Kinh tế khó khăn, đời sống dân Việt khốn khổ khi Tết đến

VOA Tiếng Việt ngày 20/1 có bài “Kinh tế khó khăn, đời sống dân Việt khốn khổ khi Tết đến”.

Theo VOA, nền kinh tế Việt Nam dựa vào xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu. Khi nhu cầu từ các thị trường này giảm xuống do lạm phát cao, đơn hàng ít đi khiến các hãng xưởng trong nước phải sa thải công nhân, hoặc thậm chí đóng cửa. Thu nhập người dân ít đi ảnh hưởng đến sức mua, khiến thị trường ế ẩm.
VOA dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, cho hay, tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam là 5,05%, thấp nhất trong 24 năm qua, nếu không tính hai năm dịch Covid 2020 và 2021.

VOA dẫn lời ông Lê Văn Chàng, 43 tuổi, là công nhân xây dựng từ Bến Lức, Long An, nói rằng, năm nay “công việc rất khó khăn, tiền bạc eo hẹp”, nợ lương gối đầu hoài.
Công ty của ông Chàng, lúc trước nếu khối lượng công trình là 10 phần, thì giờ đây chỉ còn 3 – 4 phần. Người thợ hồ này lý giải, do thị trường bất động sản đóng băng, rồi ảnh hưởng vốn liếng, đất đai nên xây cất ít đi.

“Mấy năm trước làm chưa xong công trình này thì chủ đã nhận được công trình khác,” ông kể.

Về thu nhập, ông Chàng cho biết, ông không lãnh lương định kỳ, mà “có làm mới có ăn”, thu nhập trong năm 2023 của ông còn chưa được 50% so với lúc trước.
Tuy nhiên, ông nói, ông vẫn còn may mắn hơn nhiều người vì còn công việc, chứ nhiều người xung quanh ông “thất nghiệp nhiều lắm”. “Người ta về quê quá trời, họ đi bán vé số nhiều lắm, ngoài ra họ còn đi phụ bán quán,” ông nói.

Ông cho biết, lúc trước chủ thầu có hỗ trợ công nhân 50% tiền thuê trọ, nhưng hiện giờ, họ chỉ cho xe tải chở đồ đạc công nhân theo công trình đến nơi ở mới, chứ không trợ cấp tiền trọ nữa.


VOA tiếp tục dẫn lời ông Hoàng Công Bằng, chủ một sạp bán áo dài trong chợ An Đông, quận 5, than thở “năm rồi buôn bán chậm lắm”.
“Nếu như trước dịch bán được 10 thì bây giờ chỉ được khoảng 4 đến 5 là cùng,” ông Bằng nói và cho biết, thu nhập của ông “đã giảm một nửa”.
“Kinh tế khó khăn quá. Nhiều doanh nghiệp giải thể rồi. Công ty không còn đơn hàng cho công nhân làm. Công nhân về quê hết. Thành ra nó ảnh hưởng dây chuyền. Mọi người không có tiền nên ai cũng tiết kiệm tối đa và hạn chế mua sắm.”

Theo lời ông, trước dịch buôn bán rất được, và ngay cả dịch vừa xong, ông “vẫn bán OK”, nhưng sang đến năm 2023 thì “xuống hẳn”.
“Hồi xưa du khách tới nườm nượp, mà bây giờ lâu lâu mới có một đoàn, mà họ không mua sắm thả ga như hồi trước nữa.”
Áo dài cưới cho cô dâu chú rể, áo dài cho sui gia cũng ế ẩm, nhiều người thuê thay vì mua như trước, hoặc chọn mua những bộ giá rẻ.
Để kéo khách, người chủ tiệm áo dài phải giảm giá hết cỡ, ngoài ra, ông còn phải tận dụng các kênh mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok hay Shopee để bán hàng.

Riêng về bạn hàng bỏ mối, ông Bằng cho biết, “từ Lạng Sơn, Hà Nội cho đến Phú Quốc, họ nợ tôi nhiều lắm, mỗi người nợ năm ba chục triệu”. “Mình gọi điện thì họ nói họ khó khăn quá thì mình cũng chịu. Hoàn cảnh ai cũng như nhau thành ra tôi cũng thông cảm, không đòi rát quá,” ông bày tỏ.
Về tình hình kinh doanh cuối năm, ông cho biết “có nhích lên được một chút do bà con Việt kiều về quê ăn Tết”.
Có thâm niên hàng chục năm kinh doanh ở chợ An Đông, ông Bằng cho biết, năm 2023 là “năm khó khăn nhất từ trước đến nay”.
Ông mô tả, trong chợ An Đông có nhiều chỗ treo bảng “sang sạp” với giá rẻ chỉ còn chưa tới một nửa so với thời hoàng kim.
Mặc dù khó khăn như vậy nhưng tiền thuế, tiền hoa chi, tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước, các tiểu thương vẫn phải đóng đủ “không thiếu đồng nào”, ông Bằng cho biết. Trong thời gian tới, các tiểu thương đang tính kiến nghị Ban quản lý chợ và Cục thuế giảm tiền cho họ.

Thu Phương – thoibao.de

20.1.2024

Kasse animation 7.8.2023