội dung tóm lược như sau:

Cần nói rõ, trong vụ án Năm Cam, không phải không có quan điểm trái chiều từ cơ quan tố tụng Trung ương, khi nhiều bị can kêu oan.

Tại toà, ông Trần Mai Hạnh [Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam VOV] thề đòi lại công lý. Ông Hạnh là phóng viên chiến trường, công trạng cũng đáng nể, và từng có mặt tại Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975.

Tướng Bùi Quốc Huy [Thứ trưởng Công an] cũng phản bác cáo trạng dữ dội.

Phạm Sỹ Chiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng không nhận tội, luôn kêu oan, vung tay chém gió trước toà. Mọi thứ đã an bài, “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”.

Cuộc đời cống hiến cho Cách mạng, cùng với những riêng tư của Trần Mai Hạnh, Phạm Sỹ Chiến, Bùi Quốc Huy và một số sĩ quan công an cao cấp khác, đã bị báo Thanh Niên của ông Khế bôi bẩn, “đánh” bầm dập và “xào nấu” thành đủ thứ xấu xa, phơi bày ra trước bàn dân, thiên hạ.

Phàm ở đời, khi anh giẫm lên đầu người khác để bước, thì oán thù cũng theo đó mà chồng chất.

Hơn 20 năm trôi qua, đàn em trong ngành của Bùi Quốc Huy, nay nhiều người đã đeo lon tướng. Con trai ông Phạm Sỹ Chiến hiện là Kiểm sát viên cấp cao, làm phó cho một mảng quan trọng trong Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Sau đó, phe phản công những tờ báo “đánh PMU18”, giấu mặt và ủ mưu ném Nguyễn Công Khế vào tù, với 1 trong 3 tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281; “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263; và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự. Việc bất thành, nhưng không có nghĩa là họ sẽ bỏ qua cho Khế.

Về phần Khế, tuy nghỉ việc ở báo Thanh Niên, nhưng với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, Khế xem như vẫn còn điều hành báo Thanh Niên suốt một thời gian dài. Bên cạnh đó, Khế vẫn nắm “Duyên dáng Việt Nam” và cho ra đời tạp chí Một Thế Giới vào năm 2013.

Khoảng cuối năm 2014, đầu năm 2015, trong cuộc so găng “một mất một còn” để giành những vị trí chóp bu ở Đại hội 12, trang Chân Dung Quyền Lực ra đời, sau đó bỗng dưng “tắt đài” vào tháng 1/2015.

Đầu tháng 12/2015, hàng loạt bài báo tung ra trên các trang “lề dân”, được ký bút danh “Câu lạc bộ Nhà Báo Trẻ”, văn phong na ná trang Chân Dung Quyền Lực. Nội dung loạt bài tấn công Nguyễn Công Khế dữ dội, và người mà bút danh này gọi là “đàn anh”, “thầy”, “minh chủ” của Khế – đó là ông Trương Tấn Sang.

Những bài viết công phu, sống động, cung cấp đầy đủ bằng chứng, quy cho Khế các tội danh tham nhũng, lừa đảo… Nguy hiểm hơn, phe tấn công còn giải mã hồ sơ “tài liệu mật”, kết luận Nguyễn Công Khế từng phản bội, chiêu hồi, làm gián điệp, gây nợ máu với Cách mạng và nhân dân.

Đỉnh điểm, xuất hiện thư kiến nghị của Trung tướng Lưu Phước Lượng, yêu cầu Trung ương điều tra, ngăn chặn âm mưu “lũng đoạn nhân sự, can dự chính trường” của Nguyễn Công Khế.

Dù vậy, một lần nữa, Khế lại thoát chết ngoạn mục, bởi thế lực bảo vệ cho Khế lúc này quá mạnh. Và phe tấn công đã phạm phải sai lầm, khi “đánh bắc cầu” ông Trương Tấn Sang, khi mà ông Sang đang thoả hiệp với phe ông Nguyễn Phú Trọng để loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng.

Sau này, trên trang Facebook cá nhân, cả Nguyễn Công Khế và Hoàng Hải Vân đều bóng gió nói, người đứng sau những âm mưu này là Nguyễn Tấn Dũng.

Sống trong chế độ Cộng sản, lại là đảng viên, nhưng Nguyễn Công Khế quá chủ quan, tự tin, với cách nói và viết trịch thượng, có vẻ thách thức, thể hiện cái tôi quá lớn.

Trong đại án Việt Á, cái tên Nguyễn Công Khế cũng được réo lên, vì Khế đã “lăng xê” cho Phan Quốc Việt, Giám đốc Việt Á. Việt quê Thăng Bình, Quảng Nam, cùng quê với Khế.

Minh Vũ – thoibao.de

19.1.2024

Kasse animation 7.8.2023