Lẽ nào “tịch tà kiếm phổ” có thật? “Tự cung” có khiến Tổng Trọng mạnh hơn không?

Hiện nay, dư luận xã hội đang tồn tại 2 luồng ý kiến. Một ý kiến cho rằng, việc đốt lò nhanh gọn và thần tốc trong thời gian gần đây, là do ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện. Một luồng ý kiến khác lại cho là, công cuộc “đốt lò” vẫn do Tổng Trọng ra tay.

Chỉ ngắn ngủi mấy tháng từ đầu năm đến nay, đã có 3 uỷ viên Bộ Chính trị “rơi rụng”, đó là ông Trần Tuấn Anh, ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ. Trong đó, trường hợp của ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ đều gây ngạc nhiên, xôn xao dư luận, bởi diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ. Điều đáng nói là, trước khi ngã ngựa, cả ông Thưởng và ông Huệ đều được đánh giá là những ứng viên sáng giá cho chức Tổng Bí thư, đặc biệt là ông Vương Đình Huệ.

Luồng quan điểm thứ nhất – Tô Lâm đang làm chủ cuộc chơi, phân tích:

Trước khi đánh ông Thưởng và ông Huệ, các tin tức phi chính thống được bung ra, cho biết một số dấu hiệu, rồi những bước tiếp theo của Tô Lâm và Bộ Công an hiện thực hóa tin đồn trước đó.

Do đó, dễ hiểu là, tin phi chính thống chính là sự thật, được phe tấn công cố ý tuồn ra, để định hướng dư luận, và cho khoác áo tin đồn.

Có người nhận xét, ông Tổng không có thói quen dùng tin phi chính thống, mà ông chỉ dùng tin chính thống. Ví dụ như vụ chiếc xe Lexus LX570 biển xanh của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang – Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2016, được báo chí rầm rộ đưa tin. Sau đó mới đến lượt Công an ra tay. Vì vậy, các nhà quan sát cho rằng, cách sử dụng tin phi chính thống, tin rò rỉ như vừa qua, là cách đánh của người khác chứ không phải của ông Tổng.

Hiện nay, tin phi chính thống tiếp tục cho biết, bà Trương Thị Mai có dính líu tới vụ án Khu du lịch Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí. Trong khi đó, tin chính thống thì thông báo ông Mai Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, là người liên quan.

Một khi, tin phi chính thống được bật đèn xanh, tung ra mối liên quan của bà Trương Thị Mai với vụ án, thì rất có thể, đây là dấu hiệu cho thấy, đối tượng tiếp theo của “lò” chính là Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Thời gian tới, nếu bà Mai thật sự ngã ngựa, thì đây lại là sự kiện “động trời” nữa, diễn ra ở thượng tầng chính trị của Đảng Cộng sản.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, ông Tổng muốn đánh dẹp hết những người xung quanh, để ông trở thành lựa chọn duy nhất cho ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ sau. Có nghĩa là, ông Trọng sẽ ở lại nhiệm kỳ thứ 4.

Theo quan điểm này, chủ “lò” vẫn là ông Trọng; còn Tô Lâm vẫn chỉ là kẻ thừa hành, kẻ đưa đầu “chịu báng”, chịu tiếng là “phản nghịch” đối với ông Tổng Bí thư.

Hiện nay, ghế của bà Trương Thị Mai đang bị lung lay dữ dội. Liệu đây có phải là ý của ông Nguyễn Phú Trọng hay không?

Nếu đây thực sự là ý muốn của ông Trọng, thì phải chăng, ông đang muốn “tự cung” – tức tự hoạn chính mình? Bởi sức khoẻ ông hiện nay đang rất kém, trong Ban Bí thư, ông phải nhờ vào cấp phó điều hành công tác thường trực. Và trong bối cảnh nhân sự đang khủng hoảng nghiêm trọng, việc bứng bà Mai chẳng khác nào ông Trọng tự làm khó chính mình.

Tác phẩm võ hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ của nhà văn Kim Dung có mô tả một loại võ công có sức mạnh vô song, muốn luyện được nó thì phải “tự cung”. Đấy là “tịch tà kiếm phổ”.

Nhưng việc “tự cung” để tăng cường nội lực, chắc chỉ có trong tiểu thuyết kiếm hiệp, còn trên thực tế, “tự cung” đồng nghĩa với tự hại chính mình.

Liên hệ với sự nghiệp chính trị của Tổng Trọng, việc đánh cho nát Ban Bí thư chính là hành động “tự cung”. Cho nên, khả năng ông Tổng hạ bà Mai là không thực tế. Đó chỉ có thể là ý muốn của kẻ khác.

 

Trần Chương – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023