Tăng lương 30% cho công chức, viên chức: Con dao 2 lưỡi, “lợi bất cập hại”

Nhà nước Việt Nam đang xúc tiến việc cải cách tiền lương cho khu vực công chức và viên chức. Được biết, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất, điều chỉnh mức lương tối thiểu sẽ áp dụng từ ngày 1/7, theo đó sẽ tăng 6%.

Báo Đại biểu Nhân dân ngày 10/3 đưa tin, “Ba loại tiền lương sẽ tăng từ ngày 1/7/2024”. Bản tin cho biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện cải cách tiền lương.

Theo kế hoạch, 3 loại tiền lương quan trọng, gồm lương công chức – viên chức, lương hưu, lương tối thiểu tính theo vùng, sẽ tăng 6%. Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp, chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương, và 10% tiền thưởng.

Như vậy, từ ngày 1/7, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30%. Mức tăng lương cụ thể cho từng đối tượng phụ thuộc vào vị trí việc làm và hiệu quả công việc…

Tuy nhiên, dư luận xã hội đánh giá rằng, tăng lương cũng không giải quyết được vấn đề thu nhập của người lao động, do lương tăng một thì giá cả tăng gấp mười.

Một giáo viên đã về hưu ở Thái Bình, nói với thoibao.de với điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, cho biết:

“Tiền lương hưu của tôi nếu có tăng, cũng chỉ thêm mấy trăm ngàn đồng, bây giờ mới có tin sắp tăng lương mà giá cả đã rục rịch tăng theo. Nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ tăng, nên việc tăng lương không giải quyết được vấn đề.”

Công luận thấy rằng, quyết định tăng lương chỉ có tác dụng tâm lý tức thời. Rồi ngay sau đó, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm đồng loạt “tăng tốc”, trong khi tiền lương chỉ nhích lên chút ít không đáng kể. Nhà nước nói là tăng lương, nhưng thực chất chỉ là bù trượt giá.

Giới chuyên gia đánh giá, tăng lương sẽ kéo theo lạm phát, nếu làm một phép so sánh đơn giản, mức lương tăng chỉ 6%, trong khi lạm phát tăng đến 11%. Đặc biệt, giá lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu, sẽ lập tức tăng cao, với tốc độ nhanh hơn nhiều.

Tuy nhiên, về mặt tích cực, chính sách tiền lương mới không chỉ là liều doping động viên tinh thần, mà còn là một bước quan trọng trong hướng dẫn phát triển năng lực của nhà nước. Theo đó, việc tăng lương làm tăng động lực làm việc của công chức, viên chức, đồng thời cũng thể hiện sự đánh giá và công bằng trong chính sách tiền lương.

Sự tăng cường thu nhập cho công chức, viên chức, không chỉ giúp họ duy trì cuộc sống, mà còn tạo động lực để họ nỗ lực, đóng góp nhiều hơn trong công việc của mình. Đồng thời, từ đó đảm bảo sự ổn định và chất lượng trong đội ngũ công chức, viên chức nhà nước.

Ở góc độ tiêu cực, việc tăng lương 30% cho riêng khối viên chức, công chức, tức là sẽ tăng chi ngân sách lên 30%. Quyết định này có thể tạo áp lực tài chính rất lớn. Nếu nhà nước lựa chọn in thêm tiền để giải quyến nguồn ngân sách, khi đó, tình trạng lạm phát sẽ tăng lên chóng mặt.

Bên cạnh đó, chỉ lương cho công chức, viên chức tăng tới 30%, sẽ tạo ra sự chênh lệch đáng kể về thu nhập tiền lương, giữa các ngành nghề và các tầng lớp trong xã hội. Điều này ảnh hưởng đến chi phí cuộc sống chung của cả cộng đồng, đặc biệt là nhóm dân có thu nhập thấp.

Điều đó sẽ dẫn tới tình trạng, dân tình “chen nhau vỡ đầu” để chạy một suất công chức, viên chức, do đãi ngộ cao và bổng lộc đi kèm. Nhiều người buộc phải “chạy” với số tiền gấp hàng trăm lần số lương, để mua ghế, để vào biên chế nhà nước. Hậu quả là các cán bộ viên chức nhà nước sẽ phải hành dân “sát ván”, phải tham nhũng nhiều hơn, để bù lại số tiền đã chi ra mua ghế.

Công luận thấy rằng, Chính phủ phải nghiêm túc xem xét vấn đề tăng lương 30% cho công chức, viên chức. Bởi đây là con dao hai lưỡi, nếu không cẩn thận, sẽ là điều “lợi bất cập hại”./.

 

Trà My – Thoibao.de