Yếu tố miền Nam của ông Võ Văn Thưởng và „cuộc chiến“ kế nhiệm ghế Tổng Bí thư

Ngày 2/2, blog Nguyễn Anh Tuấn trên RFA Tiếng Việt có bài phân tích “Yếu tố miền Nam của ông Võ Văn Thưởng: Thuận lợi hay bất lợi?”

Tác giả cho rằng, lâu nay, khi bàn về khả năng kế vị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Võ Văn Thưởng, hiện là Chủ tịch nước, thường bị cho rằng sẽ gặp bất lợi vì gốc gác miền Nam.

Tác giả nhận xét, quan điểm này không phải là không có cơ sở.

Theo tác giả, lý do đầu tiên là cơ sở lịch sử. Gần như toàn bộ nhân sự Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ khi thành lập năm 1930 đến nay, đều có gốc gác miền Bắc, bao gồm cả Bắc Trung Bộ, theo cách phân chia Nam – Bắc trong thời chiến tranh Việt Nam. Thêm nữa, sau Đổi Mới, Đảng đã vận hành theo công thức bất thành văn, để phân chia ba vị trí cao nhất trong guồng máy chính trị cho ba miền: Tổng Bí thư là người miền Bắc, Chủ tịch nước cho miền Trung, và Thủ tướng cho miền Nam.

Công thức này gần đây đã thay đổi, song lại theo hướng tập trung quyền lực cho nhóm miền Bắc, càng giúp củng cố cho quan điểm rằng, ông Thưởng với gốc gác miền Nam sẽ không thể trở thành người kế vị Nguyễn Phú Trọng cho vị trí Tổng Bí thư.

Lý do thứ hai được tác giả đề cập, đó là câu nói nổi tiếng của ông Trọng: “Tổng Bí thư phải là người miền Bắc, có lý luận”. Dù chưa từng được kiểm chứng, song nhiều người tin rằng, phát biểu này của ông Trọng đến từ cuộc cạnh tranh quyền lực giữa ông với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – một trong những lãnh đạo có gốc gác miền Nam. Việc ông Trọng, dù tuổi tác đã cao, vẫn bằng mọi giá ngăn cản tham vọng quyền lực của ông Dũng, tạo cảm giác rằng, ông muốn ngăn một người miền Nam thực dụng trở thành Tổng Bí thư.

Bởi vậy, dư luận tin rằng, với quyền lực khuynh loát của ông Trọng trong Đảng hiện nay, nếu ông coi “người miền Bắc, có lý luận” là tiêu chí hàng đầu cho vị trí Tổng Bí thư, chắc chắn, ông Thưởng sẽ không phải người được chọn.

Tác giả đánh giá, cả hai cơ sở trên đều không phải không thuyết phục, nhưng không phải không có sơ hở.

Tác giả phân tích, về chuyện lịch sử, quả đúng là đa số Tổng Bí thư đều là người miền Bắc, nhưng không phải không có người gốc gác miền Nam. Đó là Lê Duẩn, người không chỉ sinh ra ở Triệu Phong, Quảng Trị, nằm phía Nam đường giới tuyến, mà còn xây dựng sự nghiệp Cách mạng ở miền Nam. Ông được ông Hồ Chí Minh điều ra Bắc để trở thành Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam bấy giờ, một chức vụ tương đương Tổng Bí thư hiện nay, là người lãnh đạo quyền uy tuyệt đối của Đảng nhiều năm sau đó.

Tác giả nhận định, lựa chọn này của ông Hồ Chí Minh có liên quan bối cảnh, dàn lãnh đạo miền Bắc khi đó đang bị chia rẽ nghiêm trọng sau Cải cách Ruộng đất, khiến Đảng cần một người lãnh đạo không thuộc về bất kỳ phe phái nào. Lê Duẩn là một người như vậy ở thời điểm đó. Đảng Cộng sản Việt Nam qua gần 10 năm “đốt lò” có thể cũng đang rơi vào một tình thế như vậy, và người luôn tự nhận là học trò hết lòng của ông Hồ Chí Minh, tức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay, có thể sẽ ra một quyết định tương tự.

Vẫn theo tác giả, câu nói được cho là của ông Trọng không phải là một cơ sở vững chắc. Xuất thân từ một cây lý luận của Đảng, ông Trọng đương nhiên dành sự ưu tiên lớn cho công tác lý luận và ưu ái lớp người làm tuyên giáo – lý luận, vì ông tin vào tầm quan trọng của lớp người này, với sự trường tồn của Đảng.

Sự lão làng chính trị của ông Trọng khiến những ai quan sát chính trị Việt Nam nghiêm túc, phải nghi ngờ về độ khả tín của câu nói này, nhất là vế đầu tiên. Có thể, ông nhấn mạnh đến vế sau, “có lý luận”, và để cho hợp lý với cuộc cạnh tranh chính trị với ông Dũng, có người đã thêm vào vế đầu, “người miền Bắc”.

Tác giả kết luận, cả hai cơ sở được đưa ra cho quan điểm rằng, ông Thưởng gặp bất lợi vì yếu tố miền Nam đều không thực sự thuyết phục. Và ông Thưởng, với thế mạnh về khả năng lý luận chính trị của mình, nhất là so với hai đối thủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, vẫn nhiều khả năng trở thành lựa chọn số 1 của ông Trọng cho vị trí Tổng Bí thư tới đây.

 

Quang Minh – thoibao.de

3.2.2024