Tàu hải cảnh lớn nhất thế giới của Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính

Ủi tàu Việt Nam , Trung Quốc điều Tàu hải cảnh lớn nhất thế giới lao vào Bãi Tư Chính!

Ngày 22/2, RFA Tiếng Việt loan tin “Trung Quốc điều tàu hải cảnh lớn nhất vào Bãi Tư Chính của Việt Nam”

Theo đó, tàu hải cảnh lớn nhất thế giới của Trung Quốc, mang số hiệu CCG 5901, nặng 12.000 tấn, vừa quay trở lại Bãi Tư Chính – nơi Việt Nam có các giàn khoan dầu khí.

RFA cho hay, tàu này đã bật tín hiệu theo dõi tàu biển tự động AIS vào hôm 20/2, gần Bãi Tư Chính, nơi Trung Quốc liên tục điều các tàu hải cảnh vào quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.

RFA dẫn tin từ ông Raymond Powell – Giám đốc dự án Sea Light của Mỹ, dựa theo dữ liệu từ Marine Traffic có sử dụng tín hiệu AIS, thì tàu Kiểm ngư 261 của Việt Nam đã theo đuôi tàu hải cảnh của Trung Quốc ở khu vực này.

RFA cũng cho biết, trước đó, tàu CCG 5901 đã rời cảng Tam Á ở đảo Hải Nam, vào ngày 14/2/2024.

Tàu này đã đi tuần trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong gần một tháng, hồi cuối năm 2023, và sau đó, một tàu hải cảnh khác là CCG 5402 đã thay thế tàu này hôm 10/1.

RFA dẫn quan điểm của chuyên gia phân tích Gaute Friis thuộc dự án Sea Light, thuộc Đại học Stanford, cho biết:

“Những cuộc tuần tra như thế này là một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc, nhằm củng cố đòi hỏi chủ quyền trên biển của mình, nơi đang có các tranh chấp.”

“Bằng cách này, Trung Quốc nhắm tới việc thiết lập một sự hiện diện thường xuyên của mình, và dần tiến tới bình thường hoá các hoạt động trên biển ở các khu vực này.”

RFA cho biết thêm, tàu hải cảnh khổng lồ của Trung Quốc có trang bị súng hạng nặng, một nơi đáp máy bay trực thăng và một nhà chứa máy bay đủ lớn để chứa máy bay cánh quay cỡ lớn hơn.

Trước đó 3 ngày, ngày 19/2, RFA cũng loan tin về việc tàu Trung Quốc xâm phạm các lô dầu khí của Việt Nam ở Bãi Tư Chính.

Thông tin này cũng dựa theo ghi nhận của Sea Light Project, theo đó, hôm 18/2, Trung Quốc đã điều tàu hải cảnh đi vào khu vực các lô dầu khí của Việt Nam ở vùng biển Bãi Tư Chính.

Tại Bãi Tư Chính, Việt Nam có một hệ thống 5 nhà giàn, trong đó, 3 nhà giàn đang hoạt động. Những nhà giàn này được xây dựng nhằm mục đích khẳng định chủ quyền của Việt Nam, đồng thời để thăm dò, khai thác dầu khí.

Theo RFA, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã liên tiếp tìm cách cản trở các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí của Việt Nam ở khu vực này. Khiến Việt Nam phải huỷ các hợp đồng thăm dò với các công ty nước ngoài, và chịu thiệt hại về tài chính.

Đơn cử như trong năm 2020, Việt Nam đã phải huỷ các hợp đồng thăm dò với hai công ty nước ngoài là Repsol và Noble, dẫn đến việc hai công ty này đệ đơn kiện đòi bồi thường.

RFA dẫn nhận xét của các chuyên gia nghiên cứu tình hình Biển Đông, cho rằng, mục đích của Trung Quốc là ngăn không cho Việt Nam mở rộng phạm vi thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính, và cho đến nay, chiến lược này tỏ ra khá hiệu quả.

Bằng việc ép các công ty nước ngoài từ bỏ hợp tác với Việt Nam, Trung Quốc hy vọng sẽ buộc Việt Nam phải hợp tác với chính Trung Quốc, nếu muốn tiếp tục thăm dò và khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính, và các khu vực khác trên Biển Đông.

Và điều đó có nghĩa là, Việt Nam công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực này.

RFA dẫn nhận định của Giáo sư Carlyle Thayer, cho biết thêm:

“Việt Nam đang không thể khai thác tài nguyên mà họ cần, trong trường hợp này là nguồn cung năng lượng, và khí đốt là một trong số đó, mà nguyên nhân chính là sức ép từ Trung Quốc.”

 

Ý Nhi – thoibao.de