Tổng Trọng ngang nhiên làm trái luật thì đừng mong pháp luật được thượng tôn?

Chính quyền Việt Nam vẫn tuyên truyền vận động để người dân thực hiện khâu hiệu “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Tuy nhiên, giữa lời nói và việc làm của lãnh đạo nhà nước Việt Nam cho thấy, lời nói của họ không đi đôi với việc làm.

Câu chuyện của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, được báo Công An Nhân Dân ngày 1/2/2021 tường thuật, là một ví dụ. Cụ thể:

“Sáng 1/2, tại buổi họp báo sau khi Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bế mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kể lại câu chuyện mang tính cảnh tỉnh và răn đe nghiêm khắc về trường hợp hối lộ, xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để biếu xén, lấp liếm.”

Theo đó, khi mở vali để kiểm tra, phát hiện toàn tiền USD, Tổng Bí thư Trong cho biết: “Tôi yêu cầu khóa vali lại, niêm phong và lập biên bản”.

Liên quan đến lời kể này của Tổng Trọng, sau đó, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận, đã lên tiếng phê phán về cách xử lý trái luật của những người có trách nhiệm. Theo ông Trần Quốc Thuận, “không thể có chuyện xách cả đống tiền đến hối lộ cho [Ủy] Ban Kiểm tra Trung ương như thế, mà lại Tổng Bí thư chỉ đạo cho “đem gói lại, mang về” như thế?”

Công luận cho rằng, chuyện kể trên chỉ là một trong muôn vàn các phát biểu hay hành động của lãnh đạo Việt Nam, khi “nói không đi đôi với việc làm”. Đó là lý do vì sao, dư luận xã hội đã mất lòng tin vào lãnh đạo, cũng như truyền thông nhà nước.

Báo Tuổi Trẻ ngày 19/1 đưa tin, “Từ vụ 4 nữ tiếp viên hàng không, công an triệt phá đường dây ma túy ‘lớn nhất lịch sử’”, cũng là một trong những ví dụ.

Theo báo Tuổi Trẻ, tại Hội nghị phòng chống ma túy qua đường hàng không, ngày 19/1/2023, Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, cho biết:

“Từ việc phát hiện 4 tiếp viên Vietnam Airlines “xách tay ma túy”, cơ quan công an đã phá đường dây ma túy lớn nhất lịch sử. Dự kiến sắp tới đây sẽ khởi tố khoảng 500 người”.

Được biết, vào tháng 3/2023, truyền thông nhà nước loan tin, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cơ quan liên quan, khi tiến hành kiểm tra thì phát hiện trong 4 vali của 4 tiếp viên nói trên, ngoài các vật dụng cá nhân, còn có tổng cộng 327 tuýp kem, đánh răng và 17 chai nước súc miệng.

Danh tính 4 tiếp viên được nhà chức trách công bố, gồm: Nguyễn Thanh Thủy, Đặng Phương Vân, Trần Thị Thu Ngân và Võ Tú Quỳnh. Bốn tiếp viên khai nhận, họ vận chuyển các tuýp kem đánh răng nói trên, với tiền công 10 triệu đồng, và khai rằng, họ không biết bên trong có ma túy.

Việc các cơ quan chức năng nhanh chóng trả tự do cho 4 tiếp viên Vietnam Airlines vận chuyển ma túy bị bắt quả tang, đã khiến cho dư luận xôn xao và bất bình. Có tin đồn rằng, 1 trong 4 tiếp viên là cháu của một lãnh đạo trong “tứ trụ”, nên sự việc đã được giải vây nhanh chóng, khiến mạng xã hội dậy sóng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, một đại diện của Công an nêu lý do thả 4 tiếp viên hàng không, đó là vì họ “trong sáng và có nghiệp vụ”. Công an cho biết, cả 4 người đều đã hỗ trợ cảnh sát rất nhiều.

Công luận chỉ ra một điều vô lý, đó là, đống “kem đánh răng” chỉ đáng giá độ vài trăm USD, nhưng các tiếp viên Vietnam Airlines lại được hứa sẽ trả công tới gấp hai ba lần giá trị của số lượng hàng hóa “xách thuê”. Điều này không làm họ có chút nghi ngờ nào sao? Cũng chính vì điều này, khiến càng ngày càng có nhiều người nghi ngờ về sự mờ ám trong vụ này.

Giải thích về lý do trả tự do cho 4 tiếp viên vận chuyển ma túy bị bắt quả tang, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh – Mai Hoàng – cho hay, vào thời điểm phát hiện bốn tiếp viên xách ma tuý, lực lượng điều tra đã đặt câu hỏi cho những người này, như: “có biết bên trong là ma túy không, ý thức chủ quan như thế nào?”

Sau khi phân tích công việc hàng ngày, cảnh sát xác định, 4 tiếp viên thường tận dụng việc “vali thừa cân”, để vận chuyển thuê hàng hóa về Việt Nam.

Vẫn theo Thiếu tướng Hoàng, trong chuyến hàng đó, người được trả công nhiều nhất là 2,6 triệu đồng, và ông cũng cho hay:

“Đặt tính nhân văn lên hàng đầu và với phương châm không làm oan người vô tội, chúng tôi quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên, dù nhiều áp lực”.

Cũng theo Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, cả 4 tiếp viên đã hỗ trợ cảnh sát rất nhiều, vì “trong sáng và có nghiệp vụ”.

Giới quan sát và công luận thắc mắc, đều có chung câu hỏi: “có phải đây lại là một “chuyến bay giải cứu” có thân nhân của các quan chức cấp cao hay không?”

Việc giải cứu cho 4 tiếp viên VietNam Airlines xách ma túy phạm pháp quả tang, được trả tự do, vì “chưa đủ cơ sở khởi tố”. Đây là tiền lệ rất nguy hiểm cho xã hội, đồng thời là một quyết định rất “khó hiểu” của cơ quan điều tra. Thậm chí, có những nghi ngờ rằng, các tiếp viên hàng không “có thế lực chống lưng”.

Để xây dựng một “nhà nước pháp quyền” hay một “Xã hội thượng tôn pháp luật” ở Việt Nam hiện nay, trước hết lãnh đạo Đảng và nhà nước phải có ý thức và trách nhiệm nêu gương./.

Trà My – Thoibao.de

30.1.2024