Ngồi tiếp ghế Tổng nhiệm kỳ 4: Vì sao Tổng Trọng ăn ốc, nhưng Tô Chủ tịch là kẻ đổ vỏ?

Tổng Trọng – một người bị đánh giá là có tham vọng quyền lực rất lớn. Bởi ông Trọng đã “ngồi ỳ” trên chiếc ghế người là đứng đầu Đảng, đã 3 nhiệm kỳ.

Song, ông Trọng lại coi các lãnh đạo trong Đảng – những người có tham vọng thăng tiến quyền lực, là “những kẻ suy thoái và tham vọng quyền lực”, là đối tượng “kiên quyết không đưa vào nhân sự Ban Chấp hành Trung ương”.

Những bất thường trong việc bầu, bổ nhiệm chức Chủ tịch nước, cũng như miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an, đối với Tô Lâm mới đây, đã khiến cho một số nhà phân tích tin rằng:

“Một kế hoạch được cho là do Tổng Bí thư Trọng chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Tình báo Quân đội, tạo dựng hồ sơ giả, về một kế hoạch “đảo chính không tiếng súng” của Bộ trưởng Tô Lâm, với mục đích thu hồi quyền lực của Bộ trưởng Bộ Công an, để nhốt vào trong lồng.”

Các cuộc điều tra của Bộ Công an dưới sự chỉ đạo của Tô Lâm, đã khiến các nhân vật cấp cao, những ứng viên tiềm năng cho ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14, là Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, bị mất chức. Không chỉ dư luận Việt Nam, mà cả giới quan sát quốc tế, như Giáo sư Abuza Zachary – chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Hoa kỳ, từng nhận định rằng, “ông Tô Lâm “đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị của mình”, và trong công cuộc đốt lò ở Việt Nam, ông Tô Lâm “là người chiến thắng’”.

Phải chăng, đó là lý do vì sao, ngày 4/5, người phát ngôn Bộ Công an Trung tướng Tô Ân Xô bất ngờ thanh minh:

“Khi lãnh đạo Ban chuyên án báo cáo Tổng Bí thư về một số vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, Tổng Bí thư đã khen ngợi Bộ Công an quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.”

Vẫn theo Trung tướng Xô, Tổng Bí thư còn yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Điều này cho thấy, Bộ Công an của Tô Đại tướng đang cố gắng chứng minh với công luận rằng, những xáo trộn lớn trong nội bộ Đảng gần đây, đều làm theo chỉ đạo của Tổng Bí thư. Và không có chuyện mưu toan “tranh quyền đoạt vị” với Tổng Trọng.

Nhà phân tích Nguyễn Anh Tuấn và một số nhà quan sát cho rằng, “những diễn biến vô tiền khoáng hậu đang xảy ra, nằm trong âm mưu của Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Bằng việc loại bỏ những đối thủ tiềm năng… để rồi sau đó chiếm lấy chiếc ghế Tổng Bí thư siêu quyền lực, vào Đại hội 14”. Giả thuyết trên, dù nghe rất hấp dẫn, song thiếu những căn cứ vững chắc. Chẳng những, không phải là đạo diễn, Bộ trưởng Tô Lâm còn có thể bị buộc phải thủ vai chính vào hồi sau cùng”.

Bài viết “Nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng và số phận ông Tô Lâm” của nhà quan sát chính trị Nguyễn Anh Tuấn, đã đưa ra một bình luận đáng chú ý. Theo ông Tuấn, có ý kiến cho rằng, chính ông Trọng mới là đạo diễn cho toàn bộ vở kịch nhiều hồi này. Dù được che chắn kín đáo, song việc ông Trọng là chủ mưu giấu mặt, vẫn để lại những dấu vết tại Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10 năm ngoái.

Đó là, “những vụ thanh trừng này có “mùi” của Tổng cục II rất rõ, với chức năng làm công tác do thám và nắm hồ sơ cán bộ lãnh đạo chiến lược, Tổng cục 2 hẳn không lạ gì việc các quan chức cấp cao tham nhũng.”

Vì sao, những sai phạm không được đưa ra từ sớm, để ngăn chặn những nhân sự này thăng tiến, ngay từ đầu, mà lại để đến tận 13 năm sau trong trường hợp ông Thưởng, hay cũng cả chục năm sau như trường hợp ông Huệ. Câu trả lời đơn giản là: Vì người nắm quyền tối cao – Tổng Trọng – muốn như vậy?

“Hồ sơ đen” lúc nào cũng được Tổng cục 2 để sẵn, chỉ cần được bật đèn xanh, là sẽ tung ra. Và ai có quyền bật đèn xanh, ngoài Tổng Bí thư?

Sau những xáo trộn chưa từng có tiền lệ trong nội bộ Đảng vừa qua, lúc này, Đảng cần một con dê tế thần, để xây lại “tình đoàn kết” trong nội bộ. Và thế là ông Tô Lâm đã bị họ “gài” bằng truyền thông, để trong mắt dư luận trong và ngoài Đảng, ông trở thành một kẻ vì tham vọng quyền lực cá nhân mà thanh trừng đồng chí.

Bởi vậy, có thể cho rằng, việc ông Huệ, ông Thưởng và ông Phúc, bị loại, và khả năng tiếp theo sẽ là ông Tô Lâm, nhằm mở đường cho nhiệm kỳ thứ 4 của ông Trọng. Như vậy, ông Trọng sẽ thản nhiên bước vào nhiệm kỳ thứ 4, không phải với tư cách của một kẻ tham quyền cố vị, mà là trong tư cách vị cứu tinh của Đảng.

Bằng cách này, ông Trọng sẽ đạt được mục tiêu tối hậu là cầm quyền suốt đời, mà không bị điều tiếng tham quyền cố vị, từ cả dư luận trong Đảng, lẫn ngoài Đảng, và cả dư luận quốc tế – điều duy nhất mà ông ái ngại.

 

Trà My – Thoibao.de